Số ca tử vong do COVID-19 tăng mạnh ở Campuchia và Thái Lan, biến thể Delta lây lan nghiêm trọng trên thế giới

Quỳnh Chi, Theo VTV 09:41 04/07/2021

Đến sáng 4/7, thế giới có trên 184 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,98 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 34,58 triệu ca mắc và hơn 621.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 6.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 3/7, nước này ghi nhận hơn 43.200 ca mắc mới COVID-19 và 944 trường hợp tử vong. Số ca mắc COVID-19 đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 50.000 trường hợp vào ngày 21/6 vừa qua và vẫn duy trì ở mức 30.000 - 50.000 bệnh nhân kể từ đó. Hiện quốc gia Nam Á này đã ghi nhận hơn 30,5 triệu ca mắc, trong đó có trên 402.000 người tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, người dân không được phép chủ quan, cần đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận trên ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 522.000 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 18,68 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tại Nga, ngày 3/7, nước này đã ghi nhận 697 trường hợp tử vong do COVID-19, mức tăng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp quốc gia này ghi nhận kỷ lục số ca tử vong trong bối cảnh biến thể Delta đang khiến cuộc chiến chống dịch tại Nga trở nên khó khăn hơn.

Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận hơn 24.400 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ giữa tháng 1 khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 dần lắng dịu. Thủ đô Moscow, tâm dịch của cả nước, ghi nhận 116 ca tử vong, gần tương đương kỷ lục gần nhất từng được ghi nhận hồi đầu tuần này. Các bệnh viện ở thủ đô đang rơi vào tình trạng quá tải.

Giới chức y tế Nga cho rằng, nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng mạnh là do sự lây lan nhanh của biến thể Delta. Sự gia tăng mạnh số ca bệnh đã khiến Nga phải áp dụng một loạt các biện pháp bắt buộc hoặc khuyến khích người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 . Tình hình dịch bệnh tại Nga nóng trở lại từ giữa tháng 6 trong bối cảnh rất nhiều người dân nước này từ chối tiêm vaccine phòng bệnh. Tới nay, Nga mới chỉ tiêm được khoảng 16% trong tổng số 146 triệu dân cả nước dù vaccine nội địa được xác nhận có hiệu quả phòng bệnh cao.

Hồi giữa tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi người dân "lắng nghe các ý kiến chuyên gia" thay vì nghe những lời đồn thổi vô căn cứ về dịch bệnh và vaccine. Tuy nhiên, ông cũng không ủng hộ việc bắt buộc người dân đi tiêm. Chính phủ Nga cũng khẳng định không phong tỏa toàn quốc kể cả khi không thể đạt mục tiêu tiêm phòng cho 60% dân số trước cuối tháng 8 tới. Đến nay, Nga chính thức ghi nhận 137.262 ca tử vong trong số hơn 5,58 triệu ca bệnh COVID-19.

Bộ trưởng y tế Đức Jens Spahn đã thông báo các biện pháp nâng cấp hiệu quả của chương trình tiêm phòng vaccine COVID-19 nhằm chống lại làn sóng có thể sắp xảy ra do biến thể Delta. Cụ thể, ông Spahn cho biết sẽ cho kết hợp tiêm liều đầu bằng vaccine AstraZeneca và liều thứ 2 bằng một loại vaccine công nghệ mRNA như Pfizer hoặc Moderna.

Ủy ban về vaccine của Đức cho biết, theo các kết quả nghiên cứu hiện tại, phản ứng miễn dịch do tiêm kết hợp vaccine AstraZeneca với một loại vaccine mRNA mang lại hiệu quả bảo vệ vượt trội, chống lại biến thể Delta. Bộ trưởng Bộ Y tế Đức cũng thông báo, Đức có đủ mọi loại vaccine để người dân có thể tiêm trộn, hoặc tiêm củng cố liều thứ 3 của vaccine AstraZeneca vào mùa thu. Đối tượng áp dụng không chỉ là những người trẻ tuổi mà cả những người trên 60 tuổi.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố kế hoạch kiểm soát dịch COVID-19 gồm 4 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, nước này tập trung vào các hoạt động tiêm chủng, chuẩn bị và thí điểm nhằm kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu mọi người dân được tiêm chủng càng sớm càng tốt. Giai đoạn 2 và giai đoạn 3 là giai đoạn sau tiêm chủng, Chính phủ sẽ cho phép một số lượng nhất định sinh viên và người lao động quốc tế nhập cảnh và phải cách ly. Giai đoạn 4 là lúc mà cuộc sống của người dân trở về như bình thường. Khi đó nước này sẽ mở cửa biên giới cho những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mà không cần phải cách ly, đồng thời cho phép những người không tiêm vaccine mà có kết quả xét nghiệm âm tính có thể đến Australia.

Số ca tử vong do COVID-19 tăng mạnh ở Campuchia và Thái Lan, biến thể Delta lây lan nghiêm trọng trên thế giới - Ảnh 1.

Australia đã công bố kế hoạch kiểm soát dịch COVID-19 gồm 4 giai đoạn (Ảnh: AP)

Ngày 3/7, Indonesia áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại thủ đô Jakarta, đảo Java và Bali trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch COVID-19 được đánh giá là tồi tệ nhất từ trước tới nay.

Chính quyền Indonesia đã yêu cầu đóng cửa các đền thờ Hồi giáo, nhà hàng và trung tâm mua sắm tại các điểm nóng dịch bệnh trên khắp đất nước với đa số là người Hồi giáo này. Toàn bộ người lao động trong lĩnh vực không thiết yếu được yêu cầu làm việc tại nhà, trong khi trường học chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Tại Bali, các tuyến phố nơi có cửa hàng và quán cà phê kinh doanh trên vỉa hè cũng sẽ đóng cửa. Tuy nhiên, các phương tiện giao thông công cộng vẫn được phép hoạt động với công suất giới hạn. Hoạt động di chuyển bằng đường biển, đường hàng không và xe bus nội địa sẽ chỉ dành cho những người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Với các biện pháp mới dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 20/7, Indonesia hy vọng có thể đưa số ca nhiễm hàng ngày xuống dưới 10.000 ca.

Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm hơn 27.900 ca nhiễm mới, mức cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên trên 2,25 triệu trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Indonesia cũng tăng lên mức hơn 60.000 bệnh nhân.

Dự tính, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 2 tuần tới cho đến khi các biện pháp hạn chế được áp dụng từ hôm qua bắt đầu phát huy tác dụng. Biến thể Delta đang lây lan mạnh tại Indonesia, đẩy các bệnh viện ở một số khu vực vào nguy cơ quá tải. Nhu cầu oxy và thuốc cho người bệnh tự điều trị tại nhà cũng gia tăng khiến giá các sản phẩm này tăng vọt. Indonesia đang nỗ lực đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng tại các khu vực có dịch bệnh phức tạp nhất.

Malaysia thông báo, trong tuần tới, nước này sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại một số bang đã đảm bảo các chỉ số dịch bệnh về ngưỡng quy định. Quốc gia Đông Nam Á đã áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 1/6 để kiểm soát dịch bệnh. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin mới đây cho biết, Chính phủ nước này sẽ dần mở cửa nền kinh tế và nối lại các hoạt động xã hội theo 4 giai đoạn dựa trên các chỉ số dịch bệnh gồm số ca mắc, tỷ lệ tiêm phòng và năng lực đáp ứng của hệ thống y tế.

Theo thông báo mới từ Bộ trưởng An ninh Ismail Sabri Yaakob, Chính phủ Malaysia sẽ cho phép nới lỏng phong tỏa ở 5 bang gồm Kelantan, Pahang, Perak, Perlis và Terengganu do những địa phương này đã đạt được các mục tiêu để tiến tới giai đoạn nới lỏng. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh vào cuối tuần qua, Malaysia bắt đầu triển khai các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại thủ đô Kuala Lumpur và bàng Selangor, những vùng ghi nhận diễn biến dịch bệnh phức tạp nhất trên cả nước.

Ngày 3/7, Malaysia ghi nhận 6.658 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên là 772.607 trường hợp, trong đó có 5.434 người tử vong.

Bộ Y tế Campuchia thông báo, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở nước này lên đến 948 người. Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, nước này phát hiện có thêm 23 trường hợp nhiễm biến thể Delta, tất cả đều là lao động Campuchia trở về từ Thái Lan. Hiện Campuchia đang cố gắng thực hiện xét nghiệm nhanh nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Trong lúc này tại Thái Lan và Campuchia, số ca tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan nhanh ở nhiều nước trong khu vực. Campuchia ngày 3/7 ghi nhận 36 ca tử vong do COVID-19. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Campuchia có trên 30 ca tử vong do COVID-19.

Số ca tử vong do COVID-19 tăng mạnh ở Campuchia và Thái Lan, biến thể Delta lây lan nghiêm trọng trên thế giới - Ảnh 2.

Khoảng 70% bệnh nhân COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan nhiễm biến thể Delta (Ảnh: AP)

Ngày 3/7, một chuyên gia hàng đầu về virus của Thái Lan cho biết, khoảng 70% bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Bangkok bị nhiễm biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Ước tính của tiến sĩ Yong Poovorawan đến từ Trung tâm Virus học Lâm sàng tại Đại học Chulalongkorn dựa trên một nghiên cứu trong tháng 6 đối với 700 mẫu. Trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Yong cũng cho biết thêm rằng, biến thể Delta dễ lây lan và khó truy vết.

Thái Lan ngày 3/7 ghi nhận thêm 6.230 ca nhiễm mới và 41 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch tới nay lên 277.151 trường hợp, trong đó có 2.182 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok tiếp tục là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất cả nước với 1.917 người bệnh ghi nhận trong ngày 3/7.

Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 37 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên là 2.213 ca. Thủ đô Vientiane, điểm nóng của dịch bệnh, ghi nhận ngày thứ 4 liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, trong 37 ca nhiễm mới chỉ có 1 ca cộng đồng tại tỉnh Luang Namtha, các trường hợp còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác.

Theo Bộ Y tế Lào, dù số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm, nước này vẫn đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới của virus. Đặc biệt, những tỉnh giáp với Thái Lan được coi là có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19. Chính vì vậy, việc tăng cường tuần tra biên giới, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời hành vi nhập cảnh trái phép được xem là một trong các chìa khóa để Lào có thể kiểm soát nguy cơ bùng phát dịch. Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch bệnh, nhanh chóng thông báo cho nhà chức trách nếu phát hiện trường hợp nghi nhập cảnh trái phép để sớm có thể ngăn chặn các nguy cơ bùng phát dịch mới.

Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục hoành hành ở nhiều nước. Trên thế giới, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 hiện đã xuất hiện tại 98 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là thông báo mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới. Sự lây lan mạnh của biến thể Delta đang gây ra các làn sóng lây nhiễm mới nghiêm trọng ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở mức cao. Không những vậy, báo cáo mới về sự xuất hiện và lây lan của biến thể "Delta Plus" (Delta+), phiên bản đột biến mới của biến thể Delta, cũng đang gây ra những lo ngại. Trong bối cảnh này, giới chuyên gia cảnh báo cần tiếp tục tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng để kiềm chế dịch bệnh.

Biến thể Delta, còn được gọi là B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10/2020 tại bang Maharashtra, Ấn Độ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, biến thể này nhanh chóng lan rộng khắp Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới. Tuy xuất hiện sau các biến thể như Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh), Beta (ở Nam Phi) và Gamma (ở Brazil) nhưng hiện nay, biến thể Delta đang dần trở thành chủng trội toàn cầu do khả năng lây nhiễm cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định đến nay với tốc độ lây lan nhanh hơn 40 - 60% so với biến thể Alpha. Các chuyên gia y tế đều coi Delta là biến thể virus SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất trên thế giới. Các ca nhiễm biến thể Delta hiện chiếm tới 95% số ca mắc mới tại Anh, 96% tại Bồ Đào Nha.

Số ca mắc mới COVID-19 cũng đang gia tăng trở lại ở Nga, Australia, Israel và ở nhiều khu vực tại châu Phi, một phần là do biến thể Delta. Với khả năng lây nhiễm cao, biến thể Delta có nguy cơ đảo ngược những thành quả chống dịch ngay cả tại các quốc gia có độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và châu Âu.

Trong lúc này, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đang theo dõi các báo cáo mới đây về biến thể Delta Plus , phiên bản đột biến mới của biến thể Delta. Được cảnh báo lần đầu tiên vào ngày 20/6 vừa qua, biến thể Delta Plus đã nhanh chóng được tìm thấy ở 11 quốc gia trên thế giới.