Tâm sự của anh chàng sinh viên lần đầu làm giám thị thi Đại học: Thà để học sinh thi rớt còn hơn mang tài liệu vào bị đình chỉ mấy năm liền

Lang Lang, Theo Helino 18:30 24/06/2019

"Thà cứ để các em không làm bài được và rớt thì vẫn hơn là lập biên bản tước ngay mọi cơ hội cho các năm sau", anh Trương Quốc Phong tâm sự về lần đầu tiên làm giám thị kỳ thi Đại học năm 2007.

Mỗi khi đến kỳ thi lớn, các câu chuyên về thí sinh hay phụ huynh luôn thu hút sự quan tâm của công chúng. Nhưng bên cạnh đó có một nhân vật quan trọng trong các mùa thi thường bị mọi người lãng quên đó chính là giám thị.

Bởi vì theo suy nghĩ của nhiều người, giám thị chỉ là người gác thi, đâu có căng thẳng như học sinh, hay phải mang tâm trạng lo lắng như phụ huynh ở ngoài cổng trường. Thế thì họ có câu chuyện gì để quan tâm đâu chứ. Thậm chí nhiều thí sinh còn có tâm lý chán ghét giám thị khi luôn mang bộ mặt "đăm chiêu", hay gác thi quá chặt muốn "nhúc nhích" một tý cũng khó.

Nhưng theo các thầy cô chia sẻ thì "trong chăn mới biết chăn có rận", công việc làm giám thị mùa thi chưa bao giờ đơn giản như phụ huynh với học sinh thấy, cũng lắm áp lực mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. 

Mới đây anh Trương Quốc Phong đã chia sẻ lên trang cá nhân câu chuyện từng làm giám thị kỳ thi Đại học vài năm trước. Qua bài đăng của anh Quốc Phong thì mọi người sẽ thấy được, nhiệm vụ làm giám thị coi thi không chỉ áp lực mà ngày càng gia tăng kể từ sau vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Tâm sự của anh chàng sinh viên lần đầu làm giám thị thi Đại học: Thà để học sinh thi rớt còn hơn mang tài liệu vào bị đình chỉ mấy năm liền - Ảnh 1.

Anh Trương Quốc Phong, cựu nhà báo, hiện tại là chuyên viên Marketing một công ty lớn ở TP HCM

Liên hệ với anh Phong thì được biết, vào năm 2007 khi đang là sinh viên năm cuối trường VOV, vì cần tiền trang trải chi phí trong cuộc sống nên anh đã nhận lời làm giám thị kỳ thi Đại học năm ấy. Khóa học năm đó chỉ tầm vài bạn có bảng điểm cao đi hỗ trợ cùng với thầy cô. Tiền nhận được cũng không quá nhiều, chỉ tầm 100 nghìn cho một buổi gác thi.

Nếu như trước đó có tâm lý tự kiêu khi bản thân bây giờ đã là giám thị, nhưng sau khi gác thi xong rồi thì theo anh cũng không khác khi đi thi là bao nhiêu, thậm chí căng thẳng cũng không kém các thí sinh ngồi bên dưới. Bởi vì nếu sơ ý để xảy ra chuyện gì bản thân mình là người lãnh hết hậu quả, thậm chí phải dính dáng tới cả pháp luật. Mới đây vụ giám thị ở Quảng Bình ký tên nhầm ô khiến 6400 thí sinh phải làm lại bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 khiến dư luận xôn xao một thời gian dài.

Kể về kỷ niệm cho lần đầu tiên làm giám thị thì anh Quốc Phong cho biết: "Từ lần gác thi này mà mình có thêm chữ ký thứ 2: viết tắt chữ TP thật nhanh và đơn giản". Theo anh chia sẻ thì ban đầu chữ ký của anh khá rườm rà, nhưng khi vào phòng thi phải ký nhiều tờ, giấy thi lẫn giấy nháp cho mấy chục thi sinh, nếu ký chậm sẽ làm ảnh hưởng thời gian làm bài cho nên anh đã tập một chữ ký mới cho bản thân.

Ngoài ra trong lần gác thi năm đó, trước khi vào phòng thi, anh Quốc Phong đã thấy một thí sinh nữ mang theo tài liệu. Anh đã nhắc nhở bạn ấy bỏ tất cả tài liệu và những thứ không liên quan bên ngoài phòng thi, chỉ mang giấy tờ và bút thước vào. Anh không muốn thí sinh này bị bắt vì sử dụng tài liệu trong phòng. "Mình làm thế vì thấy tội gia đình các em chứ không phải tội các em. Thà cứ để các em không làm bài được và rớt thì vẫn hơn là lập biên bản tước ngay mọi cơ hội cho các năm sau", anh tâm sự.

Tâm sự của anh chàng sinh viên lần đầu làm giám thị thi Đại học: Thà để học sinh thi rớt còn hơn mang tài liệu vào bị đình chỉ mấy năm liền - Ảnh 2.

Hôm nay (24/6), thí sinh cả nước đến các điểm thi để làm thủ tục thi THPT Quốc gia 2019. (Ảnh: Hà Thành)

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 còn chưa đầy 24 tiếng đồng hồ là bắt đầu môn thi đầu tiên, từng là thí sinh lẫn giám thị, anh Quốc Phong hy vọng các bạn bình tĩnh để hoàn thành bài thi thật tốt. "Các em ngày này có rất nhiều cơ hội, nếu không may điểm chưa như ý mà chỉ đủ tốt nghiệp và vào được trường cao đẳng hay trường nghề nào đó cũng không sao, quan trọng là mình chọn đúng ngành nghề theo mong muốn của mình", anh cho biết.

Bên cạnh đó anh cũng mong các thầy cô gác thi luôn tươi cười và đừng cố tỏ ra quá "nguy hiểm" với các thí sinh thì tội các em lắm, đôi khi một nụ cười của các thầy cô sẽ giúp thí sinh giảm bớt áp lực tâm lý phòng thi rất nhiều.

Tâm sự của anh chàng sinh viên lần đầu làm giám thị thi Đại học: Thà để học sinh thi rớt còn hơn mang tài liệu vào bị đình chỉ mấy năm liền - Ảnh 3.

Toàn cảnh kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

Cập nhật nhanh nhất đề thi và đáp án từ Bộ GDĐT. Tra cứu điểm thi THPT Quốc gia 2019 theo SBD chính xác nhất tại ĐÂY.