Tết này, tôi cho con trai 13 tuổi tự giữ tiền lì xì

Hoàng Minh/VTC News, Theo VTC News 15:36 24/01/2025
Chia sẻ

Mỗi cái Tết, con tôi được mừng tuổi gần 5 triệu đồng và bị mẹ thu phần lớn; Tết này con trai 13 tuổi, tôi quyết định cho con giữ toàn bộ để học cách quản lý tiền.

Tối qua, được hôm rảnh vì không có bữa tiệc tất niên nào, nhân thấy trong hộp quà Tết được tặng có vài tập phong bao mừng tuổi và vợ thì khoe đã đổi được tiền mới, tôi ngồi chuẩn bị tiền mừng tuổi cho mọi người. Tôi nhét tiền vào 2 chiếc phong bao lớn màu đỏ thẫm để mùng 2 về nhà nội chơi sẽ mừng tuổi bố mẹ mìnhi. Bỗng nhiên, đứa con trai 13 tuổi đi tới bảo: "Bố cho con 2 phong bao lì xì nhé".

Tôi không giấu được sự tò mò: "Con định mừng tuổi ai?". Thằng bé đáp: "Con muốn dùng tiền lì xì của con để tự mình mừng tuổi ông bà, chứ con không muốn dùng tiền của bố đâu".

Câu trả lời của nó khiến ngẩn ra vì chợt nhận thấy con trai đã lớn, đã có chủ kiến trong chuyện quản lý, sử dụng tiền bạc. Trước nay, vợ chồng tôi chưa bao giờ để con cầm tiền hết lì xì vì cho rằng nó còn bé, chưa biết cách và cũng chưa nên tiếp xúc với tiền bạc; hơn nữa bố mẹ cũng không để nó thiếu thốn gì. Vì thế trong số tiền mừng tuổi, chúng tôi thường chỉ cho con vài trăm nghìn đồng (thật ra trong túi con luôn có số tiền đó để tiêu vặt và đề phòng các tình huống bất ngờ).

Tôi nhìn kỹ con trai mình hơn, thấy nó đã lớn phổng lên, giọng chớm vỡ, cách tư duy và hành xử gần đây cũng người lớn hơn nhiều rồi. Tôi hỏi: "Sao con lại muốn như vậy?" và khi nhận được câu trả lời: "Con cảm thấy mình cũng nên mừng tuổi để ông bà vui", tôi nhận ra thằng bé đang dần dần trở thành một người đàn ông.

Tết này, tôi cho con trai 13 tuổi tự giữ tiền lì xì- Ảnh 1.

Tết này tôi quyết định để con tự giữ tiền lì xì của mình. (Ảnh minh họa: iStock)

Tôi "phỏng vấn" thêm rằng con còn muốn dùng tiền mừng tuổi làm những việc gì nữa, nó bảo sẽ dành một khoản làm quỹ mua quà tặng sinh nhật những người bạn thân thiết để khỏi xin mẹ, số còn lại bỏ lợn đất. "Con muốn tiết kiệm tiền mua cái laptop xịn hơn để học lập trình", nó nói.

Trầm ngâm một lúc, tôi bảo với con trai: "Từ Tết năm nay, bố mẹ sẽ để con tự giữ toàn bộ số tiền được mừng tuổi. Bố hy vọng con sẽ quản lý tốt số tiền này và dùng nó một cách có ích, hiệu quả nhất. Có điều, năm đầu tiên con tập tự giữ tiền, bố muốn con báo cáo về biến động số dư sau mỗi 3 tháng để có thể cho con lời khuyên. Con nghĩ thế nào?".

Con trai tôi ngạc nhiên rồi mừng rỡ, lập tức "vâng ạ" và hào hứng nói đã đọc nhiều bài hướng dẫn quản lý tài chính trên mạng: "Sau này khi con đi làm có thu nhập, con cũng sẽ áp dụng công thức 6 cái lọ bố ạ".

Nhìn nụ cười có chút đắc ý như ngầm hỏi "thấy con trai em ổn không" của vợ, tôi biết chúng tôi đã đồng thuận trong việc này. Mỗi năm, số tiền mừng tuổi con tôi nhận được ước khoảng 4 - 5 triệu đồng. Với hiểu biết của tôi về con và những suy nghĩ mà nó vừa chia sẻ, tôi tin mình nên đặt niềm tin và cho phép thằng bé thực tập quản lý tiền bạc.

Chắc rằng nhiều phụ huynh cũng như tôi trước đây, cho rằng nên ngăn cách con cái khỏi tiền bạc vì sợ con hư, sợ rằng khi có tiền mừng tuổi trong tay thì sẽ chi vào game hay các trò chơi vô bổ, la cà quán sá, tụ tập bạn bè... Quả thật, tuổi nhỏ giữ trong tay số tiền lớn cũng rất dễ sa ngã. Tuy nhiên, bọn trẻ sẽ lớn dần lên và dần tiếp cận, phải giải quyết những vấn đề của người lớn. Vì thế, chúng cần được học dần về tiền bạc và cách sử dụng đồng tiền.

Vợ chồng tôi cũng đã dạy dần cho con mình từ trước bằng cách sai con đi mua thứ nọ thứ kia, hoặc để con quan sát cách chúng tôi mua bán, giải thích cho con một số quyết định của mình khi chi tiền, cho con giữ một khoản nhỏ để mua đồ dùng học tập, khi cần ăn nhẹ để kịp đi học thêm hoặc xử lý các tình huống bất ngờ... Chuyện cho phép giữ tiền mừng tuổi năm nay chỉ là một dấu mốc mà tôi quyết định khi cảm thấy điều kiện đã chín muồi.

Tôi nghĩ các bậc phụ huynh không nên cách ly con cái với tiền bạc mà nên dạy con về đồng tiền tùy theo lứa tuổi, hoàn cảnh gia đình và tính cách đứa trẻ. Nếu hoàn toàn không biết gì về cách quản lý tiền bạc, đến tuổi được tự chủ, các cháu sẽ rất dễ đưa ra các quyết định sai lầm. Với đứa trẻ khác cũng 13 tuổi như con tôi nhưng kỹ năng và hiểu biết về đồng tiền đang bằng 0 thì đương nhiên không nên cho phép giữ toàn bộ số tiền lì xì.

Hơn nữa, dù cho phép con giữ tiền, phụ huynh vẫn cần nhớ rằng con vẫn chưa trưởng thành, vẫn có thể lầm lạc và sinh hư, vì vậy vẫn phải giám sát và theo dõi, tư vấn và nhắc nhở. Số tiền cho phép giữ cũng như mức độ tự do chi tiêu cũng phải linh hoạt điều chỉnh theo quá trình đó. Nói cho cùng, khi trẻ chưa đến tuổi trưởng thành, việc tự quản lý tiền bạc vẫn chỉ là thực tập thôi.

Sau khi dặn dò đôi điều về cách tính toán, cân nhắc chi tiêu, tôi nhấn mạnh với con rằng khoản tiền mừng tuổi mà con sẽ nhận được không phải là tự dưng mà có. Bố mẹ cũng phải lì xì cho những người khác. Vì thế, ở khía cạnh nào đó, khi con tiêu tiền lì xì cũng là con đang tiêu tiền của gia đình. Tôi nghĩ sự thẳng thắn này là cần thiết, đặc biệt khi tôi muốn đối xử với con như người trưởng thành.

Bạn có đồng tình với quan điểm của tác giả? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày