Ám ảnh bài tập Tết

Nghiêm Huê, Theo Tiền phong 14:08 24/01/2025
Chia sẻ

Nghỉ Tết, học sinh nghỉ ở nhà nhưng vẫn áp lực với bài tập chất chồng. Tâm lí lo lắng ăn Tết quên kiến thức là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều học sinh nghỉ Tết vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ học tập như ngày thường.

“Lụt” bài tập

N.D.T, học sinh lớp 10 một trường THPT quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết, từ đầu tuần, giáo viên bộ môn đã giao bài tập về nhà , trong đó, nhiều nhất là môn Toán, Vật lí. Môn Ngữ văn có 2 đề nhưng đó là môn mà T thấy oải nhất vì phải viết nhiều. Mơ ước của T là nghỉ Tết không có bài tập để thoải mái về quê với ông bà.

Ám ảnh bài tập Tết- Ảnh 1.

Tiết học thực hành của học sinh tại Hà Nội. Ảnh: NHƯ Ý

Chị Nguyễn Thị Mai (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, năm nào nghỉ Tết cũng lấn cấn chuyện bài vở của hai con, bởi không chỉ bài tập trên lớp mà nơi học thêm, giáo viên cũng giao bài tập về nhà. Chị Mai nhớ năm trước chị bận đến 30 Tết, không nhắc con hoàn thành bài tâp về nhà. Đến trước hôm đi học, con gái út (đang học lớp 2) nước mắt ngắn nước mắt dài vì nhiều bài tập quá, thức đến 12h đêm cũng không giải quyết hết. Theo chị Mai, trong những dịp nghỉ lễ tết, giáo viên nên giao bài tập cho học sinh dưới dạng nhẹ nhàng và tạo được hứng thú, không nên yêu cầu các con làm bài tập giống những ngày học bình thường.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên tại Nam Định, cho rằng, giáo dục là cả một quá trình, không vì hoàn thành bài tập ngày Tết mà trở nên giỏi hơn, kỉ luật hoặc trách nhiệm hơn. Cũng không phải cho trẻ nghỉ thoải mái, ngày Tết, ngày lễ mà trẻ học kém hơn. Cô Thanh khẳng định, ở cấp tiểu học và đầu THCS, nhiều thầy cô đổi mới cách giao bài, nghiêng về vận dụng, ôn tập kiến thức đã học gắn với những hoạt động ngày Tết... Bài tập thiết kế dạng trò chơi tương tác theo nhóm để học sinh vừa ôn bài, vừa giữ liên hệ với các bạn trong lớp. Giáo viên khuyến khích học sinh bằng cách khen thưởng, lì xì đầu năm. Cách làm này không chỉ giúp người học hào hứng vận dụng kiến thức đã học, mà còn làm sâu sắc thêm hoạt động Tết của mình với gia đình.

Năm nay, một số địa phương có chủ trương không giao bài tập về nhà dịp Tết cho học sinh. Ở TPHCM, nhiều trường không giao bài tập để học sinh được thoải mái tận hưởng không khí vui tươi ngày Tết, vui chơi cùng gia đình. Thông qua các hoạt động vui xuân, học sinh được trải nghiệm thực tế, có thêm chất liệu cuộc sống, kĩ năng...

Bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho hay, quan điểm của nhà trường là kì nghỉ Tết phải dành thời gian cho các em sum họp cùng gia đình. Giáo viên không giao bài tập về nhà sẽ tạo cho học sinh tâm lí thoải mái, vui vẻ trải nghiệm kì nghỉ trọn vẹn, ấm áp. Tình cảm gia đình sẽ là hành trang, chất liệu nuôi dưỡng các em biết sống yêu thương, trách nhiệm, có hoài bão…

Bà Hương cho hay, ban đầu, nhà trường cũng định để giáo viên giao bài tập (nhưng không nhiều) cho học sinh, vì một số giáo viên và cả phụ huynh học sinh lo lắng nghỉ Tết dài sẽ chểnh mảng học hành, kiến thức không đảm bảo, đặc biệt với những em lớp 9, chuẩn bị tham gia kì thi tuyển sinh lớp 10 quan trọng. Tuy nhiên, sau đó, nhà trường thống nhất không giao bài dịp Tết để học sinh có cái Tết trọn vẹn với gia đình. Những bài tập nào còn dang dở có thể làm trước Tết thì hoàn thành, còn lại tạm gác sang sau Tết.

Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa (TPHCM) quán triệt quan điểm kì nghỉ Tết "nói không" với bài tập về nhà. Nhà trường quy định không giao bài tập về nhà dưới bất kì hình thức nào đối với học sinh. Bên cạnh đó, trong tuần đầu tiên đi học trở lại sau Tết, giáo viên cũng không thực hiện các bài kiểm tra thường xuyên khiến học sinh cảm thấy mệt mỏi, áp lực.

Nghệ thuật giao bài tập tết

Là chuyên gia tâm lí, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục ( ĐH Quốc gia Hà Nội ), cho hay, Tết trong tưởng tượng của mỗi gia đình là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, để kết nối, để làm những thứ mà trong năm học bận rộn chúng ta chưa có cơ hội để làm. Nhưng trong mắt của nhiều giáo viên, Tết là thời gian để các học sinh học chậm hơn theo kịp tiến độ học tập chung. Việc giao bài tập cũng là cách giúp học sinh khi về nghỉ cũng phải duy trì nền nếp học tập và nhập cuộc được ngay khi trở lại trường sau kì nghỉ.

Thời gian nghỉ dài, việc giao bài tập về nhà cũng cần thiết, nhưng không nên biến nghỉ tết thành “học kì phụ” mà phải chuyển hóa nó thành những hoạt động trải nghiệm thực tế để phát triển kĩ năng mềm. Nghệ thuật giao bài tập phải khiến người học không xem nó là bài tập mà là một hoạt động rất thú vị và gây tò mò để học sinh tự giác khám phá. “Tôi cho rằng, thay vì những bài tập truyền thống, chúng ta hãy nghĩ đến những nhiệm vụ trải nghiệm mà các bạn học sinh và gia đình đều phải tham gia trong Tết. Có nhiều dạng bài tập Tết sáng tạo mà tôi ủng hộ như tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa, các phong tục tập quán ngày Tết của gia đình. Các bài tập nhiệm vụ tham gia các hoạt động gia đình qua đó học hỏi một kĩ năng mới; hay bài tập viết cảm nhận, nhật kí, sáng tác để biểu đạt cảm xúc của em khi chứng kiến những khoảnh khắc ý nghĩa”, ông Nam nói.

Theo ông, mục tiêu của giáo dục là trao hoạt động nghiên cứu cho người học. Học sinh cần được tạo điều kiện để tự định hướng bản thân mình, phải ý thức được trách nhiệm về việc học của mình và các em được tạo điều kiện để tự đánh giá và báo cáo với giáo viên những thu hoạch khi đã sẵn sàng. Do đó, việc giao bài tập tết giáo viên không nên quy trách nhiệm về thái độ hay thành tích đánh giá người học và gia đình; không nên giao các nhiệm vụ với đáp án đúng sai.

Để học sinh phát triển toàn diện, giáo viên cần ra bài tập để cân đối giữa các nhiệm vụ về vận động cơ thể, chăm sóc cảm xúc, kết nối xã hội và nâng cao nhận thức. Giáo viên có thể lên danh sách bài tập về nhà theo nhóm như: thực hiện trách nhiệm với gia đình, sở thích cá nhân, dự tính, kế hoạch cho năm mới, những việc vì cộng đồng và người khác để cùng hưởng Tết đoàn viên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày