Sóng nhiệt cực đoan tấn công Nhật Bản, hơn 30.000 người nhập viện

PHƯƠNG ANH, Theo VTC 15:20 24/07/2018
Chia sẻ

Sóng nhiệt khiến hơn 30.000 người nhập viện trên toàn Nhật Bản, trong đó 22.000 người nhập viện trong một tuần - con số cao nhất trong số các số liệu được so sánh từ năm 2008, dữ liệu chính phủ Nhật Bản ngày 24/7 cho biết.

Theo Kyodo, 65 người thiệt mạng tại 28 tỉnh trong 7 ngày vừa qua, bao gồm cả Hiroshima, nơi vừa bị mưa lũ tấn công. Trong khi đó các nơi khác đang phải chịu nắng nóng cao độ.

Trong một tuần, có tới 22.647 người được đưa vào bệnh viện, trong đó Tokyo chiếm con số cao nhất với 1.979 trường hợp. Aichi đứng thứ hai với 1.954 người, sau đó là Osaka với 1.779 người và Saitama với 1.617 người. Tổng cộng từ ngày 9-22/7 có hơn 30.000 người nhập viện.

Sóng nhiệt cực đoan tấn công Nhật Bản, hơn 30.000 người nhập viện - Ảnh 1.

Nhật Bản nóng gay gắt khiến hàng chục nghìn người nhập viện. (Ảnh: Kyodo News)

Con số kỷ lục gần nhất về số người được đưa vào bệnh viện vì sốc nhiệt trong một tuần là 12.064 người trong thời gian từ 27/7 đến 2/8/2015.

Nhật Bản ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 41,1 độ C ngày 23/7 trong khi sóng nhiệt tiếp tục ảnh hưởng đến các khu vực rộng lớn trên cả nước. Nhiệt độ cực đoan khiến cơ quan khí tượng Nhật Bản phải tổ chức họp báo bất thường. “Cái nóng này là một mối đe dọa với cuộc sống của người dân. Chúng tôi coi đây là thảm họa tự nhiên.” – cơ quan khí tượng cho biết, khuyến cáo người dân sử dụng các biện pháp chống sốc nhiệt.

Trong 927 điểm quan sát của cơ quan khí tượng Nhật trên cả nước, 627 điểm – tương đương gần 70% có nhiệt độ trên 30 độ C, 241 điểm đạt nhiệt độ trên 35 độ C.

Nguy cơ sốc nhiệt tăng cao khi nhiệt độ cao hơn 40 độ C ở một số khu vực, khiến ngay cả gió cũng sẽ quá nóng và làm cơ thể tăng nhiệt độ thay vì giảm nhiệt độ, giáo sư Seichi Horia tại Đại học Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết.

Sóng nhiệt đã kéo dài hai tuần ở Nhật Bản ngay sau trận mưa kỷ lục gây lũ lụt và sạt lở đất ở miền Tây nam.

Sóng nhiệt cực đoan là hiện tượng nhiệt độ tăng nhanh bấc thường tại một vùng điạ lí, kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Do một khối không khi nóng di chuyển và không có tác nhân nào trên đường di chuyển đó có thể gây yếu đi. Nhiệt độ tại vùng ảnh hưởng lên đến 40 độ. Sức nóng kéo dài gây nên sự sốc nhiệt cho cả con người, động vật và cả thảm thực vật.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày