SEA Games và... smartphone

Hoa Vinh (từ Singapore), Theo Trí Thức Trẻ 14:01 03/06/2015

Cũng như đa số bạn trẻ Việt Nam, thanh niên Singapore rất thích và thường xuyên sử dụng smartphone. Liệu trong mắt họ, SEA Games có quan trọng và hấp dẫn bằng chiếc điện thoại cầm tay?

Đến Singapore tác nghiệp, ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng thấy các thanh niên tay lúc nào cũng lăm lăm chiếc smartphone. Ngồi trên tàu điện ngầm, hầu hết các bạn trẻ tai đeo tai nghe, tay lướt điện thoại vèo vèo. Đi bộ trên đường, nhiều người cắm cúi bấm bấm điện thoại. Đến sân vận động xem bóng đá, khi trận đấu chưa bắt đầu, họ ngồi chơi điện tử. Khi trận đấu đang diễn ra, họ chuyển sang “tự sướng”.

Thậm chí, ngay cả khi ăn cơm, nhiều người một tay cầm thìa, tay kia cầm điện thoại, còn mắt thì tất nhiên là dán vào smartphone chứ không phải đĩa cơm. Nói tóm lại, các bạn trẻ Singapore có thói quen sử dụng điện thoại dù nhiều người có khi chỉ xem đi xem lại tài khoản facebook cá nhân theo kiểu... phản xạ không điều kiện.


Hình ảnh mỗi người một Smathphone ở Singapore đâu đâu cũng thấy

Cách đây mấy tháng, nhiếp ảnh gia Yuen Sin đã đăng một bộ ảnh trên báo Zhengjiang Daily. Trong bộ ảnh này, ở những nơi công cộng, người phương Tây có sở thích đọc sách truyền thống, còn người châu Á thì rất hiếm khi rời tay, rời mắt khỏi các thiết bị điện tử, trong đó chủ yếu là Iphone và Ipad. Ở Việt Nam, trên mạng xã hội và cả ở ngoài đời, lớp trẻ hay gọi đùa những người “nghiện” thiết bị điện tử là “Những thanh niên châu Á”.

Ở nhà thi đấu OCBC Arena ngày 3/6, trong một trận đấu netball (bóng lưới) của SEA Games 28, môn thể thao sở trường của Singapore, tôi thấy không ít thanh niên đến sân xem thi đấu thì ít mà chụp ảnh “tự sướng” thì nhiều. Ngồi cạnh tôi là chị Charmaine Keoh. Suốt hơn một giờ đồng hồ ngồi trên khán đài, Charmaine chủ yếu tạo dáng, chỉnh tóc, chu môi, chớp mắt đủ kiểu để chụp ảnh rồi lập tức “tung phây”.


Với nhiều bạn trẻ Singapore, SEA Games không quan trọng bằng việc được "nghịch" smartphone mọi lúc mọi nơi
 
Hỏi Charmaine sao không xem thi đấu, chị bảo: “Đến sân lấy không khí là vui rồi. Xem chút thôi, còn lại chụp ảnh đưa lên facebook, chat với bạn bè chứ tôi nào có hiểu luật thi đấu”. Nói là làm, chụp ảnh bản thân xong, Charmaine tạm biệt tôi để rời OCBC Arena và sang... khu mua sắm, nơi mà chị có thể tạm rời mắt, rời tay khỏi điện thoại để shopping.

Tất nhiên, thanh niên Singapore không phải ai cũng như chị Charmaine. Ở Nhà thi đấu trong nhà, anh Li Kuaw Huang, một cổ động viên môn bóng bàn rất khoái chụp ảnh, nhưng vẫn cổ vũ cực kỳ nhiệt tình. Hỏi chuyện, Li bảo: “Tôi hâm mộ bóng bàn từ nhỏ. SEA Games lần này, đội tuyển bóng bàn Singapore có khả năng giành nhiều huy chương nên tôi không bỏ lỡ buổi thi đấu nào. Tôi cũng muốn chụp ảnh mình đến xem bóng bàn để “khoe” với bạn bè. Gì chứ SEA Games diễn ra trên sân nhà mà không lưu lại một số hình ảnh kỷ niệm thì... hơi phí.” 

Đến khi tôi hỏi Li về việc “hâm mộ” smartphone, chàng trai này có chút ngượng nghịu rồi giải thích: “Thì thanh niên bây giờ ai chẳng thế, có riêng gì tôi đâu”. Đúng như Li nói, ngồi nhà thi đấu, nhưng chúng tôi thường xuyên thấy màn điện thoại sáng trên khán đài. Rồi không ít bạn trẻ “thủ” sẵn pin dự phòng để lắp vào khi cần thiết.

Ở SEA Games 28, “Những thanh niên châu Á” đến nhà thi đấu không hẳn vì đam mê thể thao. Nhưng xét cho cùng, cuộc sống như thế mới đa dạng, khi mỗi người đều có những sở thích của riêng mình. Thậm chí, tôi tự hỏi, không biết có phải nhờ... smartphone và nhu cầu chụp ảnh “tự sướng” của nhiều thanh niên hay không mà nhà thi đấu các môn thể thao trong những ngày đầu trước lễ khai mạc lại đông vui, nhộn nhịp đến thế?
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày