Theo BV Nhi Trung ương, thực tế hiện nay cho thấy mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bất kể giới tính, độ tuổi hay hoàn cảnh sống. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn thủ phạm là nam giới và đa số các vụ xâm hại xảy ra bởi người quen biết với nạn nhân, như họ hàng, bạn bè của gia đình, hàng xóm, thậm chí là người thân ruột thịt.
Thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 2.498 vụ xâm hại trẻ em. Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2024, đã tiếp nhận và điều trị cho 66 trẻ bị xâm hại; trong đó, 65,1% là xâm hại thân thể, 28,8% là xâm hại tình dục và 6,1% do bị bỏ mặc.
“Sờ mó” không phải cách duy nhất một đứa trẻ có thể bị xâm hại tình dục. Xâm hại tình dục bao gồm các hành động như: vuốt ve, kích thích cơ quan sinh dục, thủ dâm cho nhau, quan hệ tình dục bằng miệng, dùng ngón tay, dương vật hay vật dụng để đưa vào âm đạo/trực tràng, ngôn ngữ tình dục không phù hợp, quấy rối tình dục, nhìn trộm, phô bày bộ phận sinh dục cũng như để trẻ tiếp xúc hoặc tham gia vào hành động khiêu dâm hoặc mại dâm.
Cả nước ghi nhận 2.498 vụ xâm hại trẻ em
Đối tượng có thể lôi kéo trẻ vào hành động tình dục thông qua đe dọa, hối lộ, dùng vũ lực, xuyên tạc hay các hình thức ép buộc khác. Xâm hại tình dục thường gồm những tương tác tình dục bị áp đặt từ từ. Trong đa số trường hợp, can phạm là người mà trẻ biết rất rõ, được trẻ và/hoặc gia đình trẻ tin tưởng.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất khi trẻ bị xâm hại là không dám kể lại sự việc vì sợ hãi, mặc cảm hoặc bị đe dọa. Trẻ thường phải âm thầm chịu đựng trong nỗi đau tinh thần kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Đặc biệt hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thường để lại hậu quả nặng nề cả về thể chất lẫn tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy những tổn thương do xâm hại có thể gây ảnh hưởng đến não bộ, làm suy giảm khả năng tư duy, học tập và phát triển kỹ năng xã hội. Trẻ bị xâm hại có nguy cơ cao mắc các vấn đề như thương tật lâu dài, trầm cảm, rối loạn tâm lý, khó khăn trong giao tiếp và thiết lập các mối quan hệ. Về lâu dài, những tổn thương này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của trẻ mà còn gây ra hệ lụy cho xã hội, từ suy giảm chất lượng nguồn nhân lực đến gia tăng chi phí trong y tế, pháp lý và an sinh xã hội.
Chính vì vậy, việc phòng ngừa và bảo vệ trẻ em bị xâm hại đòi hỏi sự quan tâm sát sao từ gia đình.
Trẻ tiết lộ bị xâm hại thế nào và khi nào?
Một số trẻ nói ra ngay sau khi bị xâm hại, tuy nhiên, nhiều trẻ không làm như vậy. Thường các bé sẽ đợi một quãng thời gian không xác định trước khi nói ra.
Một số trẻ còn quá nhỏ để hiểu rằng những gì đã diễn ra với bé là sai và có thể không biết để nói ra. Trẻ chưa biết nói và trẻ tàn tật có thể không đủ khả năng truyền đạt những gì đã xảy ra hoặc thể hiện việc bé cần giúp đỡ.
Trẻ nhỏ có thể không đủ khả năng tiết lộ rõ ràng về những gì đã xảy ra, vì bé còn chưa hiểu về thời gian, gặp khó khăn trong giải thích trình tự diễn tiến của sự việc và vẫn đang phát triển các kỹ năng ghi nhớ.
Đôi khi, trẻ nghĩ mình đã nói ra nhưng không ai lắng nghe (ví dụ: “Con không muốn đến nhà bác X. nữa”).
Trẻ nhỏ thường chỉ tiết lộ một cách tình cờ. Bạn có thể nghi ngờ chuyện gì đó đã xảy ra với bé dựa vào:
– Những gì bạn nhìn thấy hay nghe thấy trong khi chơi.
– Những thay đổi trong hành vi của bé.
– Nghe lỏm điều gì đó mà con kể cho bạn bè.
– Những câu hỏi/lời bình luận thể hiện nỗi sợ hay hay lo lắng đặc biệt.
Trẻ bị xâm hại sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về thể chất và tinh thần, thậm chí ám ảnh suốt cả đời
Thanh thiếu niên thường chủ động tiết lộ bằng cách nói về sự xâm hại hay yêu cầu giúp đỡ. Một số thanh thiếu niên có thể bắt đầu bằng cách kể một chút và theo dõi phản ứng của người nghe. Sau đó, nếu cảm thấy tin tưởng, an toàn và được hỗ trợ, trẻ sẽ tiết lộ tiếp.
Các dấu hiệu có thể chỉ điểm cho xâm hại tình dục
Một số trẻ có thể có các biểu hiện, triệu chứng hay những gợi ý khiến bạn nghi ngờ xâm hại tình dục đã xảy ra. Những biểu hiện này được gọi là các dấu hiệu chỉ điểm. Dấu hiệu chỉ điểm có thể thuộc về thể chất, hành vi hay cảm xúc.
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu chỉ điểm nào, bạn đừng vội kết luận rằng điều đó đồng nghĩa với việc con bạn bị xâm hại tình dục. Một số dấu hiệu chỉ điểm có thể liên quan tới một chuyện gì khác, ví dụ trong gia đình có người qua đời hoặc bố mẹ chia tay. Nếu lo ngại con có thể bị xâm hại tình dục, hãy liên hệ với các chuyên gia để trình bày lo ngại của bạn.
Các dấu hiệu thể chất có thể chỉ điểm cho xâm hại tình dục
– Chấn thương không thể giải thích ở ngực, vùng sinh dục hay hậu môn.
– Quần áo giây máu.
– Máu trong nước tiểu hoặc trong phân.
– Trẻ kêu đau ở vùng sinh dục và hậu môn.
– Ngứa bất thường hoặc quá mức ở vùng sinh dục và hậu môn.
– Đau khi ngồi hoặc đi.
– Nhiễm trùng lây truyền đường tình dục.
– Mang thai.
Các dấu hiệu cảm xúc có thể chỉ điểm cho xâm hại tình dục
– Hiểu biết hay ý thức về tình dục nhiều hơn so với lứa tuổi và giai đoạn phát triển.
– Hành vi thoái lui (hành vi hay xảy ra hơn khi trẻ còn bé, ví dụ mút ngón tay, đái dầm).
– Hành vi tình dục với các trẻ khác, đi kèm cưỡng ép hay giấu giếm.
– Bắt chước hành vi tình dục của người lớn.
– Rối loạn giấc ngủ (ví dụ ác mộng).
– Viết hoặc vẽ về xâm hại tình dục.
– Những thay đổi tâm trạng không thể giải thích (ví dụ trở nên khép kín hay cộc tính).
– Sợ bất thường về sự thân mật hay gần gũi.
Cha mẹ có thể nhận biết con đã bị xâm hại tình dục từ những dấu hiệu về thể chất và cảm xúc
– Sợ bất thường về một số người với những đặc điểm nhất định (ví dụ có giọng trầm).
– Sợ đi tới một nơi quen thuộc.
– Thay đổi bất ngờ về hành vi ăn uống (ví dụ tăng cân hay giảm cân đột ngột).
– Thay đổi kết quả học tập ở trường.
– Sự chậm trễ trong phát triển (ví dụ không tiến bộ về phát triển ngôn ngữ hay vận động như mong chờ).
– Các biểu hiện của rối loạn stress sau chấn thương (các biểu hiện liên quan tới một sự kiện gây chấn thương nhưng không bị mất đi sau đó, ví dụ các cảnh hồi tưởng – là ký ức khiến trẻ cảm giác như đang quay trở lại tình huống cũ. Đi kèm cảnh hồi tưởng còn có các dấu hiệu lo lắng, sợ hãi, đánh trống ngực và các biểu hiện khác của stress).
– Than phiền thể lực (ví dụ đau đầu hay đau dạ dày).
– Bỏ nhà ra đi.
– Có ý nghĩ hoặc tìm cách tự tử.
– Có hành vị tự hủy hoại (ví dụ uống rượu hoặc dùng/lạm dụng ma túy, cắt cơ thể, mại dâm).
Giúp trẻ và gia đình đối phó với việc tiết lộ hành vi xâm phạm
Một số phản ứng cha mẹ có thể gặp khi đối diện với thực tế con đã bị xâm hại: Phủ nhận hoặc không tin chuyện xâm hại, tức giận, sợ hãi, cảm giác tội lỗi, bối rối, ân hận.
Việc phát hiện con có thể bị xâm hại tình dục có thể khiến bạn hết sức buồn phiền. Tìm ra kẻ có thể đã xâm hại tình dục con mình có thể khiến bạn cảm thấy hết sức nặng nề.
Bạn có thể thấy mâu thuẫn, bối rối khi bị can là ai đó mà bạn và/hoặc con yêu thương, tôn trọng, tin tưởng. Điều này khiến bạn hụt hẫng và có thể ảnh hưởng tới khả năng giúp con bạn và các thành viên khác trong gia đình. Lúc này, chính cha mẹ cũng cần nhận được sự tư vấn, trợ giúp.
Cha mẹ hãy:
- Giảm thiểu những xáo trộn trong nếp sinh hoạt của gia đình. Đây có thể là một giai đoạn khó khăn cho bạn và gia đình. Hãy cố gắng duy trì nếp sinh hoạt thường kỳ, tránh tạo quá nhiều trải nghiệm và thách thức mới cũng như sự chia cách không cần thiết với con.
- Giúp anh chị em của bé hiểu chuyện gì đang xảy ra: Những đứa trẻ khác trong gia đình có thể cảm thấy bối rối, sợ hãi vì những gì đang xảy ra, hoặc cảm thấy tội lỗi vì không bảo vệ được anh chị em mình. Hãy để các con thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình. Có thể các con cũng có vấn đề muốn bàn luận.
- Chấp nhận rằng con bạn có thể thoái lui: Bé có thể có những cảm xúc và hành vi ngoài tầm kiểm soát hay “kiểu trẻ con”. Hãy trấn an con rằng những chuyện tương tự vẫn thường xảy ra sau loại biến cố này. Hãy cho con biết rằng, cùng với thời gian và sự giúp đỡ, con sẽ trở lại như xưa. Hiện tại, có thể bạn cần theo dõi con sát sao hơn, đặt ra các giới hạn rõ ràng cho sự thoái lui hay hành vi đáng lo ngại của con.
- Giúp con cảm thấy an toàn khi đi ngủ: Một số trẻ có thể cần được an ủi vỗ về ban đêm và giúp tìm ra cách đối phó với nỗi sợ khi đi ngủ. Bé có thể cho bạn biết những điều mình cần (ví dụ để đèn đêm hay mở cửa phòng ngủ). Cố gắng hạn chế những điều gợi cho trẻ nhớ về những gì đã xảy ra. Ví dụ, nếu xâm hại xảy ra tại phòng ngủ của con, hãy xắp xếp lại đồ đạc hay đổi con sang phòng khác. Bạn có thể hỏi các chuyên gia tư vấn để tìm ý tưởng.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người mà bạn tin tưởng: Vào lúc này, với tư cách một phụ huynh, bạn có thể tự hỏi liệu mình có thể phán xét những người khác, liệu thế giới này còn an toàn? Bạn có thể tức giận. Có thể có những lúc bạn muốn bỏ trốn hay trả thù kẻ đã xâm hại con mình. Tất cả những cảm xúc này đều có thể xảy ra. Tự trách mình có thể làm ảnh hưởng tới khả năng hỗ trợ và chăm sóc con. Điều quan trọng lúc này là tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người mà bạn tin tưởng, cho con và cho chính bạn.
Đừng để trẻ cô đơn, cảm thấy bị bỏ rơi trong chính gia đình
- Trao đổi với chuyên gia: Bạn có thể có phản ứng tương tự như con. Bạn có thể thấy mình suy tư về việc xâm hại và tự hỏi vì sao điều này lại xảy ra. Tiếp cận các nguồn lực xã hội thích hợp có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề cảm xúc, pháp lý, an toàn. Có thể bạn sẽ muốn trao đổi với bác sĩ nhi của con về cáo buộc xâm hại. Con bạn có thể cần được trấn an nếu có lo lắng về sức khỏe, sự phát triển, đời sống tình dục.
- Cân nhắc cách bạn thể hiện cảm xúc: Khi trò chuyện với trẻ, hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Nhớ rằng việc xem thường hay trầm trọng hóa vấn đề, hoăc thể hiện những cảm xúc quá mạnh (ví dụ đe dọa bị can) đều có thể khiến bé cảm thấy nặng nề hoặc hoảng sợ. Bạn có thể bày tỏ sự buồn rầu, nhưng cần đảm bảo là bé biết bạn không buồn vì bé.
- Giúp con hiểu rằng con không cần lo lắng cho bạn: Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có thể không hiểu điều gì sẽ xảy ra sau khi mình tiết lộ chuyện xâm hại tình dục. Trẻ có thể ngạc nhiên và bối rối về cách phản ứng của người lớn. Nếu có cảm giác cha mẹ không đủ khả năng đối phó, con có thể tự cảm thấy phải chăm sóc bạn, và do đó khó nhận sự hỗ trợ từ bạn hơn. Hãy để con biết rằng bạn có người để chia sẻ, và nhiệm vụ của bạn là chăm sóc con.
- Ghi nhật ký về những thay đổi: Ghi nhật ký có thể giúp bạn nhận ra những thay đổi trong hành vi của bé. Điều này cũng có thể giúp bạn kiểm soát cách con xử sự ở nhà, ở trường và với bạn bè.
Việc ghi chép những lời nói của trẻ về xâm hại và những quan sát của bạn về các thay đổi hành vi hay sự xuất hiện những hành vi mới sẽ giúp ích nhiều cho công tác điều tra. Ngoài ra, nhật ký cũng có thể là công cụ giá trị trong quá trình điều trị. Nhật ký cũng giúp bạn bày tỏ cảm xúc của mình ở một nơi kín đáo,
- Duy trì một số hoạt động vui vẻ: Các chuyến đi chơi và các hoạt động vui vẻ của gia đình mà bé yêu thích sẽ giúp giảm căng thẳng cho tất cả mọi người.
Theo BV Nhi Trung ương