Sự điên rồ của trận kinh điển nước Anh qua lời kể của cựu danh thủ Man Utd

Dương Quảng, Theo Trí Thức Trẻ 13:50 14/10/2017
Chia sẻ

Đó đã từng một là trận đấu kinh điển, với rất nhiều chi tiết điên rồ diễn ra xoay quanh cặp đấu. Nhưng từ rất lâu rồi, các trận đấu giữa Liverpool và Man Utd không giữ được sức nóng vốn có của nó.

Tháng 09/1999, Mickael Silvestre cập bến Old Trafford với giá 4 triệu bảng từ Inter Milan. Và trung vệ người Pháp sẽ không bao giờ quên "tốc độ ánh sáng" của vụ chuyển nhượng ấy.

Anh đặt chân xuống sân bay quốc tế vào đêm thứ năm, tới gặp David Gill vào buổi sáng thứ sáu để ký hợp đồng và ngay sau đó xỏ giày ra sân tập. Chiều hôm đó, Silvestre lên xe buýt cùng các đồng đội mới tới Anfield. Sáng hôm sau, anh có tên trong đội hình xuất phát.

Sir Alex không nói gì nhiều với Silvestre, ngoại trừ thông báo tình hình bão chấn thương nghiêm trọng ở Carrington. "Tôi đã xem cậu đá trung vệ ở tuyển Pháp, nhưng Dennis Irwin chấn thương rồi nên hôm nay cậu chơi hậu vệ trái nhé" - chỉ thị chuyên môn duy nhất của Sir Alex dành cho Silvestre.

Sự điên rồ của trận kinh điển nước Anh qua lời kể của cựu danh thủ Man Utd - Ảnh 1.

"Ok, tôi ổn. Biết nói gì đây. Ngày ấy còn không có công nghệ băng hình nên tôi cứ thế xách giày ra sân và chiến Liverpool thôi", Silvestre không thể nào quên về ký ức đầu tiên ở Premier League.

Và diễn biến trên sân cũng điên rồ hệt như quá trình chuẩn bị trước trận. Carragher phản lưới nhà tới 2 lần, còn Man Utd kết liễu số phận Liverpool bằng một tình huống phản công khởi xướng bằng cú đánh đầu phá bóng của… Silvestre.

Đó là những ngày hoàng kim của trận siêu kinh điển nước Anh, khi người ta luôn biết rằng đang đón chờ những giá trị điên rồ khi theo dõi trận đấu ấy. Tính từ khi giải Ngoại hạng ra đời dưới tên gọi mới vào năm 1992, hai đội đã gặp nhau 15 lần (tính tới chiến thắng 3-2 năm 1999 của Man Utd). Trong 15 lần, có tới 5 lần mỗi đội ghi được từ 2 bàn thắng trở lên. Những bữa tiệc bóng đá thực thụ là lý do khiến cặp đấu này được NHM quan tâm tới vậy.

Sự điên rồ của trận kinh điển nước Anh qua lời kể của cựu danh thủ Man Utd - Ảnh 2.

Nhưng những đặc tính tiêu biểu nhất của cặp Liverpool - Man Utd đã biến mất, kể từ sau cái ngày tháng 9 điên rồ kia. Chỉ 1/35 cuộc đối đầu giữa hai đội tính từ thời điểm kết thúc với kịch bản, mỗi đội ghi được nhiều hơn 2 bàn. Đó là thắng lợi 3-2 của Man Utd hồi 2010, với cú hat-trick của Dimitar Berbatov.

Lượng bàn thắng trung bình của trận El Clasico trong giai đoạn 1992-1999 là 3,1 bàn/trận. Từ năm 2000, chỉ số này giảm xuống còn 2,3 bàn/trận.

"Các cầu thủ là những người quyết định cuộc chơi. Ngày nay, họ đã tiết chế cảm xúc xuống tối đa. Họ chăm xem băng hình, có chế độ chăm sóc riêng và thận trọng hơn nhiều lần. Trò chơi buộc phải thích ứng theo tập quán mới của cầu thủ. Mặt khác, do thể lực thường xuyên ở trong trạng thái bị vắt kiệt và có quá ít thời gian để tái tạo năng lượng nên họ sẽ đá theo nhịp, không bùng nổ trong suốt 90 phút được", Silvestre nhận định.

Sự điên rồ của trận kinh điển nước Anh qua lời kể của cựu danh thủ Man Utd - Ảnh 3.

Với sự phát triển của các ngành dịch vụ ăn theo, bóng đá đã trở thành ngành công nghiệp thực thụ. Để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của khán giả, các nhà quản lý ở Premier League đã mở rộng quy mô giải đấu. Người ta tính ra, một cầu thủ ở Ngoại hạng Anh cứ 3,4 ngày lại phải xỏ giày ra sân tham gia một trận đấu, trong khi chỉ số này ở Bundesliga, La Liga và Serie A đều lớn hơn 5.

"Tôi rất nhớ những trận đấu gặp Liverpool ngày xưa. Chết tiệt, cả 22 thằng đàn ông trên sân đều chăm chỉ đến phát sợ", Roy Keane nhớ lại những ký ức xưa.

Gần như chắc chắn, trận đấu giữa Liverpool và Man Utd trong khuôn khổ vòng 8 Premier League tới đây sẽ diễn ra với một kịch bản quen thuộc: Ít bàn thắng và có phần tẻ nhạt, đặc biệt với tín đồ của bóng đá tấn công. Nhất là khi, ngồi trên ghế chỉ đạo của Man Utd là Mourinho, một chuyên gia phòng ngự.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày