Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự kiến tuyển hơn 7.000 sinh viên, trong đó, phần lớn dành cho chương trình chuẩn, 100 chỉ tiêu cho chương trình dạy bằng tiếng Anh. Bốn phương thức xét tuyển, gồm:
- Xét tuyển thẳng. Ngoài tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT như năm ngoái, trường xét tuyển thẳng thêm học sinh giỏi (tối thiểu một học kỳ ở THPT) kèm một trong các thành tích sau: đạt giải cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trong đội tuyển thi quốc gia, có IELTS 6.0, SAT 1.200/1600 hoặc ACT 25/36 trở lên.
Thí sinh đạt học sinh giỏi hai học kỳ và 90 điểm trở lên trong kỳ thi Kiến thức công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA 2025 cũng được xét tuyển thẳng. Nếu số đăng ký vượt chỉ tiêu, trường xét theo thứ tự: giải học sinh giỏi; điểm IELTS rồi đến SAT, ACT; điểm kỳ thi riêng. Trường nhận hồ sơ từ đầu tháng 5 đến 20/6.
- Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025. Điểm xét tuyển là tổng 3 môn theo tổ hợp, trong đó môn 1 nhân hệ số hai. Trường lưu ý tổng của 3 môn được quy đổi từ thang 40 về 30, sau đó mới cộng điểm ưu tiên. Thí sinh có IELTS từ 4.0 trở lên có thể quy đổi để thay thế điểm môn tiếng Anh.
- Xét học bạ, tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 của 3 môn theo tổ hợp, cũng được nhân hệ số và quy đổi như phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, trường chỉ xét với những thí sinh đạt 21-24 điểm trở lên, sau khi đã quy về thang 30.
- Xét tuyển kết hợp. Thí sinh có thể dùng học bạ cả năm lớp 12 với một trong các chứng chỉ: IELTS từ 5.0, SAT 800, ACT 12, kiến thức công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA 2025 từ 70 điểm trở lên. Điểm xét tuyển là tổng 3 môn theo học bạ, trong đó môn 1 nhân hệ số 2, cùng điểm chứng chỉ hoặc kết quả thi riêng được quy đổi về thang 10. Điều kiện về điểm học bạ là đạt 21-24 điểm trở lên (theo thang 30).
Năm nay, trường Đại học Giao thông vận tải tuyển 4.500 chỉ tiêu tại Hà Nội và 1.800 chỉ tiêu tại TP.HCM theo 4 phương thức: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia; xét học bạ; xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM; xét điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn của tổ hợp đăng ký xét tuyển, trong đó điểm môn Toán nhân hệ số 2 (năm nay nhà trường xét tuyển 13 tổ hợp, tất cả đều có môn Toán).
Với phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được dùng điểm IELTS quy đổi để thay thế điểm tiếng Anh. Thí sinh có IELTS từ 7.0 trở lên được quy đổi sang điểm 10.
Đáng chú ý, một số ngành học của trường như Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật điện tử - viễn thông, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa... yêu cầu thí sinh phải học môn Vật lý ở cấp THPT với điểm trung bình môn cả 3 năm từ 5,5 trở lên.
Trường Đại học Thăng Long dự kiến tuyển 3.000 chỉ tiêu thông qua 5 phương thức xét tuyển, gồm: xét tuyển dựa theo kết quả kì thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế; xét tuyển dựa theo kết quả kì thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức hoặc kì thi đánh giá năng lực do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức; xét tuyển học bạ; xét tuyển kết hợp học bạ với điểm thi năng khiếu
Nhà trường dự kiến sử dụng các tổ hợp mới như A0C (Toán, Vật lý, Công nghệ) và A0T (Toán, Vật lý, Tin học) để xét tuyển các ngành thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin.