Louis van Gaal: Từ hero đến zero

NCT, Theo Trí Thức Trẻ 16:00 26/12/2015

Từ một chiến lược gia được trọng vọng trong những ngày tháng đầu đặt chân đến Old Trafford, giờ đây Louis van Gaal đang phải hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của người hâm mộ Man Utd.

Mùa giải 2014/2015, Louis van Gaal xuất hiện tại M.U như tư cách của một “lính cứu hỏa” khi nhiệm vụ chính của ông là xây dựng lại CLB từ đống đổ nát thời hậu David Moyes. Và “Tulip sắt” đã hoàn thành nhiệm vụ khi đưa Quỷ đỏ trở lại top 4 và tham dự Champions League. 

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi 180 độ khi đoàn quân Đỏ của thành Manchester thi đấu không tốt trong mùa này, thậm chí, họ bị loại khỏi Champions League từ vòng bảng còn HLV người Hà Lan thì đối mặt với kết cục bị sa thải. Vậy nguyên nhân từ đâu đã biến Louis van Gaal từ vị thế của người hùng – hero – đến tâm thế của một kẻ thất bại – zero?

1. Van Gaal cũng là một dấu hỏi

Louis van Gaal đang là một bí ẩn lớn được bao bọc trong vô số câu hỏi. Trước khi đến M.U, Van Gaal sở hữu bản CV đẹp lộng lẫy với những chiến tích lẫy lừng ở AZ Alkmaar, Ajax Amsterdam, Barcelona và Bayern Munich. 

Nhờ công của Van Gaal, một thế hệ danh thủ lừng lẫy của bóng đá Hà Lan đã được khai quật, ông đã cùng Edgar Davis, Clarence Seedorf, Patrick Kluivert lên đỉnh châu Âu năm 1995. Bởi vậy, nhiều người đã tạm an tâm khi thấy Van Gaal được bổ nhiệm tại M.U bởi họ tin rằng cái tài cầm quân cũng như đào tạo trẻ của ông thầy Hà Lan có thể giúp được Quỷ đỏ.

Nhưng giờ đây, những phẩm chất tốt đẹp nhất của vị chiến lược gia 64 tuổi đã bị đánh mất. Đội hình ra sân của M.U luôn bị lựa chọn một cách thiếu nhất quán và có phần lộn xộn. Thậm chí, với cương vị của một vị thuyền trưởng nhưng ông lại khuyên bảo các CĐV hãy quên đi quá khứ vàng son và hào hùng của Quỷ đỏ. 

Hãy nhìn qua 13 bản HĐ mà Van Gaal đã đem về sân Old Trafford: Daley Blind, Bastian Schweinsteiger, Morgan Schneiderlin, Sergio Romero, Ángel Di María, Radamel Falcao (cho mượn), Marcos Rojo, Víctor Valdés, Ander Herrera, Matteo Darmian, Memphis Depay, Anthony Martial và Luke Shaw, rất ít trong số họ thể hiện được phong độ cao ở M.U.

2. Phong cách thi đấu

Dưới thời Van Gaal, M.U luôn được áp dụng triết lý kiểm soát bóng tối đa trong suốt trận đấu. Với lối chơi này, các cầu thủ cần phải có kỹ năng tốt, khả năng cầm bóng khéo léo và sáng tạo trong những đường chuyền cuối cùng. Nhưng ngược lại, lối đá này sẽ triệt tiêu tốc độ và sự bất ngờ của các pha lên bóng. 

Và đáng buồn thay, Quỷ đỏ chỉ biết chuyền bóng qua lại trên sân chứ không hề có những nhát dao quyết định để phá hủy hàng phòng ngự đối phương. Điều trớ trêu là tiền vệ Angel Di Maria, một trong những cầu thủ sáng tạo nhất hiện nay, thì lại không được Van Gaal trọng dụng và bị đẩy sang PSG.

Cũng bởi lối chơi khác biệt so với bóng đá Anh mà những tiền đạo của Quỷ đỏ liên tục bị tịt ngòi. Wayne Rooney là một ví dụ nhưng đáng tiếc nhất vẫn là trường hợp của tiền đạo Anthony Martial.

3. Chấn thương

Vấn nạn chấn thương liên miên tại United có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ cho sự thất bại của Van Gaal nhưng nó cũng chỉ ra điểm yếu của ông thầy 64 tuổi trong việc xây dựng một đội bóng thực sự có chiều sâu đội hình, dù cho ông đã tiêu cả trăm triệu bảng để mua cầu thủ.

Trước khi chạm trán với Wolfsburg, Van Gaal đã không thể sử dụng Wayne Rooney, Herrera, Shaw, Antonio Valencia, Rojo, Schneiderlin, Phil Jones và Paddy McNair vì lý do chấn thương. Những cái tên trẻ như Guilermo Varela, Cameron Borthwick-Jackson hay Nick Powell có thể là những ngôi sao đầy tiềm năng nhưng họ không thể đùng một phát tỏa sáng thành sao, bởi thế, việc Van Gaal điên cuồng điền tên họ vào thi đấu trong trận cầu sống còn ở Champions League cho thấy ông đã thực sự bất lực.

4. Thị trường chuyển nhượng

Trong triều đại của mình, Van Gaal đã tiêu hớn hơn 250 triệu bảng của M.U chỉ để mua sắm cầu thủ nhưng có vẻ như các thương vụ của ông chưa thực sự thuyết phục. Để thay thế Michael Carrick đã luống tuổi ở giữa sân, Van Gaal đem về Bastian Schweinsteiger đã 31 tuổi. Để tạo ra lá chắn thép cho hàng thủ, Van Gaal mua về Marcos Rojo, người được ông đề cao với lối chơi mạnh mẽ, nhưng tiếc thay, cũng giống Phil Jones, trung vệ này cũng thường xuyên làm bạn với các bác sĩ nhiều hơn là thi đấu.

Nhưng không có gì có thể gây bức xúc bằng chính sách tuyển mộ tiền đạo của Louis van Gaal. “Tulip sắt” có những xích mích cá nhân với Robin van Persie và ông đã thẳng thừng đẩy tiền đạo này sang Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù với bản lĩnh và kinh nghiệm của mình, RvP có thể giúp Quỷ đỏ ít nhất thêm 1 mùa giải nữa. 

“Hạt đậu nhỏ” Chicharito bị Van Gaal chê là không thông minh nhưng tiền đạo Mexico lại đang tỏa sáng rực rỡ ở Bayer Leverkusen. James Wilson được đánh giá là tài năng, là tương lai của Quỷ đỏ nhưng cũng bị thuyền trưởng 64 tuổi đẩy đi cho mượn không thương tiếc. Rốt cục, Van Gaal chỉ mua về Anthony Martial, một tài năng mới 19 tuổi, để cáng đáng của hàng công M.U

5. Sự kỳ vọng từ đội bóng

Không thể phủ nhận rằng được trở thành HLV của United rõ ràng là một vinh dự lớn lao nhưng nó cũng là một gánh nặng rất lớn bởi thuyền trưởng của đội bóng phải gánh chịu nhiều sức ép, sự kỳ vọng đến từ NHM, BLĐ và cả truyền thông. 

Với thành công của thế hệ 1992 hay dàn cầu thủ Ronaldo, Rooney,… việc tiếp tục giành các danh hiệu là một nhiệm vụ bắt buộc của các HLV. Ngoài ra, áp lực và kỳ vọng dành cho Louis van Gaal còn khổng lồ hơn khi ông đã tiêu ¼ tỷ bảng Anh vào TTCN. Cũng thật khó chấp nhận nếu bạn chi một đống tiền chỉ để thực hiện mục tiêu lọt vào Top 4 và thi đấu ở Europa League.

6. Sự điều hành từ BLĐ

Mặc dù M.U vẫn có sự hiện diện của David Gill và Sir Alex Ferguson nhưng thực sự quyền điều hành chủ yếu nằm trong tay Ed Woodward. Tuy chỉ mới nằm quyền lực khoảng hơn 2 năm nhưng NHM có thể thấy sự chuyển biến rất lớn trong chính bản thân Ed Woodward, từ một người lơ ngơ trên TTCN khi chỉ mua được mỗi Fellaini mùa Hè năm 2013 đến một con sói già luôn biết gây sốc cho các đối thủ với vô số HĐ bom tấn. 

Nhưng nếu như ngày càng thành công ở phương diện làm ăn thì ông Ed Woodward lại chưa cho thấy cái duyên trong việc tuyển mộ thuyền trưởng cho CLB. Mùa giải 2013/2014 thì vị GĐĐH này thất bại với David Moyes, còn cho đến nay thì Louis van Gaal vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng lớn lao từ CLB. Và nếu ông thầy người Hà Lan vẫn tiếp tục thứ triết lý thảm hại, có lẽ Ed Woodward buộc phải ra tay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày