"Em có con gái năm nay 16 tuổi. Bình thường cháu tự lập, cá tính. Nhưng giờ đây, mỗi khi mẹ khuyên điều gì không đúng ý là con gào lên: 'Mẹ ra khỏi phòng con đi'. Có lúc em tức quá mắng lại, rồi đêm đến lại khóc, thấy mình trượt mất thiên chức làm mẹ…".
Đó là những dòng tâm sự chạm đến trái tim nhiều người, đến từ một người mẹ đơn thân ở TP.HCM, từng gửi con gái đi du học từ năm 9 tuổi. Chị không giấu được sự day dứt khi nhắc về quá khứ: Vì hoàn cảnh, vì mong con có tương lai tốt hơn, chị chấp nhận để con sớm xa vòng tay mẹ. Giờ đây, khi con gái đã lớn, cá tính mạnh mẽ và thấm đẫm văn hoá phương Tây, chị lại bất lực khi mọi nỗ lực dạy dỗ đều bị con gạt phăng.
Những dòng tâm sự chạm đến trái tim nhiều người, đến từ một người mẹ đơn thân từng gửi con gái đi du học từ năm 9 tuổi.
Chị kể, con gái thường phản ứng dữ dội mỗi khi được nhắc nhở về sức khỏe, chuyện yêu đương, hay sự tôn trọng dành cho mẹ. Mọi lời khuyên không vừa tai đều trở thành "đòn chọc giận", khiến cô bé hét lên, đóng sập cửa, thậm chí từng có hành vi tự tổn thương bản thân khi tức giận.
Dù đã tìm đến tư vấn tâm lý ở nước ngoài, nhưng tình hình chỉ cải thiện đôi chút. Giữa những cơn bão cảm xúc, người mẹ ấy từng bật khóc, nhắn tin cho con: Mẹ sẽ để con sống theo cách con muốn, và mẹ sẽ không tham gia vào cuộc sống của con nữa.
"Lỗi do em khi cho con đi du học quá sớm, để khi con cần mẹ mẹ lại bỏ con cho người phương Tây. Vì đây là lỗi của em nên em đã khóc và xin lỗi con rất nhiều âm thầm bù đắp cho con. Vì cũng có cháu là làm mẹ lần đầu không tránh khỏi những sai phạm khi quyết định , lại là mẹ đơn thân nữa nên em thật sự cũng không biết làm sao", chị day dứt.
Ngày càng nhiều gia đình Việt chọn cho con đi du học từ cấp 2, thậm chí tiểu học, với kỳ vọng rằng môi trường giáo dục tiên tiến sẽ mở ra một tương lai rạng rỡ. Nhưng phía sau ánh hào quang của những tấm bằng quốc tế, không ít cha mẹ đang âm thầm trả giá bằng nỗi cô đơn, bất lực khi không còn tìm thấy chính mình trong cuộc đời của con.
Người mẹ trên không phải là trường hợp cá biệt. Trong các hội nhóm phụ huynh có con du học, những chia sẻ đầy tổn thương như vậy không hiếm: Con trở nên xa cách, khép kín, hoặc cực đoan; cha mẹ không biết cách "vào" thế giới của con; những lời khuyên chân thành lại bị xem là can thiệp, áp đặt.
Lý do không chỉ nằm ở tuổi dậy thì, độ tuổi vốn đã khó kiểm soát. Mà còn vì sự chênh lệch quá lớn giữa văn hóa gia đình và môi trường sống, học tập mà đứa trẻ đã tiếp xúc từ nhỏ. Ở một góc độ nào đó, cha mẹ và con cái như sống ở hai thế giới khác nhau, dùng hai bộ từ điển để định nghĩa "đúng", "sai", "tôn trọng" hay "tự do".
Trẻ đi du học từ nhỏ phải đối mặt với sự cô lập, áp lực hòa nhập, và thiếu sự đồng hành tinh thần từ gia đình. Nếu cha mẹ không kịp thời "chuyển vai" từ người dạy sang người hiểu, mối quan hệ sẽ dễ gãy đổ, để lại khoảng trống tình cảm khó bù đắp.
Nhiều người cũng cho rằng, tuổi lên 9 là thời điểm trẻ còn đang trong giai đoạn hình thành bản sắc cá nhân, khả năng kiểm soát cảm xúc và niềm tin về sự gắn kết gia đình. Việc xa cha mẹ lâu dài vào thời điểm này thường để lại những lỗ hổng lớn về tâm lý, đặc biệt là tổn thương về cảm giác bị bỏ rơi và khó khăn trong phát triển kỹ năng gắn kết xã hội sau này.
Khi trẻ đang rất cần sự gần gũi, che chở của cha mẹ, việc xa cách kéo dài có thể khiến con dần lạnh nhạt về mặt cảm xúc, mất niềm tin vào vai trò của gia đình trong cuộc đời mình. Trẻ chưa đủ năng lực nhận biết và phân tích hai nền văn hóa (Á - Âu), dẫn đến hấp thụ đơn chiều và hình thành tư duy "phản kháng ngược" khi bị cha mẹ nhắc nhở bằng tiêu chuẩn Á Đông sau này.
Tuy nhiên, nếu chẳng may đã có quyết định đó, như bà mẹ nói trên, tthì đừng tự trách nữa mà hãy dành phần đời còn lại để kết nối, thấu hiểu, và làm lại. Vì con cái, dù nổi loạn thế nào, trong sâu thẳm vẫn là đứa trẻ cần được yêu thương và chấp nhận.
Ảnh minh hoạ
Một người mẹ có hai con gái du học từ năm 13 và 15 tuổi chia sẻ: "Tôi từng rơi vào trạng thái giống bạn ấy, thấy con như biến thành người khác, thấy mình thất bại. Nhưng sau này tôi mới hiểu: con đang phát triển theo cách riêng, không đúng sai. Vấn đề là mình chưa hiểu được thế giới mà con đang sống".
Một phụ huynh khác thì nhắn nhủ đầy cảm thông:
"Con bạn rất tuyệt vời: Tự lập, cá tính, học hành tốt. Có thể con sống thoáng theo kiểu phương Tây thì hãy cứ để con được là chính mình. Thay vì cấm đoán, hãy chỉ nói với con rằng: yêu ai cũng được, nhưng hãy biết tự bảo vệ mình chứ đừng lấy cách nhìn của mẹ áp đặt lên con nữa. Con có 10 bạn trai cũng được, nhưng bảo con là 1 lúc yêu 1 người thôi. Con thích lên giường cũng được, nhưng bắt buộc dùng biện pháp bảo vệ, không được để có thai. Cho con tự do, giờ mình đã không quản được thì chỉ động viên, khen ngợi, cố gắng làm bạn với con, sai lầm rồi con tự học được bài học thôi".
Một số cha mẹ thì chia sẻ biện pháp cụ thể để kết nối lại với con: Mỗi ngày viết cho con một tin nhắn nhỏ chứa lời yêu thương. Ban đầu con có thể phớt lờ, thậm chí vứt đi. Nhưng khi tình cảm được nuôi dưỡng bằng sự kiên trì, nhẹ nhàng, thì rồi một ngày nào đó trái tim con sẽ mở ra.
Chuyển vai từ "người mẹ dạy dỗ" sang "người mẹ đồng hành" không hề dễ. Bởi nó đòi hỏi cha mẹ phải từ bỏ thói quen kiểm soát, dẹp bớt nhu cầu được nghe lời, và học cách lắng nghe cả những điều… khó nghe nhất.
Có người mẹ chia sẻ: "Tôi từng nói với con rằng: Mẹ có thể sai, và mẹ xin lỗi nếu từng cư xử không đúng. Nhưng mẹ cũng mong con tôn trọng mẹ. Nếu con thấy mẹ thiếu tôn trọng con, hãy nói thẳng để mẹ biết. Còn mẹ cũng sẽ góp ý khi thấy con thiếu tôn trọng mẹ".
Ở một giai đoạn mà con đang loay hoay xác định danh tính cá nhân, khẳng định cái tôi, những mệnh lệnh dù mang ý tốt, thường chỉ gây ra phản kháng. Điều con cần nhất không phải là lời khuyên, mà là cảm giác được thấu hiểu.
Điều quan trọng lúc này không phải là "sửa" con, mà là sửa lại kỳ vọng của chính mình. Khi đã gửi con đi sớm, khi con lớn lên trong môi trường rất khác, thì thứ cha mẹ cần học không phải là phương pháp giáo dục nào cao siêu mà là học lại cách yêu con từ đầu.
Có thể, người mẹ này đã trượt mất một giai đoạn để làm mẹ nhưng chị vẫn còn rất nhiều thời gian để làm bạn. Mỗi ngày, chỉ cần chọn kiên nhẫn hơn, nhẹ nhàng hơn, bao dung hơn thì dần dần, cánh cửa trái tim con sẽ lại hé mở.
Không có cơn giông nào kéo dài mãi. Sẽ đến lúc, cô bé 16 tuổi ấy ngoái đầu lại và hiểu mẹ đã yêu mình ra sao trong những năm tháng không ai hiểu được ai.