Cảnh giác khi chuột cống gây bệnh nguy hiểm

Top of Form, Theo Trí Thức Trẻ 23:38 19/11/2012

Những căn bệnh từ chuột có thể dẫn đến tử vong...

Vào đầu tháng 10/2012, ông N.V.T (55 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TPHCM) bị chuột cắn ở chân, được đưa vào Bệnh viện quận Phú Nhuận cấp cứu trong tình trạng sốt cao, ho, giảm tiểu cầu và nổi mẩn đỏ qua da. 

Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết, dù được điều trị thận trọng nhưng bệnh của ông T. vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.  

Sau khi được chuyển qua Bệnh viện Nhiệt Đới và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy ông T. dương tính với virus Hanta - một loại virus ở chuột có khả năng gây suy gan, suy thận cấp. 

Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 17/10 trong tình trạng giảm tiểu cầu, ho, sốt cao kéo dài, viêm phổi, có nổi mẩn đỏ qua da. Một ngày sau, bệnh nhân có dấu hiệu suy thận và sức khỏe yếu dần.


Cảnh giác khi chuột cống gây bệnh nguy hiểm 1

Nhận biết dấu hiệu suy thận do virus Hanta 

Trên thực tế, lâu nay loài chuột cống vẫn có thể mang Hanta virus và nhiều mầm bệnh khác. Virus Hanta có trong nước bọt và nước tiểu của chuột, ngay cả khi chết xác chuột vẫn còn phóng thích virus này. 

Virus Hanta lây từ chuột sang người theo hai đường: hít phải khí của nước tiểu chuột hoặc bị chuột nhiễm virus cắn.

Thời gian từ khi người bị nhiễm virus Hanta đến khi phát bệnh khoảng 9 – 35 ngày (đa số từ 9 – 24 ngày). 

Bệnh nhân nhiễm virus Hanta phát bệnh có các triệu chứng: Sốt cao (từ 3 – 5 ngày, có khi sốt kéo dài 4 – 6 tuần), khó thở, đau cơ, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng (tăng dần), tiêu chảy, suy gan, suy thận cấp.

Cảnh giác khi chuột cống gây bệnh nguy hiểm 2

Bệnh có thể khỏi sau 7 – 10 ngày điều trị nhưng nguy hiểm là vì chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị và có thể tử vong trong trường hợp suy gan, suy thận cấp. 

Tuy nhiên, may mắn là không phải ai bị chuột cắn cũng nhiễm virus Hanta và không phải chuột cống nào cũng mang virus này, nó còn tùy vào cơ địa của từng người. 

Ngoài ra, Virus Hanta cũng không truyền bệnh từ người sang người.

Xử lý nhanh

- Vết cắn nhẹ: Bạn có thể chỉ cần sát trùng ngay bằng xà phòng đậm đặc, hoặc cồn y tế 70 độ nhiều lần để hạn chế tối đa xoắn khuẩn Spirillum minus vào cơ thể và dùng kháng sinh chống nhiễm trùng. Không cần đi tiêm ngừa dại nếu không có báo cáo về ca nhiễm bệnh dại do chuột cắn tại địa phương trong thời gian gần đây.

- Nếu vết cắn nặng hay nhiều vết cắn: Bạn phải tiêm phòng vắc-xin dại, tiêm phòng uốn ván kèm theo. Nếu có triệu chứng sốt, bạn phải nhập viện ngay.

Biện pháp phòng tránh

- Giữ vệ sinh nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, ngủ màn… để chuột không thể tiếp cận cắn người. 

- Dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, các loại thức ăn thừa hay rác sinh hoạt cần được cho vào thùng rác hoặc đậy kín.