Vào ngày 29/6/2023, chị Lâu, kế toán tại một công ty công nghệ ở Kiến Đức, Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, bất ngờ nhận được thông báo kết bạn từ tài khoản Wechat của vợ sếp. Sau khi kiểm tra tài khoản tên, nữ kế toán này thấy mọi thông tin đều quen thuộc nên đã đồng ý kết bạn.
Sau khi thêm bạn bè, đối phương đã nhắn tin yêu cầu chị Lâu gửi thông tin chi tiết về số dư tài khoản của công ty. Chị Lâu không dám lơ là nên đã nhanh chóng thực hiện theo yêu cầu. Nhận được thông tin, vợ sếp cho biết bà muốn dùng số tiền trên đầu tư vào một dự án tiềm năng và nhờ chị Lâu thực hiện giao dịch chuyển khoản 2,62 triệu NDT (hơn 9,3 tỷ đồng) cho đối tác. Nghe đến đấy, nữ kế toán này lập tức nảy sinh nghi ngờ bởi trước đó, vợ sếp chưa từng tham gia vào công việc của công ty.
Trước đó, chị Lâu từng tham gia một khóa học phòng chống lừa đảo trên không gian mạng do các cảnh sát trong khu vực tổ chức. Cũng từ khóa học này, chị phát hiện bản thân đang ở trong một “kịch bản” quen thuộc mà những đối tượng lừa đảo trực tuyến hay sử dụng để gài bẫy nhân viên của các doanh nghiệp. Từng được các đồng chí cảnh sát chỉ cách đối phó với trường hợp tương tự, chị Lâu vội áp dụng ngay.
Cụ thể, để làm rõ những nghi ngờ của mình, nữ kế toán này đã gọi điện cho vợ sếp để xác nhận thông tin một lần nữa nhưng đối phương không bắt máy. Sau đó, chị cố tình gửi một số thông tin sai lệch về công ty vào boxchat để xin ý kiến vợ sếp nhưng người này lại không phát hiện ra. Đến lúc này, chị Lâu dường như đã chắc chắn người đang trò chuyện với mình là kẻ lừa đảo nên đã gọi điện báo sự việc với cảnh sát.
Bằng kỹ năng nghiệp vụ, phía cảnh sát đã nhanh chóng điều tra và phát hiện ra rằng tài khoản Wechat đã kết bạn với chị Lâu quả là tài khoản chính thức của vợ sếp. Tuy nhiên trước đó vài ngày, tài khoản này đã bị kẻ xấu hack mất. Chúng đã sử dụng tài khoản này để dựng lên một kịch bản lừa đảo khá hoàn hảo nhằm chiếm đoạt tài sản của công ty nơi nữ kế toán này làm việc.
Ảnh minh họa: Internet
Rất may, dù là “con mồi” mà chúng nhắm đến, thế nhưng chị Lâu đã có một “cái đầu lạnh”, xử lý tình huống rất thông minh nên đã chặn đứng được kế hoạch của chúng, từ đó bảo vệ được ngân sách của công ty. Tiểu Lâu sau đó cũng đã được sếp khen thưởng vì đã kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan cảnh sát, ngăn chặn được một khoản thất thoát vô cùng to lớn cho công ty.
Sau vụ việc này, cảnh sát địa phương cũng hướng dẫn toàn bộ nhân viên công ty nơi chị Lâu làm việc cài đặt phần mềm diệt virus cũng như cài đặt lại mật khẩu các tài khoản mạng xã hội để bảo đảm an toàn, tránh những trường hợp tương tự xảy ra.
Có thể nói, việc kẻ xấu lợi dụng không gian mạng để thực hiện thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là câu chuyện khá phổ biến trong thời đại 4.0 hiện nay. Thủ đoạn của chúng thường lặp đi, lặp lại nhiều lần, với nhiều người.
Từ vụ việc trên, cảnh sát Trung Quốc cũng khuyên mọi người nên nâng cao nhận thức để có thể tránh sập bẫy lừa đảo. Khi nhận được các thông tin, thông báo từ mạng xã hội thì cần kiểm tra lại thật kỹ, không vội vàng thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của đối tượng. Trong trường hợp có người quen nhắn tin qua mạng xã hội nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để xác nhận nội dung thông tin, tránh bị lừa đảo.
Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không cung cấp những thông tin về tài khoản cá nhân cho đối tượng. Khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn hành vi phạm tội.
(Theo New.QQ)