Startup của quán quân Đường lên đỉnh Olympia chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu

Hà Duy, Theo Trí Thức Trẻ 15:26 10/04/2018

Chung kết VietChallenge 2018 vừa được diễn ra tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với chiến thắng thuộc về 3 chàng trai đến từ đội VIoT - startup cung cấp giải pháp đường phố thông minh tương tác với các công nghệ truyền thông khác nhau và các nền tảng Internet vạn vật.

Cuối tuần qua, vòng chung kết cuộc thi VietChallenge 2018 đã diễn ra tại hội trường Wong của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Vòng chung kết của Cuộc thi năm nay thu hút gần 300 khán giả và khách mời, đến chứng kiến 6 đội thi tranh tài với tổng giải thưởng lên đến 50.000 USD.

VietChallenge là cuộc thi khởi nghiệp thường niên dành cho người Việt trên toàn thế giới. Cuộc thi được tổ chức bởi Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ. Vòng chung kết của cuộc thi diễn ra tại Học viện Công nghệ Massachusetts với tổng giải thưởng lên tới $50.000.

Sau gần 4 tiếng đồng hồ tranh tài căng thẳng và kịch tính, đội VIoT đã giành chiến thắng chung cuộc trước các đối thủ rất cân tài cân sức Takiu, Elight, FoodAR, Urban Harvest và VDEs. 

Sản phẩm dự thi của VIoT là ứng dụng công nghệ Internet of Things vào các lĩnh vực phát triển đô thị, nông nghiệp và công nghiệp. Những thiết bị này luôn được kết nối với nguồn dữ liệu chủ, giúp giải quyết những vấn đề hy hữu về công nghệ thông tin.

Startup của quán quân Đường lên đỉnh Olympia chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu - Ảnh 1.

Viot giành chiến thắng chung cuộc với giải thưởng lên đến 570 triệu đồng

Startup của quán quân Đường lên đỉnh Olympia chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu - Ảnh 2.

Viot được thành lập bởi Chairman/CEO Nguyễn Bách Việt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành quản lí mạng, co-founder và CTO Lê Vũ Hoàng - quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2005 - là một trong những tiến sĩ trẻ tuổi nhất tại Úc và giành nhiều giải thưởng quốc tế về Robot và internet vạn vật (internet of things) cùng đội ngũ điều hành dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực internet vạn vật (IoT).

Ba chàng trai đến từ đội VIoT sẽ mang về 25.000 USD tiền mặt, tương đương khoảng 570 triệu đồng. 

Á quân là đội VDEs - mô hình kết nối người tổ chức sự kiện với trung tâm địa điểm tổ chức sự kiện nhận giải thưởng $5.000. 

Đồng giải ba với giải thưởng $2.000 mỗi đội là nhóm Takiu với sản phẩm đồ chơi thông minh cho trẻ em; nhóm Elight với mô hình giáo dục Tiếng Anh trực tuyến; nhóm Urban Harvest với mô hình tận dụng đất đai đô thị để phát triển nông nghiệp xanh; và nhóm FoodAR với ý tưởng ứng dụng công nghệ Augmented Reality để thay đổi cách thức các nhà hàng tiếp thị món ăn và giúp đỡ khách hàng lựa chọn hợp lý.

Startup của quán quân Đường lên đỉnh Olympia chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu - Ảnh 3.

VietChallenge 2018 thu hút 201 hồ sơ dự thi đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ

 

Cuộc thi năm nay đã thu hút số lượng đơn đăng kí dự thi kỉ lục với 201 hồ sơ dự thi đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.

6 đội thi lọt vào chung kết VietChallenge 2018 bao gồm:

1. VIoT (công ty tại Melbourne, Úc): VIoT cung cấp giải pháp đường phố thông minh tương tác với các công nghệ truyền thông khác nhau và các nền tảng Internet vạn vật cho các lĩnh vực như đô thị, nông nghiệp và nhà máy.

2. FoodAR (công ty tại New York, Mỹ): Xây dựng một nền tảng công nghệ dựa trên Thực tế Tăng cường (Augmented Reality) để thay đổi cách thức các nhà hàng tiếp thị món ăn và giúp đỡ khách hàng đưa ra lựa chọn trước và ngay tại địa điểm đó.

3. Takiu (công ty tại New York, Mỹ): Takiu là đồ chơi thông minh giúp trẻ nhỏ không chỉ giải trí và học tập. Takiu còn giúp các em kết nối với người thân của mình mà không cần dùng tới điện thoại hoặc máy tính bảng

4. Elight Education (công ty tại Hà Nội, Việt Nam): Elight là mô hình học tiếng Anh tiên tiến được xây dựng trên phát triển nền tảng Từ Vựng - Ngữ Pháp -Giao Tiếp.

5. VDEs (công ty tại Sài Gòn, Việt Nam): VDEs giúp người tổ chức sự kiện tìm các địa điểm tổ chức một cách thuận tiện và dễ dàng hơn. Người dùng có thể so sánh, chọn và đặt tất cả các địa điểm tổ chức dựa trên từng nhu cầu cụ thể, mà không cần tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc (đội về nhì)

6. Urban Harvest (công ty tại Boston, Mỹ): Urban Harvest tối ưu hoá nhưng nguồn đất đô thị chưa được sử dụng ở khu vực Boston để trồng những loại rau xanh mini mà lại mang tới giá trị dinh dưỡng cao.