Tôi thực sự rất tiết kiệm, đến mức đã đi làm được 6 năm, tôi vẫn chưa đổi cái điện thoại được mẹ mua cho từ hồi vào năm nhất đại học. Bởi tôi đã nghĩ mình sẽ dùng nó cho đến khi bị hỏng mà không thể sửa được nữa.
Trong quan niệm của tôi, việc không kết bạn thì sẽ không tốn nhiều chi phí để giao du, vun vén các mối quan hệ xã hội, vậy nên cũng không cần một chiếc điện thoại xịn để liên lạc, làm màu với bạn bè. Nếu có đồng nghiệp nào mời xã giao cùng đi liên hoan hay đi hát, tôi cũng từ chối bởi tôi vẫn sẽ mất tiền nếu không ăn, không giải trí cùng bọn họ.
Tôi cũng áp dụng các phương pháp tiết kiệm cho cuộc sống bình thường. Quần áo trên người không món nào trên 150K, trung bình sẽ từ khoảng 50 - 70K một món và tất cả chúng đều được mua trên các gian hàng giá rẻ tại các sàn thương mại điện tử. Dù cực kỳ hạn chế mua quần áo nhưng rất hiếm khi có ai đó thấy tôi mặc lại đồ cũ. Bởi thay vì dành 500K để mua một chiếc áo mặc trong 1, 2 năm thì tôi thà dùng 50K để mua một chiếc áo mặc trong khoảng 2, 3 tháng còn hơn.
Tôi chưa bao giờ ăn ở ngoài, thậm chí là chưa từng nếm qua mùi vị của thức ăn nhanh mà giới trẻ dạo gần đây cực kỳ ưa chuộng. Tóm lại, về cơ bản, tôi sẽ tự mang cơm nhà nấu khi đi làm. Dù tiết kiệm hết sức có thể nhưng tôi vẫn chú ý ăn uống lành mạnh. Thức ăn cho bữa trưa tại công ty đều đã được làm sẵn từ buổi tối hôm trước, đến giờ ăn chỉ cần làm nóng lên là có thể dùng bữa. Mỗi khi đi qua các cửa hàng như Starbucks, McDonald's, KFC… thì tôi luôn nhìn vào hàng người đang xếp hàng chờ đến lượt gọi món rồi tự nghĩ: “Thay vì đứng xếp hàng để thanh toán cho món ăn không tốt sức khoẻ, thì tốt hơn hết, bữa trà chiều của mình nên là về nhà tự pha một cốc cà phê hoà tan, mở gói bánh quy có giá 10K mua trong siêu thị hôm bữa.”
(Ảnh minh hoạ)
Công việc của tôi không quá vất vả, thu nhập cũng được coi là tạm ổn, nên tôi vẫn chưa có suy nghĩ sẽ nhảy việc hay kiếm thêm một công việc khác để tăng thu nhập. Khoảng thời gian còn lại mỗi ngày, ngoại trừ dành thời gian cho bản thân, tôi thích ghé qua những cửa hàng đồng giá 10K, 20K thay vì mua sắm online. Bởi ít nhất tôi vẫn sẽ được sờ tận tay, lựa những loại xà phòng, dầu gội, dầu xả… có mùi thơm ưng ý nhất. Tôi cũng thường chăm sóc bản thân bằng cách đắp các loại mặt nạ tự làm từ nha đam, uống trà thảo mộc mỗi ngày… Dù không đắt đỏ gì nhưng nhờ vậy tôi vẫn có thể cảm thấy cuộc sống của mình được cải thiện hơn thay vì uống nước lọc đun sôi hay đi ngủ mà không chăm sóc da dẻ gì cả.
Tôi cũng rất thích tự cắt tóc thay vì ra ngoài tiệm. Dù không thể trổ tài cắt những kiểu tóc theo xu hướng nhưng ít nhất nó vẫn gọn gàng và phù hợp với khuôn mặt. Tôi luôn cho rằng tiết kiệm và biến mình trở nên khổ hơn, xấu xí hơn bằng cách không tiêu tiền là hoàn toàn khác nhau, nên việc mỗi năm tôi có thể tiết kiệm khoảng 1 triệu cho việc cắt tóc mà vẫn tự tin bước ra đường là điều quá đỗi tự hào.
Tôi vẫn có thời gian tập thể dục cố định trong ngày. Thay vì ra phòng tập như những người thực sự muốn sở hữu một thân hình thon gọn, nóng bỏng mắt, tôi chọn xem video bài tập được bình luận là rất có hiệu quả. Vì không có nhiều tiền để mua đồ tập hay dụng cụ tập, tôi đã dùng chai coca cola 1.5l làm tạ tay, ga trải giường cũ làm thảm tập yoga, đồ tập sẽ là bra thể thao và một chiếc quần đùi thấm mồ hôi. Sau vài tháng đều đặn luyện tập, không chỉ nhận ra sức khoẻ của bản thân tốt hơn mà thân hình cũng trở nên gọn gàng, săn chắc hơn một chút.
(Ảnh minh hoạ)
Cuối cùng, tôi đã đi làm trong nhiều năm nhưng chưa từng sử dụng thẻ tín dụng. Tôi luôn sử dụng thẻ ghi nợ để chi tiêu, điều này khiến những người xung quanh tôi cho rằng tôi là người của thế hệ trước. Tôi không có khái niệm quản lý tài chính, cũng không biết đầu tư nên về cơ bản, tôi dành một phần thu nhập để tiết kiệm, phần còn lại đủ để chi tiêu duy trì cuộc sống. Thậm chí, tôi chưa từng có ý định rút tiền trong khoản tiết kiệm này ra để sử dụng và chưa có ý tưởng dùng nó để làm gì. Tuy nhiên, dù không nhiều, nhưng tôi luôn cảm thấy an tâm khi có một khoản tiền để phòng hờ khi cần thiết.