Vài năm trước lại đây, mình hay có những câu hỏi dành cho bạn bè kiểu: "Đã bao giờ mày cảm thấy bế tắc trong việc cầm tiền lương hàng tháng của chồng chưa?" Hay "Làm thế nào để giữ được tiền dư sau khi nhận lương hàng tháng nhỉ?"... Và có rất nhiều những người bạn, họ đều khá bối rối khi trả lời câu hỏi này. Không phải vì họ ngại chia sẻ, mà là họ không có 1 công thức chung nào cho vấn đề này cả.
Trước khi kết hôn, việc tiêu tiền hàng tháng có lỡ thâm hụt đi 1 chút cũng chỉ ảnh hưởng đến mình, nhưng sau khi có gia đình thì khác. Việc chi tiêu không có kế hoạch, sẽ khiến "cả nhà" đau đầu vì tiền. Và rồi lúc nào mình cũng tự đặt ra câu hỏi: "Sẽ thế nào nếu vợ chồng mình chỉ sống bằng lương tháng, và lỡ như, chúng mình chi tiêu hết số tiền đó trước khi nhận lương vào tháng sau thì sao?".
Mai Trang (1992, Hà Nội), hiện đang là một Sales Manager của 1 công ty bảo hiểm, cho biết, chỉ vì để tìm cách tiêu tiền của chồng làm sao cho hợp lý, cô nàng đã tốn một thời gian dài để học về quản lý tiền bạc trong gia đình: "Sau nhiều năm vật lộn với quản lý tài chính chung, trăn trở với hàng tá các khoản chi tiêu không tên, cuối cùng, mình cũng tìm ra được một vài hướng giải quyết vấn đề!"
Khi tìm hiểu về quản lý lương trong hôn nhân, mình nhận thấy có 2 phương pháp phổ biến nhất tại Việt Nam, đó là "Tiền chung về 1 mối" và "Hai túi tiền thông nhau". Cụ thể như sau:
Đây là kiểu gom tiền về 1 mối duy nhất, do vợ hoặc chồng nắm giữ tay hòm chìa khóa, tức là 1 trong 2 sẽ là người quản lý chi tiêu chính trong gia đình.
Điểm mạnh của phương pháp này chính là tiền bạc sẽ được quản lý rất chặt chẽ: Thu vào bao nhiêu - chi ra bao nhiêu, tiền lương cần được tập trung hết vào 1 mối.
Điểm yếu của phương pháp này chính là: Trách nhiệm chi tiêu nghiêng hết về 1 bên. Khi này, người nắm giữ tay hòm chìa khóa sẽ có áp lực tài chính rất lớn đối với mỗi quyết định chi tiêu trong nhà. Một khi xảy ra mâu thuẫn về tiền bạc, sẽ dễ dẫn đến việc thiếu niềm tin với đối phương.
Nhưng phương pháp này lại khá phổ biến tại Việt Nam. Và gia đình mình cũng từng thực hiện nó. Từ kinh nghiệm của chúng mình, khi thực hiện phương pháp này, bạn cần:
- Chọn người có khả năng quản lý tài chính tốt hơn, nắm giữ chi tiêu trong nhà. Không nhất thiết lúc nào cũng là người vợ cầm.
- Xây dựng niềm tin với nhau. Tất cả những chi tiêu đều cần được ghi chép 1 cách cẩn thận và chi tiết, bất cứ khoản thu chi nào cũng cần đạt được sự thống nhất ngay từ đầu.
- Đối với các mục đích đầu tư, chi tiêu lớn, cần thảo luận để đạt được sự đồng thuận của cả hai bên.
Đây là một phương pháp nâng cấp của quản lý tài chính trong hôn nhân. "Hai túi tiền thông nhau" được hiểu theo đúng nghĩa đen, tức là tiền của 2 vợ chồng được hợp lại, và cả 2 đều có trách nhiệm với chi tiêu trong gia đình.
Cụ thể, thu nhập chung của 2 vợ chồng sẽ được chia đều thành các khoản: Chi tiêu chung - Tiết kiệm và đầu tư - Các khoản chi tiêu riêng của mỗi người. Thông thường, gia đình mình sẽ dành 80% lương để đưa vào túi tiền thông nhau, 20% còn lại là chi tiêu tự do của mỗi người.
Điểm mạnh của phương pháp này là: Ai cũng sẽ có trách nhiệm với việc chi tiêu trong gia đình. Mọi thứ đều được trình bày rõ ràng trước 2 bên, vợ chồng có tiếng nói chung, cũng như nhìn vào quỹ tài chính chung mà phấn đấu. Hơn nữa, vì có phân bổ 80:20, nên những sở thích riêng vẫn có thể được duy trì.
Điểm yếu của phương pháp này lại nằm ở chỗ, chồng/ vợ đều cần phải học về quản lý chi tiêu. Nếu không sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng không biết cách ghi chép những khoản thu - chi, dễ gây ra những ảnh hưởng xấu đến tài chính chung của gia đình.
Vậy để thực hiện được phương pháp này một cách hiệu quả, bạn cần:
- Cả vợ và chồng đều nên trang bị cho mình những kiến thức quản lý tài chính mức cơ bản.
- Lựa chọn điểm mạnh của đối phương để đưa ra được những quyết định đúng đắn nhất.
- Học cách sử dụng các app quản lý chi tiêu thông minh, và cùng nhau sử dụng.
Sau khi tìm ra được cách quản lý tài chính gia đình phù hợp, bạn cần phải lên 1 kế hoạch cụ thể để giúp cho quỹ tài chính của cả 2 ngày càng vững chắc. Không thể để xảy ra trường hợp, khi cần dùng đến tiền, vợ chồng trẻ lại không biết xoay tiền ở đâu ra. Một trong những quỹ cần được thiết lập trong gia đình, đó chính là: Quỹ dự phòng.
Quỹ này thậm chí còn quan trọng hơn cả khoản tiết kiệm của gia đình bạn. Thử nghĩ mà xem, khi mà bạn đang có 1 khoản đầu tư hay tiết kiệm, nhưng không may xảy ra vấn đề khiến bạn cần sử dụng một số tiền lớn ngay lập tức, thì phải rút ra số tiền mình đang có. Chính điều này sẽ khiến cho những kế hoạch của bạn chậm lại, thậm chí là tan tành!
Quỹ dự phòng khẩn cấp sẽ được dùng vào các trường hợp như: thất nghiệp, bệnh tật hay tai nạn bất ngờ,... đại loại là các tình huống không đoán trước được trong tương lai. Và quỹ này càng quan trọng hơn, khi hiện tại, vợ chồng mình chỉ sống dựa trên 1 nguồn thu duy nhất, là lương tháng.
Khi ý thức được rằng, nếu 1 trong 2 lỡ may thất nghiệp, thì chúng mình lấy gì để sống? Điều này khiến mình ngay lập tức lao vào tính toán để tìm kiếm ra con số dự phòng thích hợp. Đây cũng được coi là chiếc lá chắn bảo vệ, giúp chúng mình thực hiện được những mục tiêu tài chính trong tương lai, như đầu tư và tiết kiệm.
Theo như tính toán của nhiều chuyên gia tài chính, bạn cần bỏ vào quỹ dự phòng số tiền bằng 3-6 lần phí sinh hoạt.
Ví dụ với gia đình mình: Chi phí sinh hoạt 1 tháng rơi vào khoảng hơn 9 triệu đồng. Vậy thì quỹ khẩn cấp chúng mình cần có tối thiểu là 27 triệu, và tối đa là khoảng 54 triệu. Con số này sẽ là vừa đủ để không ảnh hưởng quá nhiều đến những mục tiêu tài chính khác, mà vẫn đảm bảo là chiếc phao cứu sinh khi chúng mình lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Sau khi tính toán được con số dự phòng, mình bắt đầu chia nhỏ mục tiêu tiết kiệm hàng tháng. Khoản tiết kiệm được chia đều thành 2 phần: Tiết kiệm cho hạng mục quỹ dự phòng, và tiết kiệm để đầu tư. Và tất nhiên, khoản tiết kiệm này sẽ chiếm khoảng 30-40% thu nhập của chúng mình. Thời gian đầu, khi quỹ dự phòng sẽ được ưu tiên lấp đầy trước. Sau đó mới là khoản mục tiết kiệm để đầu tư.
Khi thu nhập 2 vợ chồng là 20 triệu/ tháng, sau khi trừ đi các khoản chi tiêu cần thiết, mình dành khoảng 8 triệu để đổ vào quỹ tiết kiệm. Trong đó, tỉ lệ ban đầu dành cho quỹ dự phòng: quỹ tiết kiệm đầu tư là 6:4. Khi thu nhập tăng lên nữa, mình vẫn giữ nguyên mức 40% để tiết kiệm, và thậm chí có tháng lên đến 50% nếu chúng mình không vướng thêm những khoản tiền bất chợt khác.
Để thực hiện được bước này, yêu cầu bạn phải có tính kỷ luật cực cao. Mình thường set up chế độ tự động chuyển tiền vào ngày nhận lương hàng tháng sang tài khoản dự phòng và tiết kiệm luôn, chứ không để chi tiêu xong, đến cuối tháng mới dành tiền để tiết kiệm.
Sau khi xây dựng được một khoản quỹ dự phòng để mình yên tâm nếu như có nghỉ việc từ 3-6 tháng, thì bước tiếp theo mình đang hướng đến, đó là mở rộng nguồn thu ngay lập tức. Chỉ có việc gia tăng nguồn thu, mới khiến tài chính trở nên dễ thở hơn, đây cũng là mục tiêu vợ chồng mình đặt ra trong thời gian tới.
Hiện tại, vợ chồng mình đều đang có 1 mức lương khá ổn định và một khoản tích lũy nho nhỏ. Tuy nhiên, mình thấy điều này là không đủ. Ở tuổi 30, mình vẫn không ngừng cố gắng cải thiện những kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp của bản thân, để có thể nâng cao mức lương theo hàng năm. Chồng mình thì cũng bắt đầu tập tành nghiên cứu về đầu tư. Và mình tin rằng, chúng mình sẽ xây dựng được quỹ tài chính chung ngày càng vững chắc trong tương lai gần.
Cảm ơn Mai Trang vì những chia sẻ!