Tay chân lạnh cóng vào mùa đông thường do thiếu một chất, bác sĩ gợi ý 3 món ăn để bổ sung

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ Việt Nam 17:35 03/12/2022
Chia sẻ

Tay chân lạnh là nỗi khổ của không ít người, nhất là trong mùa đông. Tuy nhiên, không phải do "cơ địa" như nhiều người tưởng, đây có thể là do cơ thể thiếu chất hoặc thậm chí là mắc một số bệnh.

Cứ mỗi mùa đông đến, những người bị tay chân lạnh lại vô cùng khổ sở. Có lẽ vì vậy mà khi chủ đề này xuất hiện trên số gần đây của chương trình "Health 2.0" của Đài Loan (Trung Quốc) đã nhận được sự quan tâm rất lớn.

Tay chân lạnh bất thường do thiếu sắt và cách bổ sung

Khách mời của chương trình là chuyên gia dinh dưỡng Cao Minh Minh cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tay chân lạnh. Tuy nhiên, phổ biến nhất là do cơ thể bị thiếu chất, đặc biệt là khi thiếu sắt. Ông cũng trích dẫn một nghiên cứu của Đại học Y khoa Hoa Kỳ cho thấy những người dễ bị ớn lạnh toàn thân trong thời gian dài thực sự có liên quan đến bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

Tay chân lạnh cóng vào mùa đông thường do thiếu một chất, bác sĩ gợi ý 3 món ăn để bổ sung - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Máu cần rất nhiều chất sắt, và chất sắt sẽ mang oxy đi khắp cơ thể. Nếu không có đủ sắt trong máu, cơ thể sẽ chuyển oxy đến não và tim trước, đồng thời một số mao mạch hoặc dây thần kinh ngoại vi trên bề mặt cơ thể sẽ không có đủ oxy, dẫn đến lưu thông máu kém và chân tay lạnh. Hiện tượng này xuất hiện nhiều nhất ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Thậm chí nhiều người còn bị tê buốt hay châm chích khó chịu, đau đớn.

Để nhận biết bản thân mình bị tay chân lạnh có phải do thiếu sắt hay không, bác sĩ Cao nhắc nhở hãy ghi nhớ một số triệu chứng điển hình của thiếu máu do thiếu sắt khác. Ví dụ như người xanh xao, nhợt nhạt hoặc cơ thể cảm thấy mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân. Hay gặp tình trạng chóng mặt đột ngột, hoa mắt, tức ngực, nhất là khi thay đổi tư thế. Lưỡi nhợt hoặc nhẵn, tóc hoặc móng tay, móng chân khô và dễ gãy.

Về nhu cầu sắt trong cơ thể, ông giải thích rằng khoảng 90% lượng sắt trong cơ thể được tái sử dụng từ hồng cầu già bị phá hủy và giải phóng ra. Chỉ khoảng 5 - 10% lượng sắt được bài tiết qua nước tiểu, phân và mồ hôi để ra ngoài.

Như vậy, để bù lại lượng sắt bị thất thoát ra ngoài, nhu cầu hàng ngày của cơ thể cần khoảng 5 - 10% tổng lượng sắt của cơ thể, tức là khoảng 1 - 2mg sắt dưới dạng ion. Lượng sắt này có thể được cung cấp từ thức ăn, đồ uống, các loại thuốc, hoặc thực phẩm bổ sung.

Trong đó, có 3 loại thực phẩm giàu sắt mà ông khuyên chúng ta nên ăn thường xuyên để khắc phục tình trạng tay chân lạnh, đó là:

1. Gan và các loại nội tạng khác

Nội tạng động vật bao gồm gan, thận, não và tim chứa nhiều sắt. Một miếng gan bò nặng khoảng 100g có thể chứa đến 6,5mg sắt, chiếm 36% nhu cầu cơ thể. Nội tạng động vật cũng giàu protein, vitamin B và đồng, đặc biệt gan chứa nhiều vitamin A có tác dụng rất tối đối với mắt.

Tay chân lạnh cóng vào mùa đông thường do thiếu một chất, bác sĩ gợi ý 3 món ăn để bổ sung - Ảnh 2.

2. Các loại đậu

Đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu nành... là những nguồn bổ sung sắt lý tưởng cho những người ăn chay. Một cốc đậu lăng chín (khoảng 198g) chứa 6,6mg sắt tương ứng với 37% nhu cầu cơ thể.

Các loại đậu cũng là nguồn cung cấp folate, magie và kali. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chúng còn có tác dụng giảm viêm ở những người mắc bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và hỗ trợ giảm cân nhờ chứa hàm lượng cao các loại chất xơ hòa tan.

3. Động vật có vỏ cứng

Tay chân lạnh cóng vào mùa đông thường do thiếu một chất, bác sĩ gợi ý 3 món ăn để bổ sung - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Những loại động vật có vỏ như trai, sò, ốc… không chỉ ngon miệng mà còn bổ dưỡng và đặc biệt là chứa nhiều sắt. Một con nghêu nặng khoảng 100g có thể chứa tới 3mg sắt, chiếm tới 17% nhu cầu về sắt của cơ thể trong một ngày. Nó còn cung cấp khoảng 24% nhu cầu vitamin C và khoảng 5% nhu cầu vitamin B12.

Ngoài ra, một số thực phẩm khác như rau bina, thịt đỏ, diêm mạch, hạt bí ngô, cá… cũng là nguồn cung cấp sắt tốt cho cơ thể.

Một số nguyên nhân khác gây ra tay chân lạnh

Tay chân lạnh cóng vào mùa đông thường do thiếu một chất, bác sĩ gợi ý 3 món ăn để bổ sung - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Cao Minh Minh, ngoài thiếu sắt thì tay chân lạnh cũng có thể xuất phát từ một số bệnh lý khác. Phổ biến nhất là:

1. Suy giáp

Tuyến giáp là tuyến nhiệt chủ yếu trong cơ thể chúng ta. Khi bị suy giáp, cơ thể sẽ vô cùng mệt mỏi, tóc rụng nhiều, trí nhớ giảm sút và chân tay dễ bị lạnh vào mùa đông.

2. Bệnh tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường dễ mắc các loại biến chứng như viêm dây thần kinh ngoại biên, gây tổn thương các dây thần kinh chịu trách nhiệm về các giác quan. Biến chứng bệnh tiểu đường này sẽ làm cho cơ thể luôn cảm thấy lạnh, đau hoặc nóng. Mặc dù thân nhiệt vẫn ổn định, nhưng người bệnh vẫn cảm giác lạnh lẽo. Triệu chứng trên là do bộ não đã truyền tín hiệu lỗi đến tay hoặc chân tạo ảo giác cơ thể đang bị lạnh.

3. Huyết áp thấp

Những người khỏe mạnh nhưng có huyết áp thấp thường tập trung dòng máu vào phần thân mình, khiến các đầu ngón tay, chân bị lạnh.

4. Bệnh tim mạch

Khi nhiệt độ bên ngoài thay đổi, khả năng lưu thông máu tới các chi của những người mắc một số bệnh về tim mạch có thể bị giảm. Từ đó dẫn tới tay chân lạnh, khó chịu hoặc đau buốt.

Tay chân lạnh cóng vào mùa đông thường do thiếu một chất, bác sĩ gợi ý 3 món ăn để bổ sung - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

5. Hội chứng Raynaud

Một số người mắc phải hội chứng Raynaud, gây co thắt ở các động mạch ở tay, chân và mặt, sự co thắt này làm cho việc lưu thông máu trở nên khó khăn hơn dẫn đến cơ thể cảm thấy lạnh hơn.

6. Tuần hoàn máu kém

Nếu cơ thể, nhất là tay chân luôn cảm thấy lạnh mà không phải do các bệnh mạn tính, nguyên nhân có thể nằm ở hệ tuần hoàn kém bẩm sinh. Cách chữa trị hiệu quả nhất là tập thể dục thường xuyên và châm cứu để mang lại cảm giác cho tay và chân.

Bên cạnh đó, việc để cơ thể thiếu nước hay thiếu ngủ cũng có thể gây ra tay chân lạnh. Nhưng tình trạng này thường không kéo dài và dễ khắc phục ngay sau khi điều chỉnh thói quen sinh hoạt.

Nguồn và ảnh: HK01, Eat This, MSN

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày