Khi đi chợ, nhiều người khó hiểu khi thấy người bán thịt lợn thường xuyên sử dụng giẻ lau để lau chùi các miếng thịt, từ miếng thịt to nguyên đến các phần được cắt nhỏ.
Theo Sohu, việc lau bề mặt thịt bằng giẻ thường xuyên trong quá trình bán không phải là thói quen vô ý mà có mục đích rõ ràng. Những mục đích được nêu dưới đây giải thích lý do vì sao người bán thịt luôn dùng giẻ lau thịt lợn:
Giữ cho thịt tươi ngon và đẹp mắt
Thịt lợn sau khi được mổ xẻ và cắt thành từng phần sẽ có máu, mỡ thừa và các tạp chất khác bám vào bề mặt. Việc lau chùi các miếng thịt bằng giẻ lau giúp người bán loại bỏ chúng, làm cho miếng thịt trông sạch sẽ, hấp dẫn hơn.
Hơn nữa, thịt lợn tiếp xúc với không khí trong thời gian dài sẽ mất độ ẩm, bề mặt trở nên khô, trông kém hấp dẫn, vì vậy người bán dùng giẻ ướt lau thịt lợn để giữ ẩm và độ tươi ngon cho mặt hàng của mình. Thịt lợn có vẻ ngoài sáng bóng và tươi mới dễ dàng thu hút khách hơn, giúp tăng khả năng bán được hàng.
Lau nước chảy ra từ thịt
Thịt lợn trên thị trường hay bị bơm nước để tăng trọng tượng nhằm kiếm thêm lợi nhuận. Nếu thịt lợn bị tiêm nước, khi để lâu, nước sẽ ứa ra trên bề mặt miếng thịt, người bán phải thường xuyên dùng giẻ lau đi để che giấu sự gian lận này.
Ngày nay, khi vấn đề vệ sinh thực phẩm cực kỳ được coi trọng, việc người bán thịt hay dùng giẻ lau thịt lợn khiến cho người tiêu dùng lo ngại. Giẻ lau thấm các loại dịch, mỡ từ miếng thịt sẽ là môi trường sinh sôi cho vi khuẩn, nhất là khi nó được dùng cả buổi, đủ thời gian cho vi khuẩn phát triển theo cấp số nhân thành con số khổng lồ.
Ở chợ, người bán đương nhiên không thể giặt giẻ thường xuyên, dù có giặt cũng không đảm bảo sạch, do đó những chiếc giẻ này chắc chắn sẽ khiến miếng thịt không còn sạch nữa. Nguy cơ rối loạn tiêu hóa, thậm chí ngộ độc thực phẩm hiện diện khi bạn mua phải những miếng thịt nhiễm khuẩn từ giẻ lau.
Để giảm thiểu rủi ro, khi đi chợ dân sinh, bạn nên chú ý về cách chủ quầy giữ vệ sinh cho hàng hóa của mình. Tốt nhất là mua thịt ở siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm sạch, thịt được giết mổ và phân phối theo quy trình an toàn, hạn chế tối đa việc chạm tay hay những vật không sạch vào bề mặt thịt.
Dưới đây là một số cách để chọn mua thịt lợn sạch, tươi ngon, không có chất cấm, giúp đảm bảo an toàn cho bữa ăn gia đình.
- Quan sát màu sắc: Thịt lợn tươi và sạch thường có màu hồng nhạt hoặc đỏ tươi. Lớp mỡ có màu trắng hoặc ngả vàng nhẹ. Đặc biệt, khi bạn nhấn tay vào, thịt có độ đàn hồi, không bị lõm và không có nước chảy ra.
Ngược lại, thịt có chất bảo quản hoặc đã để lâu thường có màu sẫm hơn, hơi tái xanh, thậm chí là ngả sang màu đen. Phần mỡ trên thịt cũng sẽ bị chuyển màu, không còn trắng mà có thể ngả sang vàng đậm hoặc xám. Thịt kém chất lượng thường bị nhão và không có độ đàn hồi tốt.
- Lưu ý về mùi : Thịt lợn tươi ngon sẽ có mùi thơm nhẹ, tự nhiên đặc trưng. Trong khi đó, thịt lợn ôi thiu hoặc chứa hóa chất thường có mùi lạ, tanh hôi hoặc đôi khi là mùi nồng khó chịu. Để kiểm tra, bạn có thể đưa miếng thịt lại gần mũi; nếu thịt có mùi thơm nhẹ, tươi mát thì đó là thịt an toàn. Ngược lại, nếu thấy có mùi lạ hoặc cảm giác khó chịu, bạn tuyệt đối không nên mua.
- Kiểm tra độ đàn hồi : Để chọn thịt lợn ngon, bạn dùng tay nhấn nhẹ vào miếng thịt để cảm nhận độ đàn hồi. Thịt lợn tươi khi bị nhấn sẽ đàn hồi ngay lập tức, không để lại dấu lõm. Nếu miếng thịt có dấu lõm hoặc không phục hồi hình dạng ban đầu, đó có thể là thịt đã bị đông lạnh hoặc không tươi.
Bên cạnh đó, khi cầm miếng thịt tươi ngon, bạn sẽ cảm thấy nó khô ráo, không dính tay, không có dấu hiệu chảy nước. Thịt bị tiêm hóa chất thường gây cảm giác nhớt hoặc ướt vì chất bảo quản làm thịt nhão và mất đi độ đàn hồi tự nhiên.
- Xem xét lớp mỡ và da : Thịt lợn sạch, không chứa chất cấm thường có lớp mỡ dày khoảng 1 - 2 cm, màu trắng ngà tự nhiên. Da lợn cũng mềm, không quá dày và có màu sắc tự nhiên. Thịt lợn chứa chất tạo nạc thường có lớp mỡ rất mỏng, da thường mềm nhão hoặc đôi khi bị dày hơn bình thường.
- Xem xét nguồn gốc sản phẩm: Một bí quyết chọn mua thịt lợn ngon, không có chất cấm là đến các cửa hàng uy tín, nơi cung cấp thịt có nguồn gốc rõ ràng và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Thịt lợn được dán nhãn đầy đủ với thông tin về xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng sẽ đáng tin cậy hơn.
Tại các siêu thị lớn hoặc các chợ an toàn, thịt lợn thường được đóng gói sạch sẽ, có thông tin rõ ràng. Các dấu kiểm dịch được đóng trên miếng thịt cũng giúp xác định thịt đã qua kiểm tra và an toàn.