Có người từng nói: “Tết là khi con về nhà”.
Đối với cha mẹ, cả năm trời con ngang dọc, tung hoành khắp nơi, những ngày Tết đến Xuân về chỉ mong “những đứa trẻ” ngày ấy được tề tựu với gia đình. Bởi vậy chỉ cần nghe đến “Tết” là lòng người bỗng thổn thức đến lạ, ai ai cũng nô nức chuẩn bị hành trang... đi về nhà!
Tuy nhiên, trái với sự nô nức đó, có những cô cậu du học sinh chỉ biết ngậm ngùi đón Tết… online với gia đình. Với những người trẻ xa xứ, hương vị Tết tưởng chừng đã ở ngay trước mắt, nhưng thật ra lại cách xa cả ngàn cây số.
Với du học sinh, dịp Tết Nguyên đán ở nước bạn thực chất chẳng khác gì ngày bình thường bởi đa phần mọi người đều không được nghỉ mà đi học và làm việc bình thường. Những ngày này, mỗi du học sinh xa quê đều mang trong mình một thứ cảm xúc thật khó diễn tả thành lời. Nó là một chút gì đó bồi hồi, chạnh lòng, nhất là khi nhớ tới những kỷ niệm về những ngày Tết ấm áp bên gia đình.
Lê Ngọc Nam Phương (20 tuổi) - Thạc sĩ tại Đại học Harvard và đang làm việc tại Houston (Hoa Kỳ), chia sẻ năm nay cô không về Việt Nam mà đón Giao thừa tại Texas vì bận rộn với công việc hiện tại và những dự án tương lai.
“Đã hơn 3 năm rồi, mình vẫn chưa có dịp ăn Tết cùng gia đình. Nhớ nhà lắm không biết làm sao… Khi nghe mình nói không về quê ăn Tết, ba mẹ buồn lắm vì Tết nhất mà, gia đình nào cũng mong ngóng các con về quây quần cùng nhau”, Phương ngậm ngùi chia sẻ.
Nam Phương không về Việt Nam đón Tết vì bận rộn với công việc
Hồ Khánh Linh (sinh viên năm 2, trường Đại học South Florida, Mỹ) cũng không thể về Việt Nam đón Tết năm nay bởi vướng lịch học. Hơn thế nữa, Tết Nguyên đán ở Việt Nam luôn trùng với đợt thi giữa kỳ của Khánh Linh ở Mỹ (khoảng cuối tháng 1 - giữa tháng 2), có nghĩa là trong khi tất cả mọi người đang rộn ràng ăn Tết ở Việt Nam thì nữ sinh đang phải… vùi đầu vào ôn thi. Chứng kiến khoảnh khắc mọi người ở Việt Nam vui vẻ đón Tết, Khánh Linh không khỏi chạnh lòng.
Tương tự, Khuất Nguyễn Bảo Châu - du học sinh ngành thời trang tại Đại học Westminster (Anh) cũng phải ăn Tết… online cùng gia đình. Khi biết tin con không thể về Việt Nam, bố mẹ Châu không quá bất ngờ bởi từ khi con đi du học, họ đã xác định điều này là khó lòng tránh khỏi. Dẫu có chút buồn và nuối tiếc, song bố mẹ của nữ sinh luôn động viên cô bạn cố gắng vì sự nghiệp học tập.
“Có những lúc mình cảm thấy hụt hẫng, nhất là vào những ngày cận Tết. Nhưng mình luôn động viên bản thân mình cố gắng, làm việc chăm chỉ trong tuổi trẻ để được đón những cái Tết ‘to hơn’ khi được trở về cùng gia đình. Mình nghĩ dù có chút hụt hẫng nhưng đón những cái Tết xa nhà cũng là trải nghiệm đáng quý mà bản thân luôn trân trọng”, Bảo Châu tâm sự.
Tết cổ truyền ở xứ xa thì không khí dĩ nhiên chẳng thể nào bằng chính tại quê nhà được, nhưng các bạn du học sinh luôn luôn cố gắng để có thể có một cái Tết dân tộc ý nghĩa và đầy đủ nhất.
Nam Phương chia sẻ, mùa xuân ở phương Tây “trộm vía” tương đối nhộn nhịp vì Houston - nơi mà cô đang sinh sống, có cộng đồng người Việt lớn tại Mỹ. Cùng với các cộng đồng châu Á khác, người Việt tổ chức và trang trí lễ hội Tết Âm lịch rất hoành tráng, rộn ràng nên nữ sinh cũng đỡ nhớ nhà hơn.
“Các hội chợ ẩm thực và chợ đêm đầu năm vẫn vô cùng nhộn nhịp để gìn giữ những truyền thống quý báu của người Việt và đây cũng là nơi giao lưu với các văn hoá khác trên thế giới. Vì năm nay là năm Giáp Thìn nên mọi người trang trí Rồng rất hoành tráng để đón chào một năm đầy khởi sắc, tấn tài tấn lộc và tràn đầy bình an”, Nam Phương hào hứng chia sẻ.
London (Anh) - nơi Bảo Châu đang học tập là một thành phố đa sắc tộc, do vậy Tết ở bên này cũng khá nhộn nhịp. Nhìn mọi thứ một cách tích cực, dù có đôi chút buồn khi không được đón Tết cùng gia đình ở quê hương, nhưng Châu cũng rất vui khi có thêm những “gia đình khác” - là những người bạn tốt mà cô nàng may mắn gặp được khi đi du học.
“Tại các khu phố trung tâm, hay khu phố châu Á, có rất nhiều đèn lồng đỏ được treo, nhộn nhịp lắm. Ngoài ra mỗi dịp Tết đến, cộng đồng người Việt còn tổ chức Tết cộng đồng khiến mình cảm thấy rất ấm áp”, Châu nói.
Không khí Tết ở nơi Bảo Châu đang sinh sống tại Anh tương đối nhộn nhịp
Ngược lại, Hồ Khánh Linh lại không cảm nhận được không khí Tết vì với cô nàng, Tết chỉ là ngày bình thường khi không có gia đình:
“Florida cũng là 1 bang khá đông người Việt sinh sống. Vào cuối tuần này ở dưới trung tâm thành phố cũng sẽ có Saigon Night Market, là chợ đêm của người Việt, có bày bán các món ăn Việt, cũng như các chương trình ca nhạc nữa. Nhưng mình không cảm nhận được gì, mình thấy nó như 1 lễ hội hoàn toàn khác không liên quan gì đến Tết Nguyên Đán. Tất cả những đồ ăn mình được trải nghiệm ở chợ đêm này cũng như các nhà hàng Việt khác ở đây đều không chuẩn vị”.
Để vơi bớt đi nỗi nhớ nhà vào dịp Tết, các bạn du học sinh thường hội họp với đồng hương, cùng nhau đi chợ, vào bếp để chuẩn bị bữa tiệc đón năm mới. Đến thời điểm hiện tại, Khánh Linh vẫn nhớ như in kỷ niệm lần đầu đi siêu thị Việt ở Mỹ cùng với “anh em chiến hữu” vào ngày những ngày giáp Tết:
“Lúc đấy, mình rất sốc vì giá thành của những món đó rất rất đắt. Mình còn nhớ như in cả nhóm du học sinh đứng nhìn quả sầu riêng đẹp long lanh bày trong tủ lạnh ở siêu thị Việt, thèm lắm nhưng không dám mua vì đắt quá”.
Linh luôn cảm thấy may mắn vì có bạn bè bên cạnh
Còn kỷ niệm với Bảo Châu trong hành trình “ăn Tết” ở nước ngoài đó chính là vào đêm 30 Tết năm trước, nữ sinh và các bạn của mình đã cùng nhau tụ tập để xem Táo quân, sau đó cùng nhau chụp ảnh áo dài và nấu một nồi lẩu nho nhỏ để cùng nhau đón năm mới.
Riêng với Nam Phương, việc chuẩn bị những món ăn truyền thống của Việt Nam vào những ngày cận Tết là “gia vị” quan trọng. Dù có bận rộn đến đâu, nhưng cô nàng vẫn cố dành thời gian nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa nhằm vun vén phần nào không khí Tết ở trời Tây:
“Những ngày đầu năm mình thường nấu nguyên một nồi thịt kho trứng, bánh chưng chiên và tôm khô củ kiệu. Mà sao quên được món khổ qua nhồi thịt cho năm mới mọi chuyện suôn sẻ và tâm an”, Nam Phương chia sẻ.
Nhớ lại kỷ niệm Tết Nguyên đán năm trước, vào đúng khoảnh khắc đúng 1 giờ sáng mùng 1, Nam Phương đã lên chùa Việt Nam (một trong những chùa lớn và có tiếng tại Houston) để đi hái lộc đầu năm. Không chỉ có vậy, nữ sinh còn thắp hương để cầu mong sức khỏe cho gia đình và mọi người.
Học tập và làm việc ở nước ngoài dịp Tết, chắc hẳn các bạn du học sinh đều cảm nhận rõ được tầm quan trọng của hai tiếng “gia đình”. Càng ở xa, ngày Tết càng trở nên đặc biệt ý nghĩa. Chúc các bạn du học sinh có một mùa Tết ấm áp và năm mới nhiều may mắn. Chúc con đường học tập của các bạn thuận lợi, để một mùa tết không xa nữa, các bạn sẽ được hưởng trọn không khí đầm ấm này tại quê nhà.
Ảnh: NVCC