Tân giáo hoàng người Mỹ đầu tiên: Kết quả bất ngờ phá vỡ "cấm kỵ" hàng ngàn năm và một phần di sản của Đức Phanxicô

Phạm Trang, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 09:23 09/05/2025
Chia sẻ

Lần đầu tiên trong lịch sử, một người Mỹ – Hồng y Robert Prevost – đã được bầu làm Giáo hoàng, mở ra chương mới cho Giáo hội Công giáo toàn cầu.

Ngày khói trắng bốc lên từ mái Nhà nguyện Sistine cũng là ngày lịch sử được viết lại: lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo, một người Mỹ được bầu làm Giáo hoàng. Đó là Robert Francis Prevost – giờ đây được biết đến là Giáo hoàng Leo XIV, vị giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo toàn cầu, kế vị Đức Phanxicô vừa qua đời vào Thứ Hai Phục Sinh.

Phá vỡ điều cấm kỵ lâu đời

Ở tuổi 69, Giáo hoàng Leo XIV đã vượt qua một điều cấm kỵ ngầm nhưng lâu đời trong nội bộ Vatican: một công dân Hoa Kỳ không bao giờ nên trở thành giáo hoàng. Bởi Hoa Kỳ từ lâu đã là một đất nước siêu cường và sự kết hợp giữa quyền lực đời thực và quyền lực tâm linh bị cho là "nguy hiểm về mặt biểu tượng".

Tân giáo hoàng người Mỹ đầu tiên: Kết quả bất ngờ phá vỡ "cấm kỵ" hàng ngàn năm và một phần di sản của Đức Phanxicô- Ảnh 1.

Giáo hoàng Leo XIV (Ảnh: Reuters)

Nhưng Robert Prevost là một người Mỹ đặc biệt – một người "ít Mỹ nhất trong số những người Mỹ" với cách nói chuyện nhẹ nhàng và phong thái điềm đạm, như báo La Repubblica (Ý) mô tả.

Sinh ra ở Chicago, ông đã dành phần lớn cuộc đời truyền giáo ở Peru, trở thành tổng giám mục của Chiclayo. Ông sống, làm việc và gắn bó với các cộng đồng nghèo ở Nam Mỹ hơn ba thập kỷ – một thực tế khiến nhiều hồng y Mỹ Latinh coi ông là “người của họ”.

Một phần di sản của Đức Phanxicô

Prevost không phải là một tên tuổi lớn nằm trong các dự đoán những người có thể trở thành giáo hoàng. Ông kín tiếng, tránh xa truyền thông và hiếm khi phát biểu công khai. Nhưng điều đó không ngăn cản ông trở thành một trong những nhân vật then chốt trong cải cách giáo hội thời Đức Phanxicô.

Năm 2023, Giáo hoàng Phanxicô triệu ông về Rome để đứng đầu Bộ Giám mục Vatican – cơ quan lựa chọn giám mục trên toàn cầu. Đây là một trong những vị trí quyền lực và nhạy cảm nhất. Không lâu sau, Prevost trở thành chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh – giữ mối liên kết mật thiết với các giáo sĩ tại vùng đất có số lượng tín hữu Công giáo đông đảo nhất hành tinh.

Tân giáo hoàng người Mỹ đầu tiên: Kết quả bất ngờ phá vỡ "cấm kỵ" hàng ngàn năm và một phần di sản của Đức Phanxicô- Ảnh 2.

Hình ảnh Robert Prevost và Đức Phanxicô

Dù ít khi xuất hiện công khai, Prevost lại là người đứng sau một trong những cải cách quan trọng nhất của Đức Phanxicô: lần đầu tiên trong lịch sử, ba phụ nữ được đưa vào nhóm có quyền bỏ phiếu trong việc đề cử các giám mục. Cách tiếp cận bao trùm và hướng đến công bằng này là dấu ấn rõ rệt của một nhà lãnh đạo kế tục lý tưởng – theo đúng tinh thần “mở rộng căn lều” mà chính Prevost từng nói đến trong cuộc họp báo Vatican năm 2023.

Việc được hai phần ba số hồng y bầu chọn trong Mật nghị là minh chứng rõ ràng cho sức hút và sự tin tưởng mà ông gây dựng – không phải bằng hình ảnh truyền thông, mà bằng công việc âm thầm và bền bỉ.

"Tiếng nói của sự khôn ngoan trong một thế giới rạn nứt"

Những ai từng tiếp xúc với Prevost đều mô tả ông là người giản dị, điềm tĩnh, không ưa phô trương và có khiếu hài hước âm thầm. Linh mục Mark Francis – bạn học của Prevost từ thập niên 1970 – cho biết: “Ông ấy luôn thân thiện và nồng hậu, là tiếng nói của lẽ phải và có sự quan tâm thực tế đến người nghèo”.

Tại giáo phận cũ Chiclayo, vị tân giáo hoàng từng mỗi sáng dùng bữa cùng các linh mục sau giờ cầu nguyện. “Dù có bao nhiêu vấn đề, ông ấy vẫn luôn giữ được sự hài hước và niềm vui”, một linh mục nhớ lại.

Tân giáo hoàng người Mỹ đầu tiên: Kết quả bất ngờ phá vỡ "cấm kỵ" hàng ngàn năm và một phần di sản của Đức Phanxicô- Ảnh 3.

Tân Giáo hoàng Robert Prevost

Dù có quốc tịch Hoa Kỳ, Prevost không đơn thuần là “giáo hoàng người Mỹ”. Như tác giả Thomas Reese nhận xét: “Ngài là giáo hoàng cho toàn Châu Mỹ” – nối liền hai bờ Bắc – Nam qua sợi dây truyền giáo, công lý xã hội và cam kết phục vụ người nghèo. Việc các hồng y Mỹ Latinh đoàn kết ủng hộ ông là minh chứng cho điều đó.

Christine Allen – giám đốc Cơ quan Công giáo phát triển – gọi ông là "tiếng nói của sự khôn ngoan trong một thế giới rạn nứt". Với kinh nghiệm sâu sắc từ Nam bán cầu, Giáo hoàng Leo XIV được kỳ vọng sẽ đưa các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng nợ, biến đổi khí hậu và xung đột lên thành mối quan tâm hàng đầu của Giáo hội.

Trong khoảnh khắc xuất hiện trên ban công Thánh đường Peter, vị giáo hoàng mới chỉ nói đơn giản: “Bình an cho tất cả mọi người.” Một thông điệp vừa khiêm nhường, vừa sâu sắc – rất phù hợp với người đàn ông từng dành 30 năm làm nhà truyền giáo và luôn chọn bước đi nhẹ nhàng.

Nguồn: Telegraph, France 24

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày