Mặc dù không còn nở rộ mạnh mẽ và thịnh hành như một vài năm trước nhưng selfie vẫn luôn là một phần không thể thiếu cho công cuộc sống ảo của các cư dân mạng xã hội ngày nay. Đơn giản dễ làm là vậy nhưng để chụp một bức selfie chuẩn xịn ăn liền ngay tấm đầu tiên để đăng Facebook cũng tốn kha khá công sức, hay thậm chí phải đến lần bấm máy thứ... vài chục mới đủ thỏa mãn. Dịp Tết Nguyên Đán đang đổ bộ, đây lại càng trở thành một nhiệm vụ bất khả thi với những tâm hồn ăn uống công suất lớn, lo sợ béo mặt và lộ rõ nhược điểm cơ thể.
Đó là lý do những kinh nghiệm đúc rút đến từ các chuyên gia selfie dưới đây sẽ là cẩm nang vô cùng hữu ích trong những ngày Tết tràn đầy những món ăn ngon này.
Thay vì cách thức giơ camera chụp thẳng ngang hàng với khuôn mặt, hãy thử đổi góc mặt đồng thời đưa tay lên cao hơn một chút. Như vậy, kết quả cho ra sẽ ăn ảnh và đã mắt hơn nhiều lần đối với thói quen trước đó.
Lý giải cho điều này, việc thực hiện chụp từ góc camera cao hướng xuống sẽ giúp đường nét mặt trở nên gần giống khuôn mẫu V-line hơn, chưa kể tác dụng che giấu được phần mỡ má, nọng cằm (nếu bạn xui xẻo và chưa kịp tìm cách tống khứ chúng đi). Ngoài ra, cách thức nghiêng mặt sang một bên khoảng 2/3 góc nhìn trái/phải cũng giúp làm thon gọn hơn khuôn mặt được chụp trong ảnh, tạo nét cao và duyên dáng hơn cho đường mũi của bạn.
Nghe có vẻ ngớ ngẩn vì camera trước vốn sinh ra để phục vụ nhu cầu selfie của hàng triệu tín đồ sống ảo, cho phép người chụp có thể tự quan sát mình một cách trực tiếp tiện lợi trước khi bấm chụp. Tuy nhiên, đó có lẽ chỉ là một điểm lợi bề nổi ít ỏi, khiến chúng ta dễ dàng quên đi một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm cuối cùng.
Về cơ bản, camera trước của smartphone thường mang kết cấu góc rộng tới cực rộng, đáp ứng nhu cầu selfie nhóm hoặc lấy nhiều khung nền phía sau. Thế nhưng, ống kính góc rộng cũng mang lại hiệu ứng ảnh bị dãn phồng từ trung tâm ra các góc rìa xung quanh, vô tình khiến cho khuôn mặt của bạn bị nở to hơn một chút so với thông thường. Càng để camera chụp gần mặt hoặc khuôn mặt ở vị trí gần rìa ảnh, hiệu ứng "méo phồng" này càng rõ, chắc chắn sẽ khiến bạn phật ý đôi phần.
Một ví dụ trực quan cho thấy khuôn mặt của cô gái bị méo khi đặt sát rìa ảnh, phải dùng Photoshop chỉnh lại mới vừa lòng.
Camera sau thường có tiêu cự dài và góc hẹp hơn, hầu hết có độ phân giải nét hơn, và nhiều thế hệ smartphone mới hiện nay còn có thêm ống kính tele chụp xa, ít nhiều hóa giải được hiệu ứng khó chịu trên. Vì vậy, nếu không quá bất tiện, hãy nhờ một người khác chụp hộ bằng camera sau, hoặc đặt máy trên chỗ vững chắc rồi hẹn giờ, hay chụp selfie phản gương cũng là một cách rất tốt thay thế.
Sau tất cả, hãy luôn dự trù sẵn một phương án an toàn để khắc phục những nhược điểm tồn động một cách triệt để nhất. Tiện lợi nhất là những ứng dụng camera cho phép áp filter chỉnh ảnh lên trực tiếp giao diện trước cả khi bấm chụp, theo dõi được từng thay đổi khuôn mặt ra sao khi đang ngắm nghía.
Một số hãng smartphone rất ưa chuộng việc có ngay cơ chế làm đẹp tự động từ lúc bật camera, chưa cần chụp ra ảnh, lại còn có thêm chỉ dẫn để chụp cân đối hơn.