Những thương vụ đáng xem nhất Shark Tank Việt Nam

Tư Dao, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 19/12/2017

Dù không phải một gameshow về giải trí nhưng chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ vẫn nhận được sự quan tâm và ủng hộ rất lớn từ phía khán giả. Sau 6 tập được lên sóng, đã có rất nhiều thương vụ khiến cư dân mạng phải xuýt xoa, bàn tán không thôi.

Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ là một trong những chương trình thực tế đang cực hot trên sóng truyền hình. Tham gia vào chương trình có sẽ một hội đồng các nhà đầu tư tiềm năng, được gọi là các Shark và mỗi tập sẽ có những doanh nhân khởi nghiệp khác nhau tới để thực hiện các bài thuyết trình trước hội đồng Shark nhằm kêu gọi đầu tư. Dù không phải một gameshow giải trí hay âm nhạc thông thường mà là một chương trình mang tính khá chuyên môn nhưng Shark Tank vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả.

Trong số những thương vụ đã xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam, có những thương vụ gọi vốn chỉ 1, 2 tỷ, cũng có những thương vụ trị giá đến cả chục tỷ đồng và không phải start-up nào đến với chương trình cũng sẽ ra về trong nụ cười. Tuy vậy, dù thành công hay không thì những thương vụ bạc tỷ này vẫn được cư dân mạng bình luận và chia sẻ điên đảo.

Cùng điểm lại một vài thương vụ ấn tượng và gây chú ý nhất trong Shark Tank những tập vừa qua nhé!

2 chàng trai gọi được 3,1 tỷ đồng vốn cho dự án cosplay siêu nhân

Xuất hiện trong Shark Tank tập đầu tiên, người xem đổ dồn sự chú ý về hai chàng trai trẻ tên Đức Mười và Văn Trung với dự án Transform Studio - một studio chuyên về kỹ xảo vật lý, hóa trang với hiệu ứng đặc biệt, thiết kế cũng như chế tạo phục trang... Nói nôm na cho dễ hiểu, đây là nơi sẽ biến ước mơ hóa thành siêu nhân của biết bao thế hệ trở thành hiện thực thông qua những bộ trang phục cosplay cực kì cầu kì và hoành tráng.

Đến với chương trình, hai chàng trai năm nay vừa tròn 20 tuổi này "dắt" nguyên một biệt đội siêu nhân cùng một mô hình khủng long do mình sản xuất theo cùng để thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn.

Đối diện với các Shark, Đức Mười và Văn Trung đã lần lượt trình bày về tiềm năng, hướng phát triển của công ty mình như lượng khách hàng tiềm năng là hơn 70.000 người Việt đam mê cosplay hay những hợp đồng sáng tạo mô hình dùng cho công viên giải trí, phim ảnh... Trong vòng 3 tháng, dự án của 2 chàng trai cũng đã thu được hơn 200 triệu đồng chỉ thông qua việc bán sản phẩm trên mạng.

Những thương vụ đáng xem nhất Shark Tank Việt Nam - Ảnh 2.

Bằng những lý lẽ thuyết phục và tiềm năng phát triển, Đức Mười và Văn Chương đã thành công kêu gọi được 3,1 tỷ đầu tư cho 51% cổ phần

Ban đầu, Đức Mười và Văn Trung hy vọng sẽ được đầu tư 3 tỷ tương ứng với 15%. Tuy vậy, do hai chàng trai còn khá trẻ và chưa tốt nghiệp đại học nên các Shark không thể tin tưởng vào khả năng điều hành cũng như phát triển của dự án. Chính vì vậy, con số cuối cùng được đưa ra là đề nghị 3,1 tỷ đồng cho 51% cổ phần đến từ Shark Vương và Shark Linh.

Nữ CEO công ty thời trang đồ ở nhà cho phụ nữ EMWEAR thành công gọi được số vốn 2 tỷ đồng

Màn gọi vốn của Thùy Trang, nữ CEO của EMWEAR - một công ty chuyên về thời trang ở nhà cho phụ nữ là thương vụ gây ồn ào tiếp theo trong Shark Tank.

Những thương vụ đáng xem nhất Shark Tank Việt Nam - Ảnh 3.

