Nhắc đến Thái Hòa, hẳn ai cũng nghĩ đến hình ảnh một "ông vua phòng vé" với hàng loạt kỉ lục doanh thu án ngữ top bảng xếp hạng điện ảnh Việt. Là một diễn viên kịch sân khấu, chẳng ai ngờ Thái Hòa lại trở thành một hiện tượng trên màn ảnh rộng bởi nhân vật Hội trong Để Mai Tính. Cái nét hài hước không lẫn đi đâu được, không đẹp trai nhưng có duyên, khả năng nhập vai linh hoạt, Thái Hòa nhanh chóng đưa tên tuổi mình lên hàng chiếu trên của làng phim Việt.
Thái Hòa và đạo diễn Charlie Nguyễn, bộ đôi vua phòng vé liên tục oanh tạc trong nhiều năm liền với các phim như Long Ruồi, Cưới Ngày Kẻo Lỡ, Tèo Em, Để Mai Tính 2... nhưng lại bất ngờ ngã ngựa với Fan Cuồng - một bộ phim về nhạc rock. Đầu tư 26 tỉ đồng nhưng doanh thu thất bại, Thái Hòa còn quay clip xin lỗi khán giả vì đã để mọi người nghĩ mình đang xem phim hài. Ai cũng nghĩ rằng lúc đó "vua phòng vé" mất thăng bằng và hoảng loạn, đến nỗi anh và người bạn thân Charlie tạm dừng hợp tác suốt 2 năm.
Trở lại với Chàng Vợ Của Em, những nỗi hồ nghi từ Fan Cuồng vẫn còn đó. Nhưng không, hóa ra Chàng Vợ Của Em lại là tác phẩm hấp dẫn nhất nhì năm 2018 bởi quá duyên, quá văn minh và Thái Hòa đã lấy lại phong độ. Từ quãng dừng 2 năm trước đến thành công của Chàng Vợ Của Em, "vua phòng vé" đã ở đâu và làm gì?
Tôi không biết mọi người nhìn nhận sao về việc giả như đang trên đỉnh cao sự nghiệp, được coi là "ông vua phòng vé" rồi bất chợt thất bại, chứ còn với tôi điều đó bình thường. Dĩ nhiên mình có không vui thôi chứ không đến mức khủng hoảng. Mình không tốt thì mình thua. Tôi coi đó là một lần được tôi luyện, rèn giũa để đối mặt với thất bại.
Tôi rất lì. Fan Cuồng thất bại, Vệ Sĩ Sài Gòn thất bại, thậm chí nếu chẳng ai kêu tôi đóng phim nữa, tôi nghĩ tôi cũng không sợ, vì cuộc đời không dừng ở đó. Ngay từ khi bước chân vào trường Sân khấu - Điện ảnh, tôi đã thất bại rất nhiều lần. Ở mỗi kì thi là tôi đều nếm cảm giác đó. Nhưng rồi cũng đến lúc thành công thôi, rồi có khi lại thất bại. Như lúc bài thi của tôi lọt vào top bài thi hay nhất trường, tôi cực kì tự hào. Thế nhưng những bài thi sau lại làm không tốt. Cái cảm giác ấy không khác gì khi thấy Fan Cuồng thất bại. Ở trường, tôi học đi học lại như đã thành quen. Ở đời, mình hay phim này rồi dở phim này cũng chẳng có gì lạ nữa.
Khi Fan Cuồng thất bại, tôi đứng ra nhận lỗi nhưng chính xác thì còn nhiều người có lỗi lắm. Ví dụ như bên PR-Marketing, rồi do khán giả họ cứ nghĩ mình sẽ hài, nói chung là lỗi chủ quan của nhiều người chứ không phải riêng tôi hay hay bất cứ cá nhân ai.
Ai cũng nghĩ quãng thời gian đó chắc tôi cảm thấy hoang mang và suy sụp lắm. Nhưng tôi mặc kệ, tôi dành thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch cho khuây khỏa, kể cả khi cạn tiền. Bởi đối với tôi thất bại không phải là hết. Kể cả Chàng Vợ Của Em có thất bại, phim sau tiếp tục thất bại thì tôi cũng chẳng chết được. Dĩ nhiên trong lúc làm phim thì mình sẽ cố gắng hoàn thiện vai diễn, nhưng kết quả có được đón nhận hay không thì không thành vấn đề. Tôi thừa nhận mình lầy. Vì có ra sao thì tôi vẫn phải sống mà! Không làm phim thì mình làm cái khác. Thế nên tôi không đặt nặng chuyện đó làm gì cho mệt người.
Nói về Chàng Vợ Của Em, tôi phải khẳng định ngay rằng điều đầu tiên khiến tôi nhận lời đóng phim không phải vì đây là phim của Charlie, mà vì kịch bản phim tốt lắm. Trước Chàng Vợ Của Em, tôi và anh ấy đã loay hoay tìm kịch bản để làm, rồi cũng đã bắt tay vào mấy cái dự án khác rồi, mà có những cái dự án nó cũng tốn đến mấy tháng trời của Charlie. Thậm chí còn tốn thêm thời gian để chờ đợi.
Đó chính là lý do mà năm mấy, hai năm rồi tôi mới đóng phim trở lại. Trước Chàng Vợ, có hai kịch bản nhưng thực sự không khiến chúng tôi vừa ý, nên tôi và anh Charlie đã bắt tay vào viết một kịch bản mới. Đúng lúc ấy thì cái kịch bản Chàng Vợ Của Em tới tay Charlie, xong anh ấy gửi cho tôi. Lúc đó tôi thấy kịch bản này rất tốt, nên bắt tay làm luôn. Nhưng anh Charlie vẫn sửa đi sửa lại rồi mới đưa vào sản xuất.
Ai cũng thấy trong phim này, tôi không còn là nhân vật trung tâm nữa. Nhưng chẳng quan trọng, quan trọng là nó hợp lý với kịch bản. Mỗi khi nhận vai tôi chưa hề có ý làm vai diễn của mình phải nổi bật, cái ý định đó nó sai lắm! Chuyện mình muốn vai diễn của mình phải thật nổi bật cứ giống như mình đang sân si vậy. Điều mình cần làm không phải vậy, mà là ráng hiểu và nắm bắt được cái vai này chứ không làm nó nổi hơn vai của các bạn diễn khác. Như vậy là tham vọng. Kì vọng thì được chứ đừng tham vọng, sẽ ngã đau.
Vai diễn Hùng trong Chàng Vợ Của Em duyên dáng và nhẹ nhàng hơn các vai khác, là có lý do. Đầu tiên là thể loại này nó vậy, không phải kiểu tưng bừng như Tèo Em. Mặc dù trước đây tôi từng đóng nhiều dạng nhân vật như vậy rồi nhưng riêng kịch bản này thì lại đòi hỏi mọi thứ phải sâu sắc hơn nhưng cũng chừng mực hơn. Nhiệm vụ của mình là cố thể hiện đúng yêu cầu và cảm xúc của kịch bản cần, nếu sơ sẩy làm không tốt sẽ phá hỏng phim ngay. Tâm lý nhân vật Hùng không cho phép mình làm lố, thế nên Thái Hòa trong phim lần này sẽ khác.
Ở kịch bản gốc, câu chuyện xoay quanh một anh chàng đẹp trai, đô con sáu múi, thuộc dạng dễ thu phục phái nữ. Nhưng khi chuyển kịch bản Việt Nam, để cho phù hợp thì anh Charlie quyết định sửa nhân vật để khớp với tôi. Vì tất nhiên nhân vật soái ca đẹp trai trong kịch bản gốc thì tôi không thể đóng được rồi.
Sửa thành một gã đàn ông vì thương em mà giỏi nội trợ vô tình lại hợp lý với xã hội nước mình. Nhưng nếu đi theo kịch bản gốc thì cũng chẳng có gì là phi lý cả. Điện ảnh mà, bạn muốn làm gì chẳng được, chỉ có điều bạn làm được hay không thôi! Nếu bạn khiến khán giả tin được thì bạn có vẽ ra thứ gì họ cũng nghe, bằng không thì đẹp hay xấu cũng như nhau.
