Tại sao Gen Z bị gắn mác "thế hệ lo âu" - Hiệu trưởng trường tư thục hàng đầu Anh Quốc cảnh báo cha mẹ cần NGỪNG NGAY 2 hành động này để "giải cứu" con cái

Trang Đào, Theo Thanh niên Việt 18:50 04/02/2025
Chia sẻ

Hai hành động này của cha mẹ chính là nguyên nhân gây ra sự hoang mang và các vấn đề lo âu của thế hệ Gen Z.

"Sự nuông chiều" và "văn hóa an toàn" là nguyên nhân gây ra các vấn đề lo âu của thế hệ Gen Z

Thế hệ Z, còn được gọi là thế hệ Zoomer, là những đứa trẻ sinh từ năm 1996 đến năm 2010. Theo một báo cáo mới đây của WHO, 1/3 số người từ 18 đến 24 tuổi cho biết đã từng gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần như chứng trầm cảm hoặc lo âu, so với chỉ 1/4 vào năm 2000. Nhiều thế hệ Gen Z thậm chí còn chẳng đủ tự tin để gọi điện thoại hay thực hiện các hành vi giao tiếp thông thường. Điều này đã khiến một số trường học tại Anh Quốc phải tổ chức các buổi đào tạo đặc biệt, giúp đỡ những học sinh mắc chứng "sợ điện thoại".

Tại sao Gen Z bị gắn mác "thế hệ lo âu" - Hiệu trưởng trường tư thục hàng đầu Anh Quốc cảnh báo cha mẹ cần NGỪNG NGAY 2 hành động này để "giải cứu" con cái- Ảnh 1.

Gareth Parker-Jones, hiệu trưởng Trường tư thục Rugby ở Warwickshire - một trong những ngôi trường tư thục lâu đời và danh giá nhất nước Anh đã trả lời báo chí rằng, ông tin rằng sự nuông chiều quá mức và "văn hoá an toàn" chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề lo âu ở thế hệ Gen Z. Thế hệ trẻ ngày nay cần nhiều hơn những "cuộc phiêu lưu" trong giới hạn để tự mở mang kiến thức về thế giới bên ngoài, thay vì sống trong sự bao bọc quá đáng của gia đình.

Ông lập luận rằng cha mẹ đã tạo ra một bầu không khí quá ngột ngạt, bao trùm trong đó là sự sợ hãi với thế giới bên ngoài. Những đứa trẻ có xu hướng ở nhà nhiều hơn và sống trong "thế giới ảo" của mạng xã hội thay vì những hoạt động giao tiếp thông thường. Tuy nhiên, chúng lại chưa hề được trang bị đầy đủ kiến thức để có thể đối mặt với những nguy hiểm tiềm tàng trên không gian trực tuyến.

Với tư cách là nhà giáo dục, người đứng đầu ngôi trường được thành lập từ năm 1567, ông Gareth Parker-Jones cho biết, gần đây ông đã tham dự một cuộc họp của các giám đốc điều hành, những người đã "tố cáo" thẳng thắn những điều tiêu cực về thói quen làm việc của nhân viên thế hệ Gen Z - và phàn nàn rằng họ "không đủ mạnh mẽ".

Tại sao Gen Z bị gắn mác "thế hệ lo âu" - Hiệu trưởng trường tư thục hàng đầu Anh Quốc cảnh báo cha mẹ cần NGỪNG NGAY 2 hành động này để "giải cứu" con cái- Ảnh 2.

Ông Gareth Parker-Jones thừa nhận vai trò của điện thoại, mạng xã hội và thời gian sử dụng màn hình quá mức khiến sức khỏe tâm thần của trẻ em ngày càng suy giảm - nhưng cũng cho biết cần phải thách thức nền văn hóa an toàn đang chi phối cuộc sống của những người trẻ tuổi ở nước Anh hiện đại.

'Nhiều trẻ em sinh ra trong thiên niên kỷ này đã trải qua tuổi thơ mà những rủi ro trong thế giới thực đã bị phóng đại quá mức, trong khi những rủi ro thực sự của thế giới trực tuyến lại bị bỏ qua", vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Sự kết hợp của những ảnh hưởng này đã 'tạo ra những đứa trẻ được nuông chiều và do đó, chúng không muốn tham gia vào trò chơi mạo hiểm hoặc nắm bắt những cơ hội có yếu tố rủi ro', ông nói thêm.

Tại sao Gen Z bị gắn mác "thế hệ lo âu" - Hiệu trưởng trường tư thục hàng đầu Anh Quốc cảnh báo cha mẹ cần NGỪNG NGAY 2 hành động này để "giải cứu" con cái- Ảnh 3.

Công thức để sửa chữa những tâm hồn mong manh

Để khắc phục tình trạng trên, nhà giáo dục này cho biết, môi trường nội trú có thể là giải pháp cho các bậc phụ huynh để rèn luyện con em mình và tạo ra "những đứa trẻ ít mong manh hơn". Trong trường hợp của mình, trường Rugby cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học và đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt về việc sử dụng điện thoại bên ngoài lớp học, thay vào đó, họ khuyến khích các hoạt động tương tác trực tiếp.

Ông Parker-Jones lập luận rằng việc học sinh vui vẻ và tận hưởng khoảng thời gian không bị kiểm soát cũng rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thế hệ Gen Z có rất ít khoảng thời gian được ở một mình mà thường xuyên "trong tầm mắt" của phụ huynh. Mọi hoạt động của giới trẻ dường như đều bị giám sát bởi hệ thống camera mà cha mẹ lắp đặt trong gia đình.

Tại sao Gen Z bị gắn mác "thế hệ lo âu" - Hiệu trưởng trường tư thục hàng đầu Anh Quốc cảnh báo cha mẹ cần NGỪNG NGAY 2 hành động này để "giải cứu" con cái- Ảnh 4.

Trong trường hợp này, môi trường nội trú cũng là một giải pháp đáng được cân nhắc. Bằng cách này, những đứa trẻ có thể thoát ra khỏi bầu không khí bị kiểm soát, do đó, chúng không cảm thấy "bị mắc kẹt" trong chính gia đình của mình và được giải toả cảm xúc. Việc để các đứa trẻ học cách chung sống hoà bình với nhau, hay thậm chí là xung đột và cãi vã là điều không thể tránh khỏi, chúng sẽ tạo nên một ý niệm về cộng đồng và những kinh nghiệm sống thực tế, thay vì những khuôn mẫu sáo rỗng trên thế giới ảo.

Tóm lại, để sửa chữa những tâm hồn mong manh của "thế hệ lo âu", không có cách nào tốt hơn là tăng thời gian "sống thật" và giảm thời gian "sống ảo". Những tương tác xã hội thực tế sẽ đem lại nhiều bài học và trải nghiệm quý giá thay vì sự bao bọc trong vòng an toàn. Điều này rất quan trọng trong sự phát triển và hình thành tính cách của trẻ.

Theo Dailymail

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày