Hơn 18 tháng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đã quen với những tin tức về các biến thể SARS-CoV-2 mới.
Một số biến thể của SARS-CoV-2 như biến thể Alpha và biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Anh và Ấn Độ, có khả năng lây truyền cao hơn so với các phiên bản trước của chủng virus và đang lưu hành tại nhiều quốc gia trên toàn cầu. Bất cứ khi nào một biến thể mới xuất hiện, các nhà khoa học sẽ theo dõi một cách chặt chẽ.
Trong khi thế giới vẫn đang tìm cách ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của Delta, biến thể đã “soán ngôi” Alpha về khả năng lây truyền và làm gia tăng số ca nhập viện do Covid-19 ở những người chưa được tiêm chủng, hiện nay đã xuất hiện một biến thể mới khiến các chuyên gia lo ngại, đó là biến thể Lambda.
Lambda - biến thể đáng quan tâm
Biến thể Lambda, trước đây được gọi là C.37, đã lây lan nhanh chóng ở khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là ở Peru.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ dán nhãn Lambda là “biến thể đáng quan tâm” vào ngày 14/6 khi các ca mắc Covid-19 được cho là liên quan tới biến thể này tăng đột biến.
Trong báo cáo vào giữa tháng 6, WHO nói rằng, biến thể Lambda có liên quan đến tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 tăng đáng kể trong cộng đồng ở nhiều quốc gia, với tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ mắc Covid-19 tăng theo thời gian. WHO cho biết, sẽ có thêm nhiều cuộc nghiên cứu đối với biến thể này.
WHO đã lưu ý trong báo cáo ngày 15/6 rằng, biến thể Lambda đã được phát hiện ở 29 quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt là ở khu vực Nam Mỹ.
“Các nhà chức trách ở Peru đã báo cáo có 81% ca mắc Covid-19 được giải trình tự gen từ tháng 4/2021 liên quan đến biến thể Lambda. Argentina đã báo cáo tỷ lệ nhiễm biến thể Lambda ngày càng tăng kể từ tuần thứ 3 của tháng 2/2021 và từ ngày 2/4 - 19/5/2021, biến thể này chiếm 37% trong số các trường hợp mắc Covid-19 được giải trình tự gen”, WHO cho biết.
Tại Chile, tỷ lệ nhiễm biến thể Lambda đã tăng lên theo thời gian, chiếm 32% các ca mắc Covid-19 được giải trình tự gen trong 60 ngày qua. Theo WHO, biến thể Lambda đã lây truyền với tỷ lệ tương tự như biến thể Gamma nhưng cao hơn so với biến thể Alpha trong cùng một khoảng thời gian.
Cho tới ngày 24/6, biến thể Lambda đã được phát hiện trong các ca mắc bệnh ở 26 quốc gia, theo dữ liệu của cơ quan điều hành của Bộ Y tế Anh. Các quốc gia bao gồm Chile, Argentina, Peru, Ecuador, Brazil, Colombia, Mỹ, Canada, Đức, Tây Ban Nha, Israel, Pháp, Anh và Zimbabwe, cùng những nước khác.
Biến thể Lambda nguy hiểm như thế nào?
WHO và các cơ quan y tế công cộng khác đang cố gắng tìm hiểu mức độ nguy hiểm của biến thể Lambda so với các biến thể khác, bao gồm cả việc nó có thể lây truyền nhanh hơn và có khả năng kháng vaccine Covid-19 hay không.
Vào giữa tháng 6, WHO cho biết, “biến thể Lambda mang một số đột biến có liên quan đến việc tăng khả năng truyền nhiễm hoặc tăng khả năng chống lại các kháng thể trung hòa”.
“Cần có các nghiên cứu sâu rộng hơn để hiểu rõ về tác động của biến thể Lambda đối với các biện pháp phòng dịch Covid-19 nhằm kiểm soát sự lây lan”, WHO cho biết.
Điều quan trọng cần lưu ý là biến thể Lambda vẫn chưa được dán nhãn là “biến thể đáng lo ngại” như Alpha hoặc Delta.
“Lambda sẽ trở thành một biến thể đáng lo ngại nếu nó thể hiện khả năng lây truyền cao, tăng mức độ nghiêm trọng của các ca mắc bệnh hoặc nếu nó có tác động đến các biện pháp phòng dịch của chúng tôi”, Tiến sỹ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, trả lời khi được hỏi về cách tổ chức này thay đổi định nghĩa về biến thể Lambda.
Vaccine Covid-19 có thể chống lại biến thể Lambda không?
Theo CNBC, cần có thêm các nghiên cứu về ảnh hưởng của biến thể Lambda đối với hiệu quả của vaccine Covid-19, đặc biệt là đối với các loại vaccine được sử dụng rộng rãi ở phương Tây như Pfizer-BioNTech, Moderna hoặc Oxford-AstraZeneca.
Nhiều nơi ở Nam Mỹ đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả của vaccine Trung Quốc, vốn được triển khai chủ yếu trong khu vực này, khi các trường hợp liên quan đến sự lây lan của biến thể Lambda và tỷ lệ nhiễm lây nhiễm tăng lên bên cạnh việc triển khai các chương trình tiêm chủng. Brazil, Chile và Peru đều phụ thuộc rất nhiều vào vaccine Sinovac hoặc Sinopharm của Trung Quốc.
Một nghiên cứu thực hiện bởi Đại học Chile ở Santiago đã xem xét các nhân viên y tế đã tiêm 2 liều vaccine Sinovac cho thấy, các đột biến có trong gai protein của biến thể Lambda “làm tăng khả năng lây nhiễm và chống lại các kháng thể trung hòa”.
Các loại vaccine của Trung Quốc đang đối mặt với những nghi ngờ ngày càng tăng về hiệu quả, cùng với việc thiếu dữ liệu về khả năng chống lại biến thể Delta dễ lây truyền hơn. Các ca mắc Covid-19 hàng tuần vẫn tăng ở ít nhất 6 quốc gia tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới và 5 quốc gia trong số đó sử dụng vaccine của Trung Quốc.
Không có loại vaccine nào hiện tại được coi là có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2. Sinovac đạt hiệu quả 50,4% trong một thử nghiệm ở Brazil được công bố kết quả vào tháng 1. Một nghiên cứu ở UAE công bố vào tháng 12/2020 cho thấy, vaccine Sinopharm có hiệu quả 86%.
Các chuyên gia lưu ý rằng các quốc gia không nên ngừng sử dụng vaccine Covid-19 của Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu nguồn cung ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.