Đâu là cái cây cao nhất thế giới?
Nếu hỏi một cách cụ thể hơn là "cây nhiệt đới cao nhất thế giới", thì đáp án thuộc về Menara, một cái cây lừng lững trong rừng nhiệt đới Borneo, thuộc khu bảo tồn Danum Valley tại Sabah (Malaysia).
Menara này thực chất được tìm ra từ năm 2018, bởi các chuyên gia từ ĐH Nottingham (Anh Quốc). Nhưng mới đây, nhóm nghiên cứu từ Oxford mới chính thức xác nhận được kỷ lục bằng drone và mô hình 3D, với chiều cao tổng cộng là 100,7m.
Cái tên "Menara" được đặt có nghĩa là "ngọn tháp" trong tiếng Malaysia, giống như cách nó đứng trong rừng vậy. Theo lời Unding Jami - người có nhiệm vụ trèo lên cây để đo, thì cảm giác trên ngọn cây là "sợ đến tê tái".
Tiến sĩ Doreen Boyd - chuyên gia từ ĐH Nottingham cho biết đây là một phát hiện hết sức quan trọng, vì nó cho thấy "những cái cây khổng lồ này thực sự tồn tại, và có thể còn rất nhiều cây khác cao hơn ngoài kia chưa được con người tìm thấy."
"Chúng cho thấy chúng ta thực sự cần phải tìm cách bảo vệ rừng cây."
Phát hiện này cũng gây bất ngờ cho nhiều nhà khoa học khác nữa. Như tiến sĩ Alexander Shenkin từ ĐH Oxford, sau khi biết đến phát hiện của ĐH Nottingham cũng đã khăn gói đến "thăm" Menara. "Tôi đã thấy rất nhiều thân cây cao, nhưng khi gặp "gã khổng lồ" này, tôi chỉ biết ngẩng cổ lên mà nhìn mãi vẫn không thấy ngọn đâu."
"Thực sự chưa bao giờ nhìn thấy cái cây nào như vậy."
Dẫu có chiều cao "khủng", nhưng nếu xét đến toàn bộ thực vật trên thế giới thì Menara không phải cây cao nhất. Danh hiệu thuộc về Hyperion - cây tùng gỗ đỏ tại Mỹ.
Hyperion như một đại diện cho tầm vóc nước Mỹ, với chiều cao lên tới 115,6m, vượt trội hơn cả công trình Nữ thần Tự do và Tháp đồng hồ Big Ben. Bản thân cái tên Hyperion cũng được lấy theo tên của 1 trong 12 titan khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp.
Chiều cao của Hyperion - cái cây cao nhất thế giới