Chú Trương là bạn học cũ của mẹ tôi. Hiện tại, chú đang làm việc tại một thị trấn nhỏ với mức lương được nhiều người trẻ đánh giá là không đủ sống, huống gì là phải nuôi gia đình. Vợ của chú Trương, tôi sẽ gọi là dì Trương. Sau một lần tai nạn khi còn nhỏ, đôi chân của dì đã không còn cảm giác, chỉ có thể di chuyển quanh nhà bằng xe lăn. Tuy nhiên, sau khi lấy chồng, ngoài việc chăm sóc mẹ già và con gái vừa lên cấp 1, chị đã kiêm luôn công việc nội trợ tại nhà.
Dù đi lại khó khăn nhưng dì Trương lại rất có năng lực trong chuyện quán xuyến gia đình. Dì không chỉ nấu ăn ngon mà còn biết sửa chữa những đồ dùng thường dùng trong nhà. Dì cũng rất chú trọng đến việc tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày. Trong khi chồng đi làm, con gái đi học, dì Trương đã dành thời gian để chăm bẵm mảnh đất trống sau nhà trở thành một vườn rau sạch, mùa nào thức nấy, không những tiết kiệm tiền mà còn đảm bảo cho sức khoẻ.
Dì từng bảo với tôi rằng, vì bản thân chỉ ở nhà, không thường xuyên ra đường nên dì cũng sẽ không chi nhiều tiền cho quần áo. Quần áo theo mùa đều được giặt giũ sạch sẽ, cất gọn gàng, cẩn thận. Nếu món nào đã quá cũ rồi, dì cũng sẽ không tiếc rẻ mà giữ lại cho chật nhà. Nhưng nếu thấy một món gì đó hợp với người thân, thì chỉ cần giá cả hợp lý, cô sẽ mua cho họ. Mái tóc của dì luôn được cắt tỉa gọn gàng bởi ông thợ tóc gần nhà. Kiểu tóc không theo xu hướng nào cả, chỉ ngắn quá chấm vai một chút, nhưng chung quy lại thì rất hợp với khuôn mặt và khí chất, mang lại một vẻ đẹp dịu dàng và duyên dáng.
(Ảnh minh hoạ)
Mặc dù tiết kiệm trong hầu hết tất cả các khoản nhưng dì Trương không bao giờ quan tâm đến tiền bạc khi mua sách. Và một trong những sở thích lớn nhất của dì chính là cùng con gái đến các hiệu sách trong thị trấn và chọn mua những quyển sách kinh điển trong làng văn học. Tóm lại, mặc dù tổng thu nhập của gia đình dì không mấy khá giả, nhưng dưới sự quản lý cẩn thận của dì Trương, mặt bằng chung cuộc sống của họ không kém những gia đình khác.
Một vài năm trước, trước khi giá nhà đất tăng chóng mặt, đơn vị của chú Trương đã cung cấp cho nhân viên một lô nhà ở phúc lợi, rẻ hơn nhiều so với giá thị trường, nhưng yêu cầu phải thanh toán trong một lần. Chú Trương vốn tưởng rằng với thu nhập của gia đình, dù sao cũng không đủ tiền để mua nên chỉ nói qua loa với vợ rằng công ty sẽ dẫn mối mua nhà giá rẻ. Không ngờ, dì Trương đã rút tiền tiết kiệm hơn 200.000 tệ (khoảng 695 triệu) và đưa cho chồng ngay sau khi biết tin. Đây là tất cả những gì mà dì đã tích góp được sau nhiều năm nhận được thu nhập của chồng, lên kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm cẩn thận. Nhờ vậy mà gia đình chú Trương đã mua một căn nhà mới với đầy đủ tiện nghi ở khu vực đông dân cư hơn, sinh hoạt trong cuộc sống cũng trở nên cực kỳ thuận tiện.
(Ảnh minh hoạ)
Chú Trương rất thương vợ mình. Chú cũng thường nói với những người bạn cũ của mình rằng chú có cuộc sống tốt như vậy tất cả đều nhờ công sức của dì, không chỉ biết quán xuyến nhà cửa, biết lo lắng cho gia đình, dì còn nhiệt tình cho lời khuyên và ủng hộ chú những khi cần thiết. Đặc biệt là trong chuyện tiết kiệm tiền. Bởi vì điều kiện thu nhập có hạn nên dì Trương rất cẩn thận trong việc tiêu tiền, nhưng điều đó không làm giảm chất lượng cuộc sống gia đình.
Mặc dù bây giờ có một câu nói phổ biến trong giới trẻ rằng: "Tiền kiếm được là tiền tiêu, không phải tiền để dành", nhưng đối với những người lớn tuổi hay những người có thu nhập ở mức trung bình phải nuôi cả gia đình thì kiếm tiền không phải là một việc dễ dàng. Cho nên, bên cạnh việc kiếm tiền, họ cũng phải suy nghĩ về cách chi tiêu để duy trì cuộc sống, tiết kiệm để phòng hờ cho tương lai sao cho hợp lý nhất.
Cho nên, việc bạn làm ra tiền rất đáng khen nhưng việc bạn tiết kiệm được lại càng đáng tôn trọng. Bởi tiết kiệm một số chi phí không cần thiết cũng chính là cách để bạn trân trọng những giọt mồ hôi, những ý tưởng sáng tạo trong quá trình lao động mà bạn đã sẵn sàng đánh đổi với mục đích khiến cho cuộc sống của bản thân trở nên tốt đẹp hơn.