Cha mẹ là giáo sư danh giá, con bỏ học từ cấp 2: Đây là kiểu giáo dục cần CẢNH GIÁC nhất

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 15:20 04/02/2025
Chia sẻ

Đọc xong, tôi không thể không nghĩ đến con trai mình, người vừa bước vào tuổi dậy thì.

* Bài viết của mẹ Bánh Bao - một blogger chuyên viết về nuôi dạy con ở Trung Quốc.

Nuôi dưỡng không phải là ban phát ân huệ, mà là nâng đỡ và che chở. Thay vì đặt tất cả kỳ vọng lên con cái, hãy dành nhiều năng lượng hơn để vươn lên trong cuộc sống và mở rộng tầm nhìn của chính bản thân.

Mới đây, tôi xem một buổi phỏng vấn của Giáo sư Triệu Đông Mai từ Đại học Bắc Kinh. Điều bất ngờ, dù là một giáo sư lịch sử hàng đầu ở ngôi trường danh giá, bà lại có một đứa con trai bỏ học từ cấp 2.

Con trai bà, Đồng Hạo Nhiên, lớn lên trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ở Bắc Kinh, nơi học hành gần như là tất cả. Các bạn đồng trang lứa đều đã đi học các lớp mẫu giáo và luyện thi từ rất sớm, trong khi cậu con trai của bà hầu như chỉ chơi đùa suốt thời thơ ấu. Khi bắt đầu học tiểu học, các bạn đã biết đọc, biết viết, làm quen với tiếng Anh, còn con trai bà chỉ ngồi đó, trông như một đứa "ngốc nghếch", không hiểu gì cả.

Cha mẹ là giáo sư danh giá, con bỏ học từ cấp 2: Đây là kiểu giáo dục cần CẢNH GIÁC nhất- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Con trai bà không học giỏi và cũng không được thầy cô yêu thích ở trường. Lên cấp 2, không khí trong trường càng trở nên căng thẳng. Mỗi tuần có từ 4 đến 6 bài kiểm tra và tất cả những hoạt động không liên quan đến học tập đều bị cấm. Thậm chí, những món đồ như ô tô đồ chơi hay Lego trên bàn cũng không được phép.

Đến lớp 8, tình trạng tâm lý của con trai bà ngày càng tệ hơn. Cậu không muốn đi học, ban đầu là giả vờ ốm để xin nghỉ, rồi sau đó quyết định bỏ học ở nhà. Thời gian đó, con trai bà suốt ngày đóng cửa trong phòng, cắm đầu chơi game, cảm thấy đau khổ và lạc lõng.

Ban đầu, Triệu Đông Mai và chồng rất khó chấp nhận quyết định bỏ học của con, họ đã tranh cãi và phản đối. Tuy nhiên, sau một thời gian suy nghĩ kỹ càng, họ quyết định chấp nhận và ủng hộ con trai. Không những thế, họ còn khuyến khích con theo đuổi đam mê của mình.

Dưới sự ủng hộ của mẹ, Đồng Hạo Nhiên đã thử sức với nhiều lĩnh vực: Học lập trình, thiết kế thời trang, sửa chữa xe hơi, và cuối cùng, vào năm 23 tuổi, anh đã trở thành một nhiếp ảnh gia, hoạt động trong ngành điện ảnh và truyền hình, với một tương lai đầy triển vọng.

Trước ống kính phóng viên, Triệu Đông Mai chân thành chia sẻ:

"Tôi chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ vì việc con tôi bỏ học dù là con của một giáo sư Đại học Bắc Kinh. Ngược lại, tôi cảm thấy con là một món quà mà trời ban tặng cho tôi, là người thầy của tôi, là huấn luyện viên giúp tôi trưởng thành". Bà cho biết: "Tôi hy vọng con tôi sẽ trở thành một người tự lập, một người sống có phẩm giá, và một người có thể chấp nhận bản thân, sống hạnh phúc. Như vậy là đủ".

Đọc xong, tôi không thể không nghĩ đến con trai mình, người vừa bước vào tuổi dậy thì. Từ nhỏ, tôi đã rất áp lực về việc học của con, luôn sắp xếp cho con tham gia vô vàn các lớp học thêm. Ngoài các bài tập của thầy cô, tôi còn giao cho con nhiều nhiệm vụ học tập khác. Tôi không cho con sở hữu điện thoại, không cho phép xem truyện, không cho phép làm bất cứ điều gì không liên quan đến học tập...

Kết quả, con tôi không chỉ không cải thiện kết quả học tập mà mối quan hệ giữa chúng tôi cũng ngày càng căng thẳng. Giờ nghĩ lại, một giáo sư của Đại học Bắc Kinh còn có thể chấp nhận một đứa con bỏ học từ cấp 2, vậy tại sao tôi, một phụ huynh bình thường, lại phải căng thẳng đến vậy?

Sau khi suy ngẫm, tôi nhận ra rằng sự lo lắng của tôi không phải là lo cho thành tích học tập của con, mà là vì tôi cảm thấy mình thiếu khả năng để nâng đỡ tương lai của con. Tôi không đủ tự tin để "đỡ" con, nên tôi sợ hãi: Tôi sợ con không học giỏi, sợ con không vào được trường đại học tốt, sợ con không tìm được công việc ổn định...

Dần dần, sự lo âu này đã chuyển thành một áp lực vô hình đối với con tôi.

Khi cha mẹ có tầm nhìn rộng lớn, con cái mới có thể thoải mái phát triển

Giáo sư Trương Tuyết Phong (Trung Quốc) cũng từng chia sẻ quan điểm giáo dục của mình trong một chương trình truyền hình: "Tôi luôn nói với con gái, con muốn làm gì thì làm, chúng tôi là cha mẹ, sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc cho con".

Chính lúc này tôi mới nhận ra: Nuôi dưỡng không phải là ban phát ân huệ, mà là nâng đỡ và che chở. Những bậc phụ huynh cao thượng luôn tìm cách nâng cao bản thân. Họ không vội vã "vắt kiệt" con cái, mà thay vào đó, họ sẵn lòng động viên chính mình.

Khi cha mẹ có thể vươn tới tầm cao hơn, có tầm nhìn rộng lớn và đầy đủ các nguồn lực, thì con cái mới có thể thoải mái phát triển trong một môi trường thư giãn, tự do thể hiện bản thân.

Bộ phim Nhật ký tuổi trẻ kể về một câu chuyện như sau:

Cha của nhân vật chính, Trịnh Tự Hùng, xuất thân từ một gia đình bình dân. Nhờ vào nỗ lực không ngừng, ông đã từng bước trở thành một luật sư hàng đầu. Chính vì vậy, ông tin vào "chủ nghĩa tinh hoa" và rất nghiêm khắc trong việc giáo dục hai con trai.

Con trai út của ông có tài năng vượt trội, nhưng người anh lớn, Hữu Kiệt, lại thiếu sự xuất sắc. Dưới sự giáo dục hà khắc của người cha, Hữu Kiệt chỉ ngủ năm tiếng mỗi ngày, phần còn lại là học tập hoặc luyện đàn piano. Nhưng dù có cố gắng thế nào, cậu cũng chỉ đạt vị trí thứ 29 trong lớp và không thể chơi một bản nhạc liên tục dù đã học đàn vài tháng.

Cha cậu thường xuyên dùng chổi để đánh đòn, mắng cậu là đồ vô dụng. Hữu Kiệt chỉ có thể giải tỏa cảm xúc qua việc đọc truyện tranh hoặc trò chuyện với búp bê, nhưng cuối cùng cả truyện tranh và búp bê đều bị cha cậu tịch thu. Trong tuyệt vọng, cậu đã quyết định kết thúc cuộc đời mình.

Khi đọc xong, tôi cảm thấy đau lòng. Có bao nhiêu bậc phụ huynh giống như người cha trong câu chuyện, tưởng rằng họ có quyền kiểm soát cuộc đời con cái chỉ vì họ đã sinh ra chúng, nhưng chính điều này lại cướp đi cuộc sống của con, khiến chúng phải sống trong đau khổ và bất hạnh.

Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình trở thành những người xuất sắc, điều này không có gì đáng trách. Nhưng trẻ con không phải là một cuốn vở vẽ tranh, bạn không thể chỉ tô vẽ theo ý thích của mình. Nếu vì lợi ích cá nhân mà bắt ép con cái sống trong cái "lồng" mà mình xây dựng, chỉ sẽ hủy hoại giá trị bản thân của trẻ, khiến chúng mất đi năng lượng và sức sống từ khi còn nhỏ.

Cuối cùng, những đứa trẻ bị "nhồi nhét" đó, dù có vẻ ngoài sáng chói, nhưng lại có một tâm hồn trống rỗng, giống như những xác chết biết đi.

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con cái mình thành công và đạt được nhiều thành tựu. Nhưng họ lại quên mất rằng mỗi đứa trẻ đều có con đường riêng, dù con đường tắt hay đại lộ, đó là cuộc sống của chúng, là sự lựa chọn của chúng.

Chỉ vì bạn sinh ra đứa trẻ, không có nghĩa là bạn có quyền điều khiển và giam cầm cuộc sống của nó. Tình yêu thuần khiết và vô điều kiện mà cha mẹ dành cho con cái chính là sự nâng đỡ và bảo vệ.

Nâng đỡ con một cách vững vàng

Việc nuôi dưỡng trẻ không chỉ là đảm bảo cho chúng một nền tảng vật chất vững chắc, mà quan trọng hơn là tạo ra đủ sự hỗ trợ để trẻ có thể theo đuổi ước mơ và cuộc sống riêng của mình.

Một blogger trên Zhihu (@Xian Ge Huan Huan) là giáo viên trung học từng gặp một học sinh đam mê lịch sử từ nhỏ. Để phát triển sở thích này, cha mẹ của cậu bé đã bắt đầu đọc sách Sử và biến các sự kiện lịch sử thành những câu chuyện nhỏ dễ hiểu và thú vị. Khi vào tiểu học, họ tiếp tục đưa con đi thăm các bảo tàng và di tích lịch sử, ghi chép lại những điểm mà con thích thú. Về nhà, họ tra cứu thêm thông tin và giải thích cho con theo cách dễ hiểu.

Trong khi các bạn đồng trang lứa bận rộn với các lớp học bổ túc, cậu bé này dưới sự bảo vệ của cha mẹ đã tìm được đam mê suốt đời. Khi thi đại học, cậu dễ dàng đậu vào khoa Lịch sử của một trường đại học danh tiếng.

Sự nâng đỡ thật sự không phải là tận dụng cả đời để ép con cái sống theo mong muốn của cha mẹ. Nó là việc dùng đôi tay vững vàng giúp con có đủ sức mạnh và sự hỗ trợ để dám thử thách, khám phá. Đó là nhìn nhận và hiểu được sự đặc biệt của con cái, tạo cơ hội cho chúng thể hiện bản thân và vươn tới những sân chơi lớn hơn.

Sau khi con trai bỏ học, Giáo sự Triệu Đông Mai không từ bỏ con mà thay vào đó đã nỗ lực đỡ lấy con. Bà dành nhiều thời gian giúp con củng cố tâm lý, khiến con tin rằng "mình rất tuyệt vời". Bà không ngần ngại tự "khoe khoang" mình là giáo sư của trường đại học hàng đầu Trung Quốc và đã gặp rất nhiều người thông minh, bà tin con mình cũng rất thông minh và có khả năng học hỏi.

Dù con muốn thử bất cứ điều gì, bà luôn đứng phía sau ủng hộ, động viên và khuyên nhủ đúng lúc. Sự bảo vệ thật sự không phải là cho con một khoản tiền lớn hay tìm một công việc tốt. Nó là ở lúc con rơi vào vực sâu, cha mẹ sẽ là người ở bên, đỡ con lên và cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp thêm sức mạnh và sự dũng cảm để mở ra một cuộc sống mới.

Như câu tục ngữ của Thổ Nhĩ Kỳ: "Chúa trời dành cho mỗi con chim vụng về một cành cây thấp". Cha mẹ cần làm gì? Chính là khi nhận thức được thực tế và chấp nhận sự bình thường, hãy giúp con tìm ra "cành cây" của riêng mình và hướng dẫn con chạy trên con đường của chính mình.

Nếu con cái là cây đại thụ, hãy giúp chúng vươn lên mạnh mẽ; Nếu con cái là cỏ non, hãy chúc chúng tự do và thoải mái.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày