Với hàng ngàn tour diễn, lễ hội âm nhạc bị hoãn vô thời hạn hoặc hủy bỏ do sự bùng phát của dịch COVID-19, ngành công nghiệp âm nhạc dần trở nên ảm đạm khi mọi thứ đều không thể chắc chắn được tương lai sẽ như thế nào cũng như đến lúc nào thì dịch bệnh mới hoàn toàn được khống chế.
Ít ai biết rằng ngành công nghiệp âm nhạc phụ thuộc phần lớn vào lực lượng lao động tự do. Trong một báo cáo của Hiệp hội Nhạc sĩ đã chỉ ra rằng, làm việc tự do (freelance) chiếm toàn bộ hoặc một phần trong nguồn thu nhập chính của 94% nhạc sĩ người Anh. Riêng hàng triệu nhân công làm việc trong các sự kiện âm nhạc vẫn chưa có được giải pháp trước mắt để khắc phục, cũng như bù đắp tổn thất về mặt thu nhập ở thời điểm nhạy cảm này.
Có một sự thật là ngành công nghiệp âm nhạc hoạt động theo cách: các nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và ekip không thể nhận được bất kỳ khoản thù lao lao động nào trong trường hợp các chương trình âm nhạc bị hủy bỏ.
Đối với những "Gig worker" - những người làm việc theo yêu cầu và thực hiện những dự án có thời hạn, họ cũng chẳng được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ việc làm thông thường. Không giống như những công việc khác, để có thể bù đắp thu nhập thì các nhạc sĩ và ekip vận hành tour diễn càng không thể làm việc tại nhà trong thời gian cách ly toàn xã hội.
Đại dịch COVID-19 đặt ra thách thức tàn khốc nhất buộc ngành công nghiệp âm nhạc và cộng đồng sáng tạo phải đối mặt trực tiếp. Đáng lo ngại hơn nữa, khi toàn thế giới tiếp tục đối phó với một loạt khủng hoảng thì rõ ràng việc thiếu sự hỗ trợ kinh tế cho những người thật sự khó khăn đang là thực tế đáng buồn.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chính phủ trên khắp thế giới buộc phải khóa chặt nguy cơ lây bệnh, khoanh vùng dập dịch triệt để. Khi bệnh dịch ngày một tiếp tục lan rộng thì tác động của nó đến ngành công nghiệp âm nhạc cũng khủng khiếp không kém.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay đã có hàng chục lễ hội âm nhạc lớn nhỏ bị hoãn vô thời hạn hoặc hủy bỏ hoàn toàn vì đại dịch COVID-19. Các chuyên gia, nhà phân tích tài chính dự đoán rằng ngành công nghiệp giải trí sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bị thất thoát hàng tỷ đô- một lỗ hổng kinh tế không phải ai cũng lường trước được.
Một số lễ hội âm nhạc phải hủy bỏ đáng chú ý nhất như Coachella, SXSW, Download Australia và Glastonbury – sự kiện âm nhạc lớn nhất nước Anh với hơn 200.000 khán giả tham dự. Tất nhiên, tất cả vé bán ra đều phải hoàn trả đầy đủ cho người mua hoặc hoãn lại cho sự kiện năm sau.
Các chuyên gia tư vấn cho rằng doanh thu của Glastonbury có thể bị lỗ lên đến 100 triệu bảng khi đối diện với những trục trặc không thể lường trước và tổng chi phí cho việc hủy bỏ toàn bộ sự kiện còn vượt qua con số 60 triệu bảng sau khi đã tính đến chi phí vận hành và hoàn tiền trở lại cho khán giả. Như vậy, tổng chi phí tài chính mà lễ hội sẽ phải gánh chịu phụ thuộc vào loại và mức bảo hiểm mà họ đã thoả thuận trước đó.
Các sự kiện âm nhạc nổi tiếng khác như "Cuộc thi Ca khúc Truyền hình châu Âu" (Eurovision Song Contest) cũng bị hủy bỏ, những thay đổi đột ngột và đáng tiếc này đã cho thấy tác động thật sự kinh khủng của đại dịch đến âm nhạc. Mặc dù thật khó để tưởng tượng các sự kiện âm nhạc sẽ tồn tại như thế nào qua giai đoạn đầy thử thách này, nhưng trên hết mọi nỗ lực của ban tổ chức đều xứng đáng được công nhận bởi họ luôn đặt sức khỏe và sự an toàn lên hàng đầu.
Ở thời điểm mà mọi thứ diễn ra đều không chắc chắn thì việc số lượng sự kiện âm nhạc bị hủy bỏ sẽ còn tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Nhiều quốc gia đã đặt lệnh cấm tụ tập đông người, trong đó có cả Úc – quốc gia vừa ra lệnh tuyệt đối không tập trung quá 100 người nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Hậu quả đã làm ngành công nghiệp âm nhạc Úc đang đứng bên "bờ vực của sự sụp đổ" - theo Billboard, cũng như không có được sự viện trợ tài chính từ chính quyền liên bang.
Các chuyên gia dịch tễ học đã cảnh báo rằng các cuộc tụ tập đông người với quy mô lớn hay những nơi có nhiều người tiếp xúc cực kỳ gần sẽ có nguy cơ lan truyền virus cao đáng kể. Tuy vậy, hiện nay, nhiều lễ hội âm nhạc vẫn tuyên bố sẽ tiến hành theo đúng kế hoạch với lịch trình mới sau một thời gian dài bị hoãn. Ấy thế, sự tồn tại của lễ hội âm nhạc còn phải phụ thuộc vào tình hình chung đang diễn ra. Chính vì vậy, an toàn của các nghệ sĩ, đội ngũ nhân viên và người hâm mộ cần được đặt lên hàng đầu, cho nên việc quan trọng nhất vẫn là hủy bỏ tất cả cho đến khi đại dịch thật sự qua đi.
Việc suy giảm của công nghiệp thu âm buộc phải có những thay đổi lớn trong ngành công nghiệp âm nhạc nói chung. Chính từ sự ra đời của digital đã dẫn đến một loạt tình trạng nghe nhạc thiếu ý thức như rò rỉ hình ảnh, leak các sản phẩm âm nhạc, vi phạm bản quyền,… buộc các nghệ sĩ và hãng đĩa phải thay đổi cách tạo ra nguồn thu nhập.
Để mọi thứ được cân bằng, họ đã phải chuyển từ việc chỉ bán nhạc một cách đơn thuần sang quảng bá tại các sự kiện âm nhạc và từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng, thu về lợi nhuận. Và như thông tin đã đề cập phía trên, điều này càng không thể thực hiện ở thời điểm này.
Trước cuộc khủng hoảng của đại dịch COVID-19, đặt ra một thử thách cho các nghệ sĩ, hãng thu âm và các công ty âm nhạc trong việc nhận được một khoản đền bù tài chính bền vững cho những đơn vị nhạc bán được. Nó nằm ở tỷ lệ tiền bản quyền kiếm được từ hình thức phát nhạc trực tuyến (streaming) khi chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong tổng thu nhập.
Trước tình hình giãn cách xã hội, lượng người nghe nhạc trên các ứng dụng trực tuyến sẽ luôn ổn định và vững chắc bởi không có bất kỳ điều gì có thể ngăn cản mọi người nghe và tiêu thụ nhạc. Theo đó, các số liệu phát trực tuyến gần đây trên BXH hàng tuần "Top 200 Global Chart" của Spotify đã chứng minh rằng doanh thu phát trực tuyến vẫn mạnh dù đang đối mặt với khủng hoảng trên diện rộng.
Thông qua nhiều số liệu cũng cho thấy, so với nhà tổ chức sự kiện âm nhạc và các đơn vị agency thì hãng đĩa đang sở hữu vị thế cao hơn. Theo đó, công ty tổ chức và biểu diễn Live Nation là một ví dụ điển hình của việc hứng chịu khủng hoảng nghiêm trọng khi cổ phiếu sụt giảm hơn 33%.
Tuy nhiên, một báo cáo khác còn cho thấy mức độ streaming nhìn chung cũng đang giảm khi tổng lượng stream đang "tụt dốc không phanh" ở Ý, cùng nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đại dịch COVID-19. Khi dịch bệnh bùng phát dữ dội, kể từ ngày 9/3, lượng người nghe trên Spotify cũng giảm 23% so với trước đây. Kết quả này cũng cho thấy việc cách ly toàn xã hội khiến việc nghe nhạc trở nên ít hơn bình thường.
Rõ ràng là tất cả những người trong ngành công nghiệp âm nhạc đã chịu một tác động vô cùng lớn khi mọi hoạt động bỗng dừng lại đột ngột suốt nhiều tuần và mọi người đều cố gắng ra sức thích nghi với những thay đổi rõ rệt này. Không chỉ là ngành công nghiệp âm nhạc, mà sự lây lan của dịch COVID-19 đang tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực trên toàn cầu. Phải thừa nhận rằng ngành công nghiệp âm nhạc là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đa số những nhạc sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp đều phụ thuộc rất nhiều vào việc đi tour và biểu diễn trực tiếp vì đây là nguồn thu nhập chính của họ. Bên cạnh đó, sự suy giảm của ngành công nghiệp thu âm khiến người hâm mộ ngày càng ít chịu chi cho việc mua nhạc đã trở thành vấn đề nan giải đối với các nghệ sĩ nói chung và đơn vị tổ chức tour nói riêng.
Riêng ngành công nghiệp sự kiện sẽ còn đối mặt với nhiều khủng hoảng kinh tế hơn nữa bởi các lễ hội âm nhạc phải dừng lại nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cộng đồng. Những thiệt hại vô cùng to lớn này có thể sẽ khiến một số đơn vị tổ chức sự kiện phải rút khỏi doanh trường do việc kinh doanh phụ thuộc quá nhiều vào doanh thu từ khán giả tham dự.
Không ai biết chắc chắn đến khi nào dịch bệnh sẽ dừng lại, nhưng chúng ta vẫn có niềm hy vọng lớn lao về tương lai tốt đẹp phía trước. Mong rằng tất cả những công ty, đơn vị tổ chức sự kiện và những người làm việc trong ngành công nghiệp âm nhạc sẽ luôn vững lòng tin và cố gắng vượt qua cơn bão khủng hoảng này.
Nguồn: Gideon Waxman - LFLM