Nguyệt san như thế nào là bình thường?
Hầu hết các triệu chứng đau bụng, đau lưng, mệt mỏi, uể oải đều là dấu hiệu bình thường báo hiệu chuyến ghé thăm của cô nàng nguyệt san. Tuy nhiên, bạn không nên lơ luôn những triệu chứng đau này vì đôi khi chúng lại là dấu hiệu của các bệnh cực kì nghiêm trọng.
Nguyệt san bình thường có thời gian kéo dài không quá 7 ngày, khoảng cách giữa hai kì nguyệt san thường là 25-31 ngày. Khi nguyệt san bình thường ghé thăm teengirl, trong ngày "nặng nề" nhất, bạn cũng không phải thay quá 6 miếng băng vệ sinh.
Thêm vào đó, nguyệt san bình thường nên xuất hiện trước khi bạn 16 tuổi, nếu tới 16 tuổi mà vẫn không có dấu hiệu "đèn đỏ" bạn có thể mắc một số chứng bệnh và cần đến bác sĩ để kiểm tra.
6 bệnh tật khiến cô nàng nguyệt san gặp rắc rối
Bất kì dấu hiệu nào "lệch" khỏi danh sách trên đều được xem là báo hiệu của nguyệt san bất thường, ví dụ như nhiều cục máu đông, đau bụng dữ dội, đèn đỏ kéo dài hơn 1 tuần... Khi đó, bạn nên xem xét các bệnh sau:
- Buồng trứng đa nang: nguyên nhân là do không rụng trứng, biểu hiện là khiến kinh nguyệt thất thường, cho tới 17,18 tuổi mà vẫn không kiểm soát được chu kì, kèm theo đó là nổi rất nhiều mụn, lông mọc dày một cách bất thường.
- Nhiễm trùng tử cung: nguyên nhân là do quan hệ tình dục không an toàn, mắc các bệnh STDs nhưng không chữa trị kịp thời. Bạn có thể thấy đèn đỏ nhiều hoặc ít bất thường, đau nhiều ở bụng trái, chuột rút nặng.
- Vấn đề đông máu: chứng bệnh có liên quan đến di truyền, nếu đèn đỏ kéo dài hơn 10 ngày, ra nhiều máu và xuất hiện nhiều cục máu đông thì teen girl cần tới bác sĩ ngay để tiến hành các xét nghiệm và dùng thuốc cầm máu.
- Thuốc ngừa thai: việc uống thuốc không đúng hướng dẫn sử dụng, mới bắt đầu uống thuốc hay loại thuốc không hợp với cơ thể đều có tác động lớn đến chu kì của teen girl. Chúng khiến máu có màu nâu sậm, máu ra nhiều gây mệt mỏi. Cách tốt nhất là ngưng dùng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ.
- U xơ tử cung: sự tăng trưởng bất thường của những khối u lành tình trong tử cung, chúng gây chảy máu liên tục, sình bụng, vô sinh. Bạn có thể phát hiện chúng bằng cách siêu âm và loại bỏ chúng bằng phẫu thuật.
- Ung thư cổ tử cung: ung thư có thể gây chảy máu nhiều suốt kì kinh nguyệt và nhiều ngày sau đó, thậm chí bạn có thể thấy máu ngay cả khi nguyệt san chưa bắt đầu. Kèm theo kinh nguyệt bất thường là những triệu chứng sốt, mệt mỏi. Cách duy nhất để chẩn bệnh là tiến hành các xét nghiệm. Từ đó mới có phác đồ điều trị thích hợp.