SEA Games 28 cũng không phải ngoại lệ. Ngày đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam lên đường sang Singapore, họ khệ nệ với những thùng mì, dưa muối trông còn bận bịu hơn cả việc mang hành lý. Các đội tuyển ở những môn thể thao khác cũng không bao giờ quên mua mì để “phòng thủ” mỗi khi gặp phải vấn đề không hợp khẩu vị.
BTC đã rất chu đáo khi sắp xếp nhiều mì tôm tại trung tâm báo chí
Một vận động viên thậm chí đã phát biểu: “Những lúc ra nước ngoài thi đấu, đôi khi mì gói trở thành đặc sản trong mỗi bữa ăn. Bởi nhiều khi không ăn thì không thể có sức tập luyện, thi đấu. Ăn những món không hợp khẩu vị thì không thể tiêu hoá nổi. Vậy là mì đương nhiên trở thành sự lựa chọn số một”. Trong những trường hợp như vậy, mì là món ăn qua bữa để các vận động viên duy trì được thể lực trước khi xung trận.
Không chỉ có vận động viên, những phóng viên Việt Nam mỗi khi “đồng hành” cùng đoàn thể thao Việt Nam cũng không quên mang theo mì. Một phóng viên thể thao có nhiều năm dự các đại hội thể thao lớn ở nước ngoài đã đúc kết: “Ngoài các loại máy móc, đồ nghề tác nghiệp, có 2 thứ không bao giờ được quên là hộ chiếu và mì gói”.
Mì là bạn đồng hành với cánh phóng viên khi tác nghiệp tại các kỳ Sea Games
Chẳng nói đâu xa, chính chúng tôi, khi khởi hành từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) tới sân bay Changi (Singapore) tác nghiệp SEA Games 28 cũng cố gắng nhồi được càng nhiều mì vào hành lý càng tốt. Làm việc kéo dài 3 tuần tại Singapore, không có mì thì có khi khó trụ được đến hết đại hội.
Như hiểu được ý nghĩ của cánh nhà báo Việt Nam (thực ra thì mì cũng là món ăn liền phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới), Ban tổ chức SEA Games 28 đã bố trí rất nhiều hộp mì ăn liền tại Trung tâm báo chí. Các loại bánh, hoa quả, há cảo có thể hết sớm nhưng riêng mì thì thuộc diện... vô biên, không bao giờ hết. Với báo chí, mì gói hiện tại cũng như trước nay vẫn thế, là món ăn qua bữa để tiết kiệm thời gian phục vụ cho công việc.
Nhưng cũng tại SEA Games 28, mấy ngày trước, chúng tôi đã có dịp ăn cùng, ở cùng một số người Việt Nam đang lao động với những công việc thu nhập rất thấp tại đây. Trong khu chung cư tồi tàn tại Block 3, Lorong 6, Crystal Mansion (Geylang), dù được cung cấp điều hoà nhiệt độ theo yêu cầu, chúng tôi cũng chỉ “trụ” được 2 ngày rồi cũng phải đổi nơi ở.
Sát vách với chúng tôi, có một nhóm lao động Việt Nam ở trong một nơi không biết gọi là gì. Cái mà họ gọi là “phòng” khi mời chúng tôi vào chơi chỉ là vài tấm đệm thủng lỗ chỗ, ga ố vàng trải trên những tấm phản ọp ẹp. “Cửa phòng” là một tấm ri đô kéo hờ. Thời tiết ở Singapore hiện tại vô cùng nóng nực (khoảng 33-34 độ), nhưng tất cả chỉ có một chiếc quạt nhỏ dùng chung để làm mát.
Với nhiều người có mì để ăn mỗi ngày đã là hạnh phúc
Với những người lao động có thu nhập ước tính chưa tới 1.000 đô la Singapore/tháng thế này, chỉ tính tiền nhà thôi cũng đã là một gánh nặng với họ. Thử nhẩm, 3 người chúng tôi thuê một phòng đã mất 60 đô la Singapore/ngày. Họ ở chật chội hơn, đông hơn và lâu hơn thì giá chắc rẻ hơn, nhưng số tiền còn lại cũng chẳng là bao.
Với họ, tất nhiên món ăn sáng, thậm chí là cả trưa và chiều thường xuyên là mì gói. Lý do: Món này rẻ, có thể giúp họ giải quyết cái đói khi hết gạo thổi cơm hoặc chưa có lương mà tiền đã hết. Bởi vậy, dù nơi ở này chỉ cách Khu liên hợp thể thao Sports Hub hoành tráng 10 phút đi bộ, nhưng khi được hỏi về SEA Games 28, một người trong nhóm cho biết: “Tiền mua mì cuối tháng lắm lúc còn chẳng có, lấy đâu ra mua vé đi xem SEA Games”.
SEA Games qua góc nhìn của... những gói mì hoá ra không chỉ có sự hoành tráng. SEA Games ấy có những vận động viên ăn mì để có sức thi đấu, có những phóng viên ăn mì để bảo đảm công việc. Và ở nơi tổ chức SEA Games chúng tôi đến, có những người dân chẳng có thời gian đâu mà quan tâm đến SEA Games, khi gói mì nhiều khi là sự quan tâm cần thiết hơn trong cuộc sống hàng ngày của họ.