Vào mùng 2 Tết (30/1), một vụ nổ do trẻ em đốt pháo đã xảy ra tại thành phố Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) và đến nay vẫn đang tiếp tục gây xôn xao. Trước những thông tin lan truyền trên mạng về việc "gia đình đứa trẻ phải đối mặt với khoản bồi thường 5,8 triệu NDT (hơn 20 tỷ đồng)", tối ngày 1/2, truyền thông địa phương đã chính thức lên tiếng bác bỏ. Theo ước tính của các công ty bảo hiểm, tổng thiệt hại của 8 chiếc ô tô liên quan đến vụ nổ chỉ vào khoảng 285.000 NDT (1 tỷ đồng) – thông tin này nhanh chóng leo lên top tìm kiếm trên nhiều nền tảng, thu hút sự quan tâm rộng rãi.
Trước khi truyền thông địa phương lên tiếng bác bỏ, thông tin lan truyền rộng rãi nhất trên mạng là tổng chi phí bồi thường cho vụ việc này ước tính khoảng 5,8 triệu NDT (hơn 20 tỷ đồng). Những bình luận như "Năm mới đã mang về cho gia đình khoản nợ 5,8 triệu NDT" hay "Đứa trẻ này thật 'giỏi', một lần ra tay đã thổi bay 5,8 triệu NDT" liên tục xuất hiện trên mạng xã hội. Nguồn cơn của thông tin về "khoản bồi thường trên trời" này có lẽ xuất phát từ việc trong số các xe bị hư hại có nhiều xe sang. Các bài báo đã công bố cho thấy, các xe bị thiệt hại bao gồm Lincoln, Lexus, BMW, Audi, Land Rover và Porsche.
Tối 1/2, Trung tâm Truyền thông Tư Trung đưa tin, theo tìm hiểu, vụ việc liên quan đến 8 chiếc xe bị hư hại, được bảo hiểm tại 3 công ty bảo hiểm khác nhau. Ông Vương, nhân viên giám định của Công ty Bảo hiểm Tài sản Thái Bình Dương, cho biết công ty này có hợp đồng của 3 chiếc xe bị thiệt hại, bao gồm 2 chiếc bị hư hỏng nặng là Lincoln và Lexus, với thiệt hại ước tính lần lượt là 100.000 NDT (352 triệu đồng) và 60.000 NDT (211 triệu đồng), cùng một chiếc BMW với thiệt hại ước tính 6.000 NDT (21 triệu đồng). Ông Tống, nhân viên giám định bồi thường của Chi nhánh Bảo hiểm Bình An, cho biết công ty này có 3 chiếc xe bị thiệt hại, bao gồm Porsche ước tính thiệt hại 40.000 NDT (141 triệu đồng), Li Auto ước tính 15.000 NDT (53 triệu đồng) và Geely ước tính 2.000 NDT (7 triệu đồng). Ông Trương, Giám đốc Bộ phận Bồi thường của Công ty Nhân dân Trung Quốc, cho biết công ty này có 2 chiếc xe bị thiệt hại, bao gồm Audi ước tính 54.000 NDT (190 triệu đồng) và Land Rover ước tính 8.000 NDT (28 triệu đồng).
Theo ước tính của 3 công ty bảo hiểm, tổng thiệt hại của các phương tiện liên quan là khoảng 285.000 NDT (1 tỷ đồng). Tuy nhiên, đây mới chỉ là ước tính thiệt hại của các phương tiện, chưa bao gồm thiệt hại về mặt đường, hệ thống đường ống ngầm. Hiện vẫn chưa có thông tin công khai về ước tính thiệt hại đối với mặt đường và hệ thống đường ống ngầm.
Theo một số nguồn tin, sau vụ việc, một cư dân mạng đã đăng bài trên mạng xã hội cho biết xe của bạn mình là một trong những chiếc xe bị hư hại tại hiện trường. Người bạn này về quê ăn Tết và được nhà hàng yêu cầu khách đỗ xe trên bãi cỏ trước cửa. Trong phần bình luận, nhiều người đặt câu hỏi: "Những chiếc xe đỗ trên bãi cỏ, dải phân cách có phải là vi phạm luật giao thông không? Nhà hàng có phải chịu trách nhiệm không?".
Một số người khác cho rằng việc xuất hiện khí dễ cháy nổ nồng độ cao dưới nắp cống ở nơi công cộng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Ngay cả khi đứa trẻ không đốt pháo, cũng có thể xảy ra sự cố do các nguyên nhân khác. Do đó, chính quyền địa phương và ban quản lý tòa nhà cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
Ngoài ra, một đoạn tin nhắn được cho là của mẹ bé trai lan truyền trên mạng xã hội cũng cho thấy quan điểm về trách nhiệm bồi thường trong vụ việc. Người mẹ này khẳng định sẽ truy cứu trách nhiệm của 9 cơ quan liên quan, bao gồm cả chính quyền thành phố, giao thông, ban quản lý tòa nhà, quản lý đô thị và thậm chí cả cục quản lý thị trường. Bà mẹ này tỏ ra rất kiên quyết: "Phần nào mình phải chịu thì mình sẽ chịu, còn phần nào không phải của mình thì mình sẽ không chịu trách nhiệm".
Vậy, vụ việc này liên quan đến những chủ thể nào? Ai sẽ phải bồi thường thiệt hại cho các phương tiện bị hư hỏng? Đứa trẻ đốt pháo và người giám hộ của em sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Luật sư Giang Huệ (Công ty Luật Anh Khoa Bắc Kinh, Hợp Phì, Trung Quốc) cho rằng, có 3 bên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ tai nạn này.
- Thứ nhất là phía đứa trẻ. Theo Bộ luật Dân sự, người chưa thành niên hoặc người có năng lực hành vi dân sự hạn chế gây thiệt hại cho người khác thì người giám hộ của họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong vụ việc này, đứa trẻ là trẻ vị thành niên, người giám hộ của em phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tai nạn gây ra.
- Thứ hai là phía chính quyền địa phương và ban quản lý tòa nhà. Nếu có thể chứng minh chính quyền địa phương hoặc ban quản lý tòa nhà tắc trách trong việc quản lý hệ thống cống rãnh, chẳng hạn như không kiểm tra, làm sạch khí metan kịp thời, không đặt biển cảnh báo, thì họ có thể phải chịu một phần trách nhiệm.
- Cuối cùng là chủ xe và nhà hàng. Nếu việc đỗ xe là vi phạm (cần cơ quan chức năng xác định) và đồng thời là nguyên nhân khiến thiệt hại tăng lên, thì chủ xe cũng có thể phải chịu một phần trách nhiệm. Nếu bãi cỏ nơi xe đỗ không được phép đỗ xe, mà nhân viên nhà hàng lại yêu cầu chủ xe đỗ ở đó, thì nhà hàng có thể phải chịu một phần trách nhiệm về thiệt hại của xe.
Theo Sina