Thùy Trang - nữ CEO thành công kêu gọi gấp đôi số tiền đầu tư mà mình mong muốn

Ngay từ lúc mới xuất hiện, Thùy Trang đã có màn "chào sân" khá ấn tượng khiến tất cả các Shark đều phải tròn mắt ngạc nhiên. Để giới thiệu những sản phẩm của công ty mình, Thùy Trang đã mời 2 người mẫu là bạn mình để trình diễn. Bên cạnh màn giới thiệu bằng hình ảnh này, Thùy Trang cũng đã đưa ra nhiều con số mà EMWEAR đã làm được để thuyết phục các nhà đầu tư.

Theo đó, Thùy Trang đã bỏ 40 triệu là số vốn ban đầu để thành lập công ty. Doanh thu 3 tháng đầu tiên của EMWEAR chỉ vỏn vẹn 60 triệu đồng, tuy nhiên, sau một quá trình vận hành, doanh thu đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể, 3 tháng gần đây nhất, công ty đã đạt được con số 840 triệu đồng. Thùy Trang cũng đã khoanh vùng khách hàng của mình là phụ nữ từ 20 đến 35 tuổi, thu nhập hàng tháng trên 8 triệu đồng, sống ở TP.HCM và Hà Nội. Mỗi khách hàng trung bình mua 2 sản phẩm (1,2 triệu đồng) khi đến cửa hàng.

Đến với Shark Tank, Thùy Trang mong muốn gọi được số vốn 1 tỷ 150 triệu đồng, đổi lấy 25% cổ phần của công ty. Mặc dù khá nhiều tỏ ra e ngại rằng ý tưởng của Thùy Trang là một ý tưởng không mới, hơn nữa rủi ro khá nhiều khi thị trường thời trang nữ ở Việt Nam gần như đã bão hòa nhưng Thùy Trang vẫn thành công thu hút được sự chú ý của 4 Shark nam. Cuối cùng, với đề nghị 2 tỷ lấy 25% cổ phần, Shark Vương lại một lần nữa "giật deal" thành công khi nhận được lời chấp nhận từ phía nữ CEO Thùy Trang.

Dù thành công kêu gọi đầu tư như thương vụ này lại vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều khi nhiều người cho rằng chiến thắng của Thùy Trang không thuyết phục. Theo họ thì sản phẩm của Thùy Trang chưa thực sự phù hợp với thị trường Việt Nam, hơn nữa cô còn chưa nói đến nhiều vấn đề khác như kế hoạch cạnh tranh, khả năng cung ứng...

Từ chối 3 tỷ đầu tư để lấy 2 tỷ, sáng lập viên công ty giao hàng chiến thắng thuyết phục

Trong tập 4 của Shark Tank, cư dân mạng dành nhiều sự chú ý cho màn gọi vốn của Thanh Hoài - chàng CEO trẻ tuổi đến từ công ty Super Ship - Biệt đội giao hàng siêu đẳng. Super Ship của Thanh Hoài là một công ty chuyên về dịch vụ giao hàng, thu tiền về hộ cho các shop bán hàng online với tổng cộng 70 nhân viên giao hàng và 30 nhân viên văn phòng.

Theo Thanh Hoài, mỗi ngày Super Ship xử lý khoảng 2000 đơn hàng và tốc độ tăng trưởng mỗi tháng của công ty anh là từ 10 đến 20%. Đặc biệt, doanh thu tháng gần đây nhất của Super Ship rơi vào tầm 1 tỷ đồng. Đến với Shark Tank, chàng trai này mong muốn được đầu tư 2 tỷ đồng, tương ứng với 10% cổ phần.

Màn giới thiệu khá tự tin và đầy đủ của Thanh Hoài đã tạo được ấn tượng rất tốt với nhà đầu tư. Trước những câu hỏi của các Shark, sáng lập viên của Super Ship cũng đã bình tĩnh giải đáp và trả lời một cách thuyết phục. Ngoại trừ Shark Linh đứng ngoài cuộc chơi thì 4 Shark còn lại đã lần lượt đưa ra những con số đề nghị cũng như nhiều lời "chèo kéo" Thanh Hoài về team mình.

Cuối cùng, giữa 2 lời đề nghị 3 tỷ cho 30% của Shark Phú & Shark Khoa cùng 2 tỷ cho 20% của Shark Vương, Thanh Hoài đã chọn Shark Vương cùng lời cam kết của anh rằng nhất định sẽ kéo 2 "khách sộp" là Shark Khoa và Shark Phú về cho Super Ship.

Những thương vụ đáng xem nhất Shark Tank Việt Nam - Ảnh 8.

Bằng khả năng thuyết phục cũng như hiểu rõ công ty mình, Thanh Hoài đã nhận được 2 tỷ đầu tư

Chiến thắng của Thanh Hoài và Super Ship đã nhận được khá nhiều lời khen từ cư dân mạng vì cho rằng anh đã hiểu rõ về công ty mình cũng như biết hướng phát triển phù hợp cho nó trong tương lai.

Hai cô nàng xinh đẹp với dự án vẽ tranh giải trí được các Shark giành giật đầu tư

Tập 5 của Shark Tank cũng chứng kiến một thương vụ thành công khá thuyết phục của hai cô gái xinh đẹp với dự án vẽ tranh Tipsy Art. Nguyễn Thu Trang và Bùi Thu Ngân mang đến Shark Tank những thông tin khá đầy đủ về dự án vẽ tranh giải trí của mình.

Những thương vụ đáng xem nhất Shark Tank Việt Nam - Ảnh 9.

Thu Trang và Thu Ngân đến Shark Tank để kêu gọi đầu tư cho dự án Tipsy Art của mình

"Giống như hát karaoke, bạn không phải là ca sĩ mà bạn vẫn có thể hát thì đến với Tipsy Art, bạn không phải là họa sĩ, bạn cũng có thể chưa cầm cọ bao giờ nhưng bạn vẫn có được trải nghiệm vẽ tranh. Giá trị tinh thần quan trọng hơn giá trị vật chất" là thông điệp về Tipsy Art mà Thu Trang và Thu Ngân muốn gửi gắm.

Với ước mơ truyền đi nguồn cảm hứng này, Thu Trang và Thu Ngân hy vọng sẽ được đầu tư 2,2 tỷ đồng tương ứng với 10% cổ phần để xây dựng một không gian sáng tạo chung và làm quảng bá. Trước những câu hỏi và thắc mắc của các Shark, Thu Trang và Thu Ngân không hề nao núng mà giải đáp vô cùng bình tĩnh. Với số vốn khiêm tốn 20 triệu đồng từ 2 năm trước, hai cô gái trẻ đã gây dựng được một mô hình kinh doanh với doanh số 9 tháng đầu năm 2017 là 2,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 20%.

Tuy nhiên, Shark Hưng cũng đã bắt bài và cho rằng giá trị công ty của Thu Trang và Thu Ngân không được cao như định giá mà hai cô gái đặt ra. Dẫu vậy, nhờ sự rành rọt về quản trị tài chính, mô hình kinh doanh cũng như những kế hoạch, dự toán, tầm nhìn rành mạch, dự án Tipsy Art của Thu Ngân và Thu Trang vẫn thu hút được sự chú ý của 4/5 Shark. Trừ Shark Hưng đứng ngoài cuộc chơi vì chưa thấy được sự khác biệt thì lần lượt các Shark đã đưa ra các đề nghị khác nhau dành cho hai cô gái trẻ. Sau cùng, bằng con số 2,2 tỷ cho 35% nghe chừng bất lợi, Shark Khoa vẫn thành công hợp tác cùng Thu Trang và Thu Ngân.

Tiến sĩ hàng không từ chối đề nghị đầu tư 27 tỷ đồng của Shark Phú

Thương vụ kêu gọi đầu tư từ tiến sĩ công nghệ hàng không Nguyễn Văn Phong trong tập 5 của Shark Tank Việt Nam có lẽ là một trong những thương vụ tuy không thành công nhưng lại gây shock nhất. Ấn tượng đầu tiên về thương vụ này chính là ở con số đầu tư mà vị tiến sĩ này hy vọng nhận được - 1,2 triệu đô la (27 tỷ cho 15% cổ phần), đây là số tiền gọi vốn đầu tư lớn nhất kể từ lúc Shark Tank Việt Nam lên sóng đến nay.

CEO Nguyễn Văn Phong là "cha đẻ" của Công ty Atadi – mô hình săn vé máy bay trực tuyến đang trở thành hiện tượng trong giới khởi nghiệp. Theo lời giới thiệu của anh Phong thì sau 2 năm đầu không có doanh thu để tập trung phát triển hệ thống, công ty đạt doanh thu 3,6 tỷ đồng trong năm 2016 và lỗ 30% con số này. Sang đến năm 2017, doanh thu 10 tháng đầu tiên của Atadi đạt 8 tỷ đồng, coi như "thu đã bù chi". Và dự kiến doanh thu mảng bán vé trong năm 2018 của công ty sẽ đạt 16 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm 30%.

Những thương vụ đáng xem nhất Shark Tank Việt Nam - Ảnh 13.

CEO công ty Atadi - Nguyễn Văn Phong kêu gọi số vốn khủng 27 tỷ đồng

Số vốn "khủng" mà vị tiến sĩ này hy vọng nhận được sẽ được dùng để đầu tư cho nền tảng phân phối phòng khách sạn trực tuyến. Cùng với người đồng sáng lập và chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, anh Phong tin rằng mình có thể xây dựng được một mạng lưới đủ sức "sửa chữa" các khiếm khuyết của những nhà cung cấp dịch vụ khách sạn lừng danh như Traveloka, Booking.com hay Agoda mắc phải.

Các đòn tấn công qua lại từ phía "nhóm cá mập" cũng như những ý kiến đanh thép đáp trả từ phía CEO Nguyễn Văn Phong đã khiến khán giả có những giây phút nghẹt thở thực sự. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh phát triển thị trường bằng cách làm tăng tổng cầu chứ không chỉ giành giật thị phần từ các đối thủ của tiến sĩ hàng không Nguyễn Văn phong đã không thuyết phục được 4/5 Shark. Người duy nhất còn trụ lại với lời đề nghị sẽ đầu tư 27 tỷ đồng tương đương 50% cổ phần là Shark Phú.

Tuy nhiên, đi kèm con số đó, Shark Phú cũng đưa ra nhiều điều kiện khác như Atadi phải "neo" khoản đầu tư theo kết quả kinh doanh mảng vé máy bay. "Nếu mảng bán vé máy bay đi đúng tiến độ, tôi sẽ đầu tư tiếp, còn mảng vé chết thì tôi sẽ dừng đầu tư ngay lập tức", Shark Phú nói.

Cho rằng 50% cổ phần là quá lớn, CEO Atadi đề nghị Shark Phú giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức 30%. Shark Phú đưa ra quyết định cuối cùng là 45% trong khi tiến sĩ hàng không Nguyễn Văn Phong chỉ "chốt" nếu tỷ lệ cổ phần trao đổi là 35% bởi tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư mới quá cao sẽ khiến các nhà sáng lập mất đi động lực làm việc. Hơn nữa, bản thân "cha đẻ" của Atadi cũng sẽ không còn quyền phủ quyết nên khó mà thực thi các kế hoạch kinh doanh tiếp theo. Cuối cùng, do 2 bên không tìm được tiếng nói chung nên thương vụ kết thúc trong thất bại.

Những thương vụ đáng xem nhất Shark Tank Việt Nam - Ảnh 15.

Màn đấu đá giữa tiến sĩ hàng không Nguyễn Văn Phong và các Shark vô cùng gay cấn

Dù thương vụ không thành công nhưng màn "đấu đá" của CEO Nguyễn Văn Phong và Shark Phú vẫn trở thành một trong những phân đoạn ấn tượng nhất của Shark Tank Việt Nam. Phần lớn bình luận của cư dân mạng tỏ ra khâm phục và ngưỡng mộ trước ý tưởng cũng như những lập luận sắc bén của vị tiến sĩ hàng không. Nhiều bạn trẻ cũng cho rằng bản lĩnh của vị CEO này nhất định sẽ tạo dựng nên thành công của Atadi trong tương lai không xa, đồng thời trở thành tiền đề và tấm gương cho nhiều bạn trẻ khác.