Người Việt ngày càng giữ ít tiền mặt hơn trong ví. Thay vào đó, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, hệ thống VietQR…Giờ đây, chỉ với vài thao tác đơn giản, người dùng có thể dễ dàng tải app và thực hiện các giao dịch từ thanh toán hóa đơn, chuyển tiền đến mua sắm trực tuyến mà không cần dùng đến tiền mặt.
Theo nghiên cứu về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2023 do Visa công bố năm 2024, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu chuyển đổi thanh toán số ở Đông Nam Á (SEA), với khoản 88% người tiêu dùng không dùng tiền mặt, 56% người được khảo sát cho biết đang ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước. Đặc biệt, thời gian trung bình người Việt không chi tiêu tiền mặt lên đến 11 ngày liên tiếp trong tháng.
Song song với đó, nhu cầu rút tiền tại các máy ATM cũng có sự sụt giảm đáng kể. Thông tin từ Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), giao dịch trên ATM được xử lý qua hệ thống Napas năm vừa qua ghi nhận giảm hơn 19% cả về số lượng và giá trị so với năm 2023. Đến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm hơn 2,6% tổng giao dịch qua hệ thống Napas. Số lượng máy ATM trên cả nước năm qua cũng có xu hướng giảm.
Không thể phủ nhận việc giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt, ưu tiên các hình thức thanh toán điện tử có thể đem lại lợi ích về nhiều mặt, giúp người tiêu dùng giao dịch nhanh chóng, tiện lợi, an toàn và dễ dàng quản lý tài chính. Không chỉ tại các trung tâm thương mại, cửa hàng lớn, ngay cả đi chợ truyền thống, tiệm tạp hóa nhỏ lẻ, đi đổ xăng, đi xe buýt hay uống trà đá chỉ vài nghìn đồng, nhiều người vẫn chuộng quét mã, chuyển khoản, tự tin ra đường mà không cần tiền mặt.
Tuy nhiên, loại trừ hoàn toàn tiền mặt ra khỏi ví có thể gây ra không ít bất tiện trong nhiều tình huống đời sống hàng ngày.
Mới đây, anh H, một nhân viên quán ăn, đã có những dòng chia sẻ trên mạng xã hội:
“Nhiều người giờ không có sẵn nổi vài chục nghìn lẻ trong túi, khi cần thì lại ngại ra cây ATM rút. Mình đã gặp nhiều trường hợp khách đến quán ăn, khi thanh toán thì tự ý chuyển khoản số tiền lớn hơn và yêu cầu quán trả lại tiền mặt. Với số tiền nhỏ 5 - 10 nghìn thì không sao, chứ có lần khách ăn phần cơm 30 nghìn mà chuyển tận 500 nghìn, đòi đưa lại 470 nghìn để mua thuốc lá, khiến mình khó xử vì phải giải thích lại với chủ rất lằng nhằng”.
“Nếu mình từ chối thì họ tỏ ra khó chịu, hoặc đánh giá quán 1 sao vì thái độ phục vụ không tốt. Mình tự hỏi sao họ không thể bỏ sẵn 50 - 100 nghìn trong ví mà lại phải dùng cách đổi tiền “loằng ngoằng” thế này, mất thời gian của cả 2 bên”, anh H cho biết thêm.
Không riêng anh H, nhiều cửa hàng hiện cũng treo biển “Chỉ nhận tiền mặt”, dù nhận được ý kiến trái chiều. Nguyên do là vì việc thanh toán trực tuyến nhiều khi bị ảnh hưởng bởi đường truyền Internet kém, ứng dụng ngân hàng bảo trì, lỗi hệ thống khiến việc kiểm soát dòng tiền vào ra tương đối khó khăn, nhất là với người lớn tuổi.
Nhiều quán ăn, cửa hàng treo biển "không nhận chuyển khoản"
Chị V, chủ một cửa hàng tạp hóa cho biết: “Khách ưa thanh toán chuyển khoản, quét QR nhưng lại không chủ động được về vấn đề kết nối Internet, 3G/4G. Nhiều khi đông khách mà có một người cứ loay hoay mãi chưa thanh toán được thì rất phiền. Đấy là chưa kể có những kẻ gian, dùng hình ảnh chuyển khoản giả để qua mặt người bán, chiếm đoạt tài sản. Do đó của hàng mình vẫn cứ thu tiền mặt cho lành”.
Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình huống dở khóc dở cười khi khách đã ăn uống, mua sắm xong mới biết quán “không nhận chuyển khoản”, được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội những ngày gần đây.
Không chỉ ăn uống, hay mua sắm, các hoạt động đời sống khác như đổ xăng cũng ghi nhận nhiều bất cập khi người dân ngại giữ tiền mặt. Chị T, nhân viên tại một cây xăng cho hay: “Nhiều khách yêu cầu được thanh toán chuyển khoản, nhưng cá nhân mình thấy nhiều khi cách này còn mất thời gian hơn cả tiền mặt. Họ phải đợi bơm xăng, rồi dắt xe ra một góc để quét mã, sau đó đợi nhân viên kiểm tra, mất phải 10-15 phút, ảnh hưởng đến người đổ sau. Mất công như vậy thì cứ cầm sẵn 50 nghìn đưa luôn có phải nhanh và tiện hơn không. Chưa kể sử dụng điện thoại trong cây xăng có nguy cơ gây ra cháy nổ, mất an toàn”.
Nhiều cây xăng không nhận chuyển khoản
Nhìn chung, trong thời đại mà thanh toán điện tử chiếm ưu thế, tiền mặt vẫn có một vai trò nhất định, đặc biệt trong các hoạt động đời sống thường ngày. Dù ưa chuộng chuyển khoản, quét mã, người tiêu dùng vẫn nên chuẩn bị sẵn nhiều phương án để luôn có nguồn tiền sử dụng được ngay, tránh các trường hợp phiền toái và khó xử.