Chỉ còn gần 1 tháng nữa, học sinh lớp 9 tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Với các sĩ tử, đây là thời điểm ôn thi nước rút quan trọng và cũng là giai đoạn nhiều em phải đối mặt với những áp lực thi cử, căng thẳng, lo lắng làm sao để lần đầu "vượt vũ môn" thành công. Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia tâm lý, thời điểm này ngoài những áp lực thi cử, nhiều học sinh còn gặp phải những “cú sốc” tâm lý khi chuyển từ học trực tuyến sang học trực tiếp vì điểm số nhiều em thấp hơn hẳn so với khi học online…
Em Trần Minh Anh, học sinh lớp 9 (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, có nguyện vọng thi vào trường THPT Kim Liên – ngôi trường luôn trong "top" đầu thành phố về điểm chuẩn thi vào 10. Bởi vậy, dù học khá chắc các môn, song Minh Tâm vẫn không khỏi lo lắng.
Nữ sinh cho biết, cũng bởi vậy, khi gặp những vấn đề trong học tập hay cuộc sống, thay vì tâm sự với bố mẹ hay thầy cô, Minh Anh thường trò chuyện với bạn bè, hoặc lên mạng đọc các bài chia sẻ cùng tâm trạng.
Tương tự, gần bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, em Hoàng Phương Chi (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang phải gấp rút ôn tập và phải đối mặt với nhiều lo lắng: “Thời gian dịch bệnh kéo dài, khi học online nhiều bài em không hiểu nhưng việc trao đổi với thầy cô, bạn bè bị hạn chế, nên càng ngày em càng thấy mình đuối hơn trước. Khi trở lại học trực tiếp, em cố gắng tự ôn lại hết các kiến thức từ đầu năm lớp 9, nhưng nhiều lúc em cảm thấy rất quá tải, mệt mỏi. Gia đình và nhà trường không gây áp lực, nhưng đôi khi những câu chuyện thường ngày trong mỗi bữa cơm bố mẹ hay kể về các anh chị họ hàng đã đỗ vào các trường THPT top trên với điểm số cao cũng khiến em cảm thấy áp lực, nghĩ bản thân phải đạt được những kết quả như vậy”.
TS. Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP. Hà Nội cho rằng, những áp lực tâm lý hậu Covid-19 khi học sinh trở lại trường, hay mùa thi chỉ là nhất thời, quan trọng là tuổi học đường lúc nào cũng gặp những áp lực, vấn đề là cần nhìn nhận, phát hiện, giải quyết ra sao.
“Áp lực lớn nhất chính là từ gia đình, cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang nhưng các em đừng oán thán bố mẹ bởi đó là một mong ước rất chính đáng. Chỉ có điều, mong muốn đó vô hình chung đã tạo áp lực cho các con vì bố mẹ hiện nay không hiểu hết con mình. Bất kỳ mong muốn nào cũng phải xuất phát từ năng lực thực tế. Bên cạnh đó còn có áp lực từ phía nhà trường, trường nào cũng đều có quy chuẩn của mình và muốn học sinh phải đem về những thành tích cao cho trường đó cũng là điều rất bình thường. Các em phải tự mình điều chỉnh mình để phù hợp với yêu cầu của nhà trường.
Tiếp theo là áp lực từ cuộc sống. Các em hiện nay được tiếp cận với quá nhiều luồng thông tin trong một ngày, nhiều thú vui như trò chơi công nghệ mà đôi khi những cái xấu lôi kéo dễ hơn những cái tốt. Mình thắng được mình là điều không dễ’’, TS Nguyễn Thanh Sơn nói.
Theo TS Sơn, áp lực không chỉ đến từ những yếu tố bên ngoài mà đôi khi còn xuất phát từ chính bản thân mỗi học sinh. Trước đây, nhiều học sinh cần vượt khó vươn lên để thành công nhưng hiện tại xã hội đời sống đã rất cao và sẽ có một bộ phận phải “vượt sướng” để thành công và điều đó sẽ khó hơn vượt khó rất nhiều vì khi đó các em không còn động lực để phấn đấu.
“Thắng được chính mình sẽ càng khó hơn. Tôi nghĩ rằng các em phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình đang bị áp lực từ phía nào và tìm hướng giải quyết. Nếu áp lực từ phía phụ huynh thì phải mạnh dạn nói chuyện, trình bày ý muốn nguyện vọng với bố mẹ để bố mẹ căn chỉnh cho phù hợp.
Trong cuộc sống sẽ không ai thương mình bằng bố mẹ, luôn yêu thương các con vô điều kiện. Nếu là áp lực từ phía nhà trường thì hãy chọn thầy cô nào mà mình thấy gần gũi nhất để mạnh dạn tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ của mình và các thầy cô sẽ căn chỉnh, hướng ta đến cái tốt đẹp hơn”, chuyên gia chia sẻ.
Theo Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, vừa qua, trong thời gian học online, số cuộc gọi liên quan đến rối loạn sức khoẻ tâm thần tăng ở lứa tuổi từ 11 đến 14 tuổi gấp rưỡi so với trước. Đa số các bạn chia sẻ về những vấn đề gặp phải với bố mẹ và áp lực học hành, thi cử. Từ thời điểm các em được đi học trực tiếp, số lượng cuộc gọi này đã giảm đi đáng kể./.