SEA Games 28: Vui là đây chứ đâu

Hoa Vinh (Từ Singapore), Theo Trí Thức Trẻ 14:23 02/06/2015

Đến ngày 5/6, SEA Games 28 mới chính thức khai mạc. Nhưng vào thời điểm hiện tại, không khí của ngày hội đã bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ tại Singapore.

Điểm nhấn của SEA Games 28 là Khu liên hợp thể thao quốc gia Sports Hubs và đó cũng chính là điểm hẹn lý tưởng của rất nhiều gia đình Singapore trong những ngày này. 


Singapore muốn biến kỳ SEA Games này thực sự trở thành một ngày hội

Từ khu vực khách sạn nơi chúng tôi ở tới Sports Hub chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ nên rất thuận tiện để tới trung tâm báo chí (nằm trong sân vận động quốc gia và thuộc Sports Hub) để lấy thông tin tác nghiệp. Song Sports Hub không chỉ phục vụ riêng các đoàn thể thao hay giới truyền thông. Khu liên hợp được đánh giá là hoành tráng, lộng lẫy này xứng đáng là niềm tự hào của Singapore. Ngoài việc tổ chức các cuộc thi đấu thể thao đỉnh cao, Sports Hub còn phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm, tham quan, giải trí, chơi thể thao của người dân Singapore. 

Dạo một vòng quanh Sports Hub, chúng tôi khá ấn tượng với khu vực vui chơi thể thao (hoàn toàn miễn phí) dành cho người dân tham gia. Dường như, người Singapore không mấy mặn mà với bóng đá. Các môn thể thao mà họ tạo ra cho người chơi gồm cricket, boxing, bóng bàn... Nếu có gì liên quan một chút đến bóng đá thì đó chỉ là trò billiards biến thể khi người chơi dùng chân (thay vì dùng gậy) đá bi cái (là những quả bóng cao su) vào bi mục tiêu.

Đúng là vui chơi có khác. Không ít người Singapore khi được hỏi chẳng biết SEA Games lần này là lần thứ mấy Singapore làm chủ nhà, đại hội có bao nhiêu môn, được tổ chức ở mấy địa điểm. Nói như anh Chow Hsieh Fang, người ngày nào cũng đưa cậu con trai nhỏ vào chơi môn cricket thì: “Thú thực là SEA Games thế nào tôi cũng không biết rõ lắm. Nhưng tôi rất vui khi đất nước có một công trình đẹp và là nơi tôi có thể đưa con đến chơi mỗi ngày”.


Nhiều người Singapore không mấy quan tâm đến SEA Games nhưng họ thường xuyên tới Sports Hub để...mua sắm

Tương tự anh Chow, chị Katherine Ng, một người dân sống gần Sports Hub rất thích tới khu liên hợp này. SEA Games 28 quy mô thế nào chị Katherine chẳng mấy quan tâm bởi mục đích chính của chị khi tới đây là để... mua sắm. “Đọc báo điện tử thấy truyền thông các nước Đông Nam Á ca ngợi Sports Hub tôi rất vui. Nhưng điều mà tôi thấy thú vị nhất là Sports Hub có một khu mua sắm rất lớn, đủ để tôi thoải mái “lạc” ở đây cả ngày không chán”, chị Kathrine khẳng định. 

Tất nhiên, không phải người dân Singapore nào cũng “mù mờ” về SEA Games. Nhiều người khi được hỏi có thể phân tích vanh vách đội nào là ứng cử viên sáng giá cho tấm huy chương vàng môn bóng đá, nước chủ nhà sẽ đoạt bao nhiêu ngôi quán quân bơi lội, Singapore có thể xếp thứ mấy toàn đoàn... Nhưng điều quan trọng nhất với người dân Singapore không phải là việc đoàn thể thao của họ phải đoạt được thành tích cao bằng bất cứ giá nào. Với họ, Sports Hub đã là một thành tựu, là điều mang tới cho họ niềm tự hào trước bè bạn trong khu vực. 

Bấy lâu nay, SEA Games đã bị coi là “hội làng” với rất nhiều điều tiếng trong việc  cạnh tranh thành tích. SEA Games chưa chính thức khai mạc nên không thể khẳng định có hay không việc “quy hoạch” huy chương vàng. Nhưng bất kể thế nào, Ban tổ chức SEA Games 28 cũng đã thành công khi tạo được ấn tượng với các nước khác về công tác tổ chức và niềm vui cho người dân bản xứ. 

“Vui như hội” thì thế cũng đã là quá đủ. Bởi thành tích ở SEA Games đâu có phản ánh hoàn toàn chính xác thực lực của một vận động viên, một đội thể thao hay thậm chí là vị thế của cả một đoàn thể thao?