Tuần này, các khán giả của Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ tiếp tục được chứng kiến những màn gọi vốn cực kì đặc sắc. 2 trong 3 thương vụ đã được đàm phán thành công, tuy vậy, thương vụ gây chú ý hơn cả thuộc về một công ty du lịch tình nguyện với câu chuyện đằng sau vô cùng ý nghĩa. Đó chính là công ty Du lịch tình nguyện V.E.O của cô gái có tên Nguyễn Huyền Phương và người đồng sáng lập tên Trần Quang Hưng.
Huyền Phương và Quang Hưng mang đến Shark Tank mô hình du lịch cộng đồng V.E.O. Phía sau V.E.O không chỉ là công sức của hai nhà đồng sáng lập mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn.
Cơ duyên đã khiến Huyền Phương nghĩ tới việc thành lập nên V.E.O diễn ra từ năm 2014. Trước đó, Huyền Phương vốn là một nhân viên tài chính với thu nhập rất cao và cuộc sống ổn định. Trớ trêu thay, năm 2014, cô bất ngờ bị chẩn đoán mắc ung thư. Suy sụp, tuyệt vọng, như phim… là những cảm xúc khi ấy của Huyền Phương. Tuy nhiên, sau đó một tin vui khác đã xuất hiện khi hóa ra đó chỉ là chẩn đoán sai. Cũng vì sự cố này mà Huyền Phương cảm thấy trân trọng, yêu cuộc sống này hơn, V.E.O cũng vì thế mà dần hình thành.
Huyền Phương và Quang Hưng - Hai nhà sáng lập của công ty Du lịch tình nguyện V.E.O
V.E.O hướng tới 3 mục đích chính là cung cấp dịch vụ du lịch thuần túy cho khách hàng, đồng thời cũng trao những cơ hội trải nghiệm, xây dựng, phát triển bản thân cho đối tượng học sinh, sinh viên và cuối cùng là hỗ trợ cộng đồng. Đăng kí trải nghiệm du lịch qua V.E.O, du khách sẽ dành 50% cho hoạt động cộng đồng gồm giáo dục, hỗ trợ sửa chữa điện, đường, trường, trạm, quảng bá du lịch địa phương. 50% còn lại, khách hàng sẽ trải nghiệm du lịch như tham quan cảnh quan, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực. Xuất hiện tại chương trình, Huyền Phương và Quang Hưng hy vọng sẽ gọi được số vốn là 2,2 tỷ đồng cho 10% cổ phần.
Các Shark đã lần lượt đưa ra các thắc mắc cũng như chất vấn với Huyền Phương và Quang Hưng từ con số doanh thu đến tỉ suất lợi nhuận. Theo đó, doanh thu của V.E.O năm 2015 đạt 1,2 tỷ đồng, năm 2016 là 2,9 tỷ đồng, và con số này của năm 2017 là 4,9 tỷ đồng. Dự kiến lợi nhuận sẽ chiếm khoảng 10%. Khi được hỏi đối tượng khách hàng học sinh sẽ phải chi trả bao nhiêu cho một chuyến du lịch, con số Huyền Phương đưa ra là 50USD/ngày, tương đương với 3.200 – 3.400USD/chuyến.
Trước con số khá cao này, Shark Linh đã thẳng thắn đưa ra nhận định rằng mức giá không phù hợp nên công ty sẽ khó phát triển và từ chối đầu tư. Trong khi đó, Shark Hưng lại chơi "lầy" bằng cách đẩy sang cho Shark Vương vì cho rằng "anh Vương từ trước đến nay luôn làm tình nguyện hết mình".
Shark Linh và Shark Phú đã lần lượt từ chối đầu tư
Khác với Shark Linh và Shark Hưng, 2 Shark tiếp theo là Shark Vương và Shark Thủy đã đồng ý đầu tư, tuy nhiên lấy lý do V.E.O định giá công ty mình chưa đúng, 2 Shark chỉ chấp nhận đầu tư 2,2 tỷ đồng cho 44% cổ phần. Con số khác xa với dự định ban đầu lên hai nhà sáng lập của V.E.O đã tỏ ra khá chần chừ. Đúng lúc này, Shark Phú quyết định chen ngang và hào phóng đề nghị 2,2 tỷ đồng đổi lấy 25%.
Để đối đầu, Shark Thủy tiếp tục tung thêm "chiêu mới" khi tuyên bố bản thân sở hữu tập khách hàng tiềm năng, có thể giúp V.E.O phát triển hơn. Dự cảm không tốt đã khiến Shark Phú nhanh chóng xin được chung vốn với hai "cá mập" còn lại. Con số cuối cùng được đưa ra là 2,7 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần từ 3 Shark là Shark Vương, Shark Thủy và Shark Phú. Shark Vương còn không quên thúc giục Huyền Phương và Quang Hưng quyết định ngay để còn chốt sổ. Sau vài giây suy nghĩ, 3 Shark đã nhận được cái gật đầu đồng ý tạo nên thương vụ thành công tiếp theo trong Shark Tank Việt Nam.
Liên minh 3 Shark: Shark Phú, Shark Vương, Shark Thủy đã giật "deal" thành công