Campuchia có số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay, Anh phát hiện biến thể COVID-19 mới Lambda

Quỳnh Chi, Theo VTV 09:26 26/06/2021

Đến sáng 26/6, thế giới có trên 181 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,92 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,4 triệu ca mắc và hơn 618.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 7.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, Bộ Y tế nước này ngày 25/6 cho biết đã ghi nhận 49.000 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên hơn 30,1 triệu trường hợp. Số ca tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ cũng tăng thêm 1,186 người, nâng tổng số lên hơn 394.500 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 509.200 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 18,2 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ngày 25/6, Nga thông báo, nước này ghi nhận thêm 20.393 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có gần 8.000 trường hợp tập trung tại thủ đô Moscow. Đây là ngày Nga ghi nhận số người nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 24/1, trong khi số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại thủ đô Moscow trong 24 giờ qua cũng được xác định là cao nhất từ trước tới nay với 601 ca.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Nga, nước này ghi nhận tổng cộng trên 5,4 triệu ca nhiễm và hơn 132.000 trường hợp tử vong do COVID-19. Hiện Nga đã vượt Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 5 thế giới sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Pháp. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh trở lại tại Nga được cho là do sự lây lan của biến thể Delta.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tại tại thủ đô Moscow, giới chức thành phố đã quy định, các nhà hàng và quán rượu chỉ được phục vụ các khách hàng là người mã QR đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh hoặc người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARs-CoV-2.

Từ ngày 25/6, Nga đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 Sputnik Light với ưu điểm chỉ cần tiêm 1 mũi. Nhu cầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ngày càng tăng cao, do đó, Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine. Chính phủ Nga cho biết, việc thiếu vaccine tiêm chủng tại nước này là do vấn đề khó khăn trong công tác bảo quản và lưu trữ. Điện Kremlin khẳng định, vấn đề này sẽ được giải quyết trong vài ngày tới.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Anh trong 1 tuần qua. Theo báo cáo của cơ quan y tế nước này, Anh ghi nhận 35.204 ca nhiễm Delta, biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Theo Cơ quan y tế công vùng England, số ca nhiễm biến thể Delta hiện chiếm tới 96% số ca mắc COVID-19 tại Anh. Cơ quan này khẳng định, các loại vaccine hiện có vẫn có hiệu quả bảo vệ bệnh nhân trước những biến chứng nặng buộc họ phải nhập viện điều trị.

Cơ quan y tế công vùng England cho biết đã ghi nhận biến thể SARS-CoV-2 mới có tên là Lambda ở 6 trường hợp phát hiện mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 23/2 đến ngày 7/6, 5 trong số 6 ca này từng đi ra nước ngoài.

Campuchia có số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay, Anh phát hiện biến thể COVID-19 mới Lambda - Ảnh 1.

Bộ Y tế Israel đã tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng có không gian kín (Ảnh: AP)

Chỉ sau 10 ngày gỡ bỏ, ngày 25/6, Bộ Y tế Israel đã tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng có không gian kín sau khi nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt trong vài ngày qua. Việc Israel tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang được đưa ra sau khi nước này ghi nhận mỗi ngày hơn 100 ca nhiễm trong liên tiếp 5 ngày qua. Ngày 25/6, Israel ghi nhận 227 ca nhiễm mới. Đến nay, tại Israel, tổng cộng trên triệu người mắc COVID-19, trường hợp thiệt mạng.

Giới chức y tế nước này cho rằng, số ca mắc COVID-19 mới tăng trở lại có thể do sự lây lan của biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Việc số ca nhiễm mới tăng trở lại là dấu hiệu đáng lo ngại đối với Israel, một trong những quốc gia hiện có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Giới chức y tế Phần Lan ngày 25/6 cho biết, các cổ động viên bóng đá trở về từ Nga sau các trận đấu ở EURO 2020 đã làm gia tăng số ca nhiễm mới trong ngày. Theo các số liệu chính thức, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hàng ngày đã tăng từ 50 ca/ngày lên hơn 100 ca/ngày, được ghi nhận tại hai cửa khẩu biên giới, hầu hết là các cổ động viên đã sang thành phố St. Petersburg của Nga. Tuy nhiên, Phần Lan vẫn nằm trong số các nước ít bị ảnh hưởng của dịch. Quốc gia có 5,5 triệu dân này đã ghi nhận 969 ca tử vong trong tổng số 94.719 người nhiễm COVID-19.

