SEA Games 31: Những chiến thắng kịch tính, cảm xúc hơn nhờ công bằng và fair-play

GN, Theo Tổ Quốc 11:14 20/05/2022

Tại SEA Games 31, sự công bằng và fair-play là điều được nhấn mạnh ngay từ trước khi đại hội khởi tranh. Trong quá trình thi đấu, không ít lần các trọng tài khiến người hâm mộ cũng như vận động viên Việt Nam “thót tim” và lo lắng với những quyết định dứt khoát, công tâm.

Những quyết định khiến chiến thắng thêm kịch tính

Ngày 17/5, niềm hy vọng số 1 của Taekwondo là võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền bước vào thi đấu tại chung kết nội dung đối kháng, hạng cân dưới 46kg nữ. Khi tỷ số đang là 1-1, Kim Tuyền thực hiện một cú đá móc trúng đầu đối thủ. Nếu tỷ số 4-1, Kim Tuyền sẽ có một thế trận dễ thở hơn. Tuy nhiên, đúng vào lúc bảng tỷ số nhảy điểm, phía Thái Lan rút thẻ xin khiếu nại. Các trọng tài xem xét rất kỹ tình huống trong khoảng 5 phút, kết quả, Kim Tuyền không được tính điểm.

Đáng nói, quyết định được các trọng tài đưa ra trong bầu không khí đầy áp lực từ các khán đài nhà thi đấy Tây Hồ. Sau khi giành chiến thắng, Kim Tuyền chia sẻ: "Bản thân tôi nhìn nhận thì rất tiếc với quyết định mà trọng tài đưa ra. Tôi cảm giác mình không hề đẩy. Nhưng trọng tài quyết định thì tôi tôn trọng. Chính quyết định đó cũng khiến chiến thắng thêm phần kịch tính và ý nghĩa hơn".

SEA Games 31: Những chiến thắng kịch tính, cảm xúc hơn nhờ công bằng và fair-play - Ảnh 1.

Các trọng tài xem lại băng hình tình huống tấn công của Kim Tuyền (Ảnh: GN)

Một ngày sau, tại cung điền kinh, trong trận chung kết nội dung kiếm chém đồng đội nữ giữa Việt Nam và Singapore, ĐT Việt Nam cũng phải nhận một quyết định khiến chiến thắng… thêm phần hồi hộp. Khi tỷ số đang là 23-25, hai VĐV có pha tấn công đồng thời nhanh như điện, trọng tài ra dấu điểm cho Singapore trong sự ngỡ ngàng của VĐV Việt Nam.

Khoảng cách rút ngắn chỉ còn 1 điểm, bầu không khí trở nên căng thẳng cực độ. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh của mình, các VĐV của Việt Nam đã biết cách vượt qua áp lực để nới rộng khoảng cách và giành chiến thắng với tỷ số 45-39, đồng thời mang về tấm huy chương vàng SEA Games đồng đội nữ đầu tiên sau 7 năm chờ đợi.

Đáng nhớ nhất là sự kiện giành ĐT bơi Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games đầu tiên trong lịch sử ở nội dung tiếp sức đồng đội nam (4x100m tiếp sức). Sau khi về đích thứ 3 với thành tích 3 phút 21 giây 81, các chàng trai Việt Nam sẵn sàng tinh thần nhận huy chương đồng. Bên trong đường hầm, ĐT Singapore đã trả lời xong phần phỏng vấn của nhà vô địch. Thế nhưng, ban tổ chức bất ngờ thông báo hai đội Singapore và Malaysia đều phạm quy. Việt Nam trở thành nhà vô địch ở nội dung 4x100 tự do tiếp sức nam đầy may mắn.

VĐV đấu kiếm Việt Nam nói chuyện với trọng tài (ảnh trái) và khoảnh khắc trọng tài quan sát các VĐV bơi Singapore xuất phát (ảnh phải). Ảnh: GN

Sau khi các học trò nhận huy chương, HLV Phan Quang Minh Quân chia sẻ: "Đây là bất ngờ vì chúng tôi không mạnh bằng Singapore, nhưng họ có tới 2 VĐV phạm quy. Đây là lỗi rất là nhạy cảm trong thể thao, do máy điện tử xác định chứ không phải trọng tài nên rất công minh".

Vì một SEA Games công bằng, fair-play

Không chỉ có chiến thắng, đôi lúc các quyết định của trọng tài cũng trở nên nghiệt ngã với các VĐV Việt Nam. Ngày 18/5, VĐV điền kinh Lò Thị Thanh đã bị tước huy chương sau khi trọng tài quyết định rằng, đôi giày của cô phạm quy, không đúng chuẩn để tham gia thi đấu ở nội dung 10.000m. Theo tài liệu của Liên đoàn điền kinh thế giới, các nội dung từ 800m trở lên, độ dày của đế giày thi đấu không được vượt quá 25mm. Đôi giày mà Thanh sử dụng có để giày 35mm. Đây là sự việc hết sức đáng tiếc.

SEA Games 31: Những chiến thắng kịch tính, cảm xúc hơn nhờ công bằng và fair-play - Ảnh 3.

Lò Thị Thanh thi đấu với đôi giày không đúng quy định (Ảnh: Như Đạt)

Theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trưởng đoàn TTVN tham dự SEA Games 31, đến thời điểm hiện tại, ban tổ chức chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào về vấn đề trọng tài. Đó chính là minh chứng của một kỳ SEA Games bảo đảm được tính khách quan, sự công bằng, trung thực của thể thao. Đây là tinh thần được ban tổ chức nhất quán ngay từ quá trình chuẩn bị. Việt Nam cũng rất nỗ lực trong việc tổ chức các môn không phải thế mạnh nhưng thường xuất hiện trong Olympic, ví dụ như nhảy cầu, hay các nội dung bơi không phải sở trường, thậm chí xác định chỉ phấn đấu top 3 giành huy chương.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, các VĐV Việt Nam đã và đang cố gắng hết mình tại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà để mang về những kỳ tích mới. Có lẽ không nhiều người nghĩ đến kịch bản đội tuyển bơi Việt Nam lại có thể đánh bại Singapore 2 lần ở các nội dung đồng đội. Hay việc đội tuyển đấu kiếm vượt qua Singapore và Thái Lan ở các trận chung kết đồng đội nam và nữ. Đó đều là những đối thủ được đầu tư khủng, tập huấn từ châu Âu đến Hàn Quốc, trong khi Thành An và đồng đội chỉ rèn quân ở… Mỹ Đình.

Sự công bằng và fair-play góp phần mang đến những trận đấu đỉnh cao, kịch tính và hấp dẫn nhất cho SEA Games 31, đồng thời, khiến tất cả các VĐV có thể thoải mái tập trung cống hiến mọi thứ tốt nhất.

https://sport5.vn/sea-games-31-nhung-chien-thang-kich-tinh-cam-xuc-hon-nho-cong-bang-va-fair-play-2022052009015775.htm https://sport5.vn/sea-games-31-nhung-chien-thang-kich-tinh-cam-xuc-hon-nho-cong-bang-va-fair-play-2022052009015775.htm