Ai cũng hỏi tôi có nghĩ bộ phim sẽ tạo nên xu hướng "chàng vợ, nàng chồng" không. Chuyện phụ nữ đi làm công sở còn đàn ông ở nhà nội trợ chưa thể là xu hướng ở Việt Nam, nhưng nó đã có tồn tại. Nếu như bắt tôi ở nhà nội trợ để cho gia đình hạnh phúc thì có thể tôi sẽ làm. Nhưng đó là tôi sẽ hy sinh nếu như gia đình tôi được hạnh phúc hoặc được một điều gì đó. Còn cá nhân thì tôi thấy việc nội trợ cũng không hề dễ, có nhiều cái để mình phải học lắm. Đối với đàn ông thì nó đáng được coi là một thử thách.
Nói vậy chứ giờ thì tôi cũng chỉ biết ăn thôi chứ chưa nấu, dọn dẹp cũng ít khi. Một khi đã nấu món gì là món đó phải "độc", đến nỗi chính tôi cũng không nhớ tên nữa. Tôi hay học ở những lần đi quay cho các chương trình nấu ăn. Mỗi lần thấy món gì hay hay mà dễ nấu là tôi sẽ về thực hành lại. Mấy đứa nhỏ ở nhà thích món cháo cá ngừ tôi nấu lắm.
Nếu nhận xét Chàng Vợ Của Em là một cơ hội để tôi và Charlie quay trở lại đường đua phim Việt, thì tôi phải nói thế này: Kể cả hai năm trước, khi Fan Cuồng bị đánh giá là thất bại, tôi vẫn rất trân trọng nó và trân trọng anh Charlie. Cái tôi trách là trách bản thân mình chưa hoàn thành tốt vai diễn đó, trách mình đã để khán giả nhìn nhận sai về bộ phim.
Có người hỏi mục đích làm nghề của tôi có phải là vươn lên để trở thành một ngôi sao, một diễn viên tên tuổi, hàng đầu Việt Nam không. Thực ra đó đã từng là mục tiêu của tôi. Tôi vẫn nhớ khi mới vào trường Sân khấu - Điện ảnh và sau đó đi làm hậu đài ở sân khấu hài 135 Hai Bà Trưng, khi tôi ngồi nhìn ra sân khấu, tôi đã băn khoăn tại sao khi diễn viên Bảo Quốc bước ra sân khấu lại được giới thiệu là "Đệ nhất danh hài". Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng ôi sao hào quang đó sáng quá, được nhiều người yêu thích và mến mộ, bước ra là khán giả vỗ tay ầm ầm, đã quá. Thế là tôi đặt mục tiêu đến năm bốn mươi mấy, năm mươi tuổi thì mình phải được như chú Sáu Bảo Quốc. Nhưng rồi càng làm nghề thì tôi càng thấy việc đó không còn phù hợp với mình nữa. Ở mỗi một thời điểm tôi lại có một cách nhìn nhận khác về việc làm nghề.
Danh xưng "ông hoàng phòng vé" thì tôi lại chưa bao giờ nghĩ tới. Vì những phim đầu tiên tôi tham gia đâu có số lượng vé khủng, thậm chí có phim ra mắt là lỗ trắng. Chưa chắc phim nhiều người lựa chọn, doanh thu cao đã là phim hay. Nói chung cũng còn tùy vào nhiều yếu tố, quan trọng là đáp ứng được thứ mà thị trường cần.
Đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy mình thành công. Chỉ có vai diễn đáng nhớ thôi. Vai diễn khiến tôi gần nhất với khán giả, có lẽ vẫn là Hội trong Để Mai Tính phần 1. Tuy nó vẫn chưa đạt được đúng ngưỡng mình muốn nhưng cũng chỉ còn xíu nữa là hoàn chỉnh. Có nhiều người cũng nói Hội chính là cái bóng gắn liền với Thái Hoà, nhưng với tôi thì không phải vậy.
Bên cạnh Hội vẫn còn những cái tên khác mà khán giả gọi tôi, như thằng Tèo hay cu Hù, thậm chí cả Long Ruồi. Và tôi cũng chưa bao giờ lo sợ mình sẽ chỉ đóng được một kiểu nhân vật nào hay phải làm cho nhân vật này đáng nhớ hơn nhân vật kia, không có chuyện đó.