Trẻ em và thanh thiếu niên hiện là nhóm đông nhất trong số các ca nhiễm COVID-19 tại Canada. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây nhiễm của trẻ khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Hiện trẻ em đang trở thành đối tượng được bảo vệ ít nhất trước nguy cơ lây nhiễm trong bối cảnh Bộ Y tế Canada mới chỉ cho phép sử dụng vaccine Pfizer cho những người từ 12 tuổi trở lên.

Theo dữ liệu mới nhất của Chính phủ Canada, tính đến ngày 18/6, những người từ 19 tuổi trở xuống chiếm 19,2% các ca nhiễm. Tại một số ổ dịch gần đây, trẻ em và thiếu niên chưa đủ điều kiện tiêm chủng hoặc mới chỉ được tiêm 1 liều vaccine, đã chiếm tỷ lệ lớn.

Canada đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn quốc, trong đó hơn 26.000 người đã tử vong. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Canada đang đứng ở mức 68,8 ca/100.000 dân.

Chính phủ Chile đã quyết định gia hạn lệnh đóng cửa biên giới cho đến ngày 14/7 nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh COVID-19 trong nước. Việc gia hạn biện pháp đóng cửa biên giới được công bố vài giờ sau khi Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris xác nhận, nước này đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Delta (B.1.6.1.7) của virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân là một phụ nữ 43 tuổi vừa trở về từ Mỹ.

Chile áp dụng lệnh đóng cửa biên giới từ ngày 5/4 sau khi quốc gia Mỹ Latin này ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Đến nay, Chile đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 32.000 ca tử vong.

Chính quyền bang New South Wales của Australia ngày 25/6 đã ban hành lệnh phong tỏa khu vực trung tâm thành phố Sydney và 4 quận xung quanh. Quyết định được đưa ra sau khi địa phương này ghi nhận 22 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng trong 24 giờ qua. Theo lệnh phong tỏa trên, tất cả các doanh nghiệp không thiết yếu trong các khu vực bị ảnh hưởng sẽ phải tạm thời đóng cửa, trong khi cư dân được yêu cầu không ra khỏi nhà "nếu không thực sự cần thiết" trong vòng 7 ngày tới.

Sau khi ghi nhận một ca dương tính giữa tuần trước là một lái xe đưa đón phi hành đoàn của các chuyến bay quốc tế, ổ dịch tại thành phố Sydney hiện đã tăng lên 65 ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Bộ trưởng Y tế Singapore (MOH) Ong Ye Kung trong cuộc họp báo chiều 24/6 cho biết, nước này sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia, theo đó từ ngày 26/6 sẽ triển khai tiêm 80.000 liều vaccine mỗi ngày, tăng khoảng 70% so với 47.000 liều được tiêm hiện nay.

Bộ trưởng Ong cho biết thêm tính đến ngày 23/6, hơn 3 triệu (53%) người dân đã nhận được ít nhất một liều vaccine, trong đó khoảng 36% dân số đã được tiêm đủ hai liều. Khoảng 75% người từ 60 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất một liều hoặc đã đặt lịch hẹn tiêm vaccine. Con số này là 77% đối với những người từ 45 đến 59 tuổi, 70% đối với những người từ 40 đến 44 tuổi và 39% đối với những người từ 12 đến 39 tuổi.

Khi các mục tiêu tiêm chủng đạt được theo đúng kế hoạch, dự kiến trong vài tháng tới, Chính phủ Singapore sẽ vạch ra lộ trình mới cho việc chung sống với COVID-19.

Campuchia có số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay, Anh phát hiện biến thể COVID-19 mới Lambda - Ảnh 2.

Một số chuyên gia đã kiến nghị, Chính phủ Thái Lan phong tỏa thủ đô Bangkok trong 7 ngày (Ảnh: AP)

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này yêu cầu thực hiện nghiêm chính sách kiểm dịch đối với du khách nhập cảnh để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm sau khi ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm mới các biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 ở nước này. Tổng Giám đốc y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah, cho biết, các trường hợp trên được phát hiện trong khoảng thời gian từ ngày 20 - 22/6. Trong đó, 5 trường hợp nhiễm biến thể Beta và 1 trường hợp nhiễm biến thể Delta, đều là các biến thể có khả năng lây lan nhanh hơn với nguy cơ tử vong cao hơn.

Bộ Y tế Philippines (DOH) công bố, ngày 25/6, nước này có 6.812 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên hơn 1,38 triệu người . Ngoài ra, với thêm 116 ca không qua khỏi, tổng số trường hợp tử vong vì COVID-19 tại Philippines lên tới 24.152 bệnh nhân. DOH cho biết, đã có trên 13 triệu người trong tổng số 110 triệu dân được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020 đến nay.

Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao đẩy hệ thống y tế Thái Lan vào nguy cơ thiếu giường bệnh và nhân viên y tế, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin cam kết sẽ nỗ lực duy trì năng lực của hệ thống y tế công cộng của nước này. Bộ trưởng Y tế Anutin đưa ra phát biểu trên sau khi một số chuyên gia y tế Thái Lan cảnh báo, dịch COVID-19 bùng phát rất nghiêm trọng và kiến nghị Chính phủ phong tỏa thủ đô Bangkok trong 7 ngày. Theo ông Anutin, kiến nghị này là rất đáng lưu ý, nhưng phải được cân nhắc cẩn thận.

Ngày 25/6, Thái Lan ghi nhận 3.644 ca mắc mới COVID-19 và 44 trường hợp tử vong do dịch bệnh này trong 24 giờ qua. Kể từ khi COVID-19 xuất hiện ở Thái Lan đầu năm 2020, đến nay nước này đã ghi nhận tổng cộng 236.291 ca mắc, trong đó có 1.819 ca tử vong

Số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia tiếp tục tăng nhanh và hiện đã vượt ngưỡng 500 ca kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ 3 sau "sự cố cộng đồng ngày 20/2" (trước sự kiện này Campuchia không có ca tử vong vì COVID-19).

Bộ Y tế Campuchia ngày 25/6 xác nhận có thêm 16 ca bệnh không qua khỏi, nâng tổng số người tử vong vì COVID-19 tại đây lên 509 trường hợp. Ngoài ra, có thêm 759 ca được công bố khỏi bệnh và 699 trường hợp mắc mới trên cả nước, trong đó có 113 ca nhập cảnh và đây là số nhập cảnh mắc COVID-19 trong một ngày nhiều nhất từ trước đến nay ở Campuchia. Như vậy, tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 46.065 ca mắc COVID-19, trong đó 40.769 người đã khỏi bệnh.

Trong nỗ lực đẩy mạnh tiêm phòng để giảm lây nhiễm và tử vong vì COVID-19, Bộ Y tế Campuchia công bố số liệu cho thấy, tính đến ngày 24/6, nước này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trên 3,7 triệu người từ 18 tuổi trở lên, tương đương 37,16% trong tổng số 10 triệu người cần được tiêm phòng để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 14 ca mắc mới COVID-19 và đều là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là lần thứ 3 Lào không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào trên cả nước kể từ khi làn sóng dịch thứ 2 bắt đầu tại nước này từ giữa tháng 4 vừa qua.

Theo đại diện Bộ Y tế Lào, dù số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm nhưng nước này vẫn đang đối mặt với thách thức và nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng do tình hình dịch bệnh ở các nước láng giềng vẫn diễn biến phức tạp, nếu để lọt các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp, nguy cơ dịch tái bùng phát là rất cao. Bên cạnh đó, một số bộ phận người dân vẫn chưa tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch, làm tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát trong cộng đồng. Tính đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng 2.094 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 người không qua khỏi.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết đã ghi nhận 24 ca nhiễm mới vào ngày 25/6 tại Trung Quốc đại lục. Tất cả các ca nhiễm mới đều là lây nhiễm trong nước; không có thêm ca tử vong nào trong ngày 24/6. Hiện tổng cộng gần 91.700 người đã nhiễm bệnh và 4.636 ca tử vong ở quốc gia này.