Ở mỗi nhân vật, cứ ráng làm cho nó sắc nét nhất, còn chuyện nhân vật ấy sống được đến đâu thì cũng phải phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Không phủ nhận các nhân vật gắn với Thái Hòa thường có một vài nét giống nhau, có lẽ đó là điểm yếu của tôi. Hiện tại tôi cũng đang cố gắng thay đổi để nhân vật mới mẻ hơn. Nhưng nói nhân vật ấy có chất của Thái Hòa thì không nên, bởi cái chất ngoài đời của tôi chán lắm!
2 năm xả hơi tôi không xem phim Việt nào nhưng có quan sát sự chuyển động của nó. Đúng là điện ảnh nước mình đang có những sự chuyển mình, đi lên một cách rõ ràng. Nhưng cái tôi không thích là nhiều đối tượng làm phim chụp giật quá. Đó là điều đáng lo và đáng buồn cho những người làm phim đàng hoàng. Nói ra thì nhiều người họ lại ghét mình, nhưng thực sự là không vui vì nó ảnh hưởng tới điện ảnh nước nhà.
Điện ảnh Việt Nam bây giờ nếu có thiếu, thì chính là thiếu sự chuyên nghiệp. Mà nó không chỉ dừng lại ở điện ảnh, cả con người Việt Nam mình cũng đều đang thiếu sự chuyên nghiệp. Đến giờ tôi đánh giá cao nhất về sản xuất vẫn chỉ có Hãng phim Chánh Phương, vì họ dám liều lĩnh và dấn thân. Hãy nhìn Dòng Máu Anh Hùng, thời điểm đó có ai dám bỏ ra con số 1,6 triệu đô để làm phim!? Đến bây giờ họ vẫn phải trả nợ cho bộ phim ấy, nhưng hãy nhìn giá trị mà nó mang lại.
Có không ít nhà sản xuất khi đến với phim ảnh không phải trong tâm thế làm phim, mà thứ đầu tiên họ nghĩ là chuyện lời lỗ ra sao. Và đã vậy thì làm sao dám đầu tư lớn. Đạo diễn thì rất ít người được học rộng, học nước ngoài; các khâu khác mình cũng chưa đào tạo được bài bản. Còn với diễn viên thì đến chính tôi cũng còn chưa được đào tạo tốt. Nói chung là yếu tố này tác động qua yếu tố kia, dây mơ rễ má, không thể chỉ đích xác hay đổ lỗi cho cái nào.
Hãy nhìn Iran, họ làm phim khó khăn còn hơn chúng ta vì biết bao chuyện liên quan đến các tôn giáo. Thế rồi ra phim vẫn tốt, thậm chí chạm đến được cả Oscar. Việt Nam mình thoáng hơn rất nhiều nhưng đâu có được vậy.
Diễn viên nhiều, nhưng vẫn thiếu, thậm chí còn hiếm. Các bạn ấy diễn cũng dựa vào năng khiếu phần nhiều. Giả như Kaity Nguyễn, cô bé có tiềm năng diễn xuất rất lớn, nhưng nếu đưa bé sang một đoàn phim khác thì có thể lại không thích ứng được nhanh như Phương Anh Đào. Nói chung cả hai đều rất tiềm năng, là những hy vọng mới của điện ảnh Việt. Còn chuyện lớp trẻ có tiến lên dìm chết tôi hay không tôi cũng chẳng nghĩ đến. Không đóng vai lớn thì đóng vai nhỏ, miễn là còn thích thì còn làm, tôi lì lắm.
Trong tương lai, cá nhân tôi cũng hy vọng mình có thể đảm nhiệm nhiều vị trí hơn, như là viết kịch bản, đạo diễn hay sản xuất, nhưng đó mới chỉ là hy vọng. Bởi hiện tại thì tôi nghĩ mình chưa đủ sức. Sắp tới tôi còn rất nhiều việc phải làm, phim ảnh chỉ là một phần. Quan niệm làm nghề mỗi người khác nhau. Đối với Thái Hòa lúc này, trước mắt vẫn chỉ nhận phim và đóng phim trước đã.