Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tính đến ngày 16/8, trên thế giới đã ghi nhận hơn 21 triệu trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó đã có hơn 770.000 trường hợp tử vong vì virus này - một con số khủng khiếp.
Tại Việt Nam, sau 99 ngày vắng bóng virus SARS-CoV-2 tại cộng đồng thì hiện nay cũng đã ghi nhận ca mắc mới thứ 962, trong đó ghi nhận 24 trường hợp tử vong. Với tốc độ phát hiện hàng chục ca mắc mới mỗi ngày như hiện nay, dự tính Việt Nam có thể vượt con số 1.000 ca mắc bệnh và số trường hợp tử vong sẽ còn tiếp tục tăng.
Theo số liệu thống kê của Tổ thông tin đáp ứng nhanh thuộc Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID 19 – Cục Y tế Dự phòng, số người mắc bệnh thuộc độ tuổi 0-9 tuổi là 26 trường hợp (chiếm 2,7%). Số người mắc trong độ tuổi từ 10-20 tuổi là 51 trường hợp (chiếm 5,3%). Nhóm tuổi mắc bệnh nhiều nhất là nhóm người trẻ tuổi và trưởng thành từ 20-40 tuổi. Các trường hợp tử vong do bệnh COVID 19 ở Việt Nam chủ yếu là người già có bệnh nền nặng như suy thận mạn, đái tháo đường… Chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân dưới 18 tuổi nào tử vong.
Tuy nhiên trên thế giới, cụ thể là ở Mỹ, số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 rất lớn, số lượng trẻ em dưới 18 tuổi nhiễm virus này cũng nhiều, ghi nhận có nhiều trường hợp tiến triển bệnh rất nặng và đã có những ca tử vong.
Tại Mỹ, tỷ lệ trẻ dưới 18 tuổi mắc bệnh cộng dồn từ ngày 1/3/2020 đến ngày 25/6/2020 là 8/100.000 dân (cứ 100.000 người Mỹ thì có 8 người từ 0-18 tuổi mắc bệnh). Tỷ lệ này vẫn đều đặn tăng lên hàng tuần. Đồng thời, trong số trẻ mắc bệnh, nhóm trẻ dưới 2 tuổi lại chiếm tỷ lệ cao nhất (theo thống kê của CDC Hoa Kỳ).
Phần lớn các trường hợp trẻ dưới 18 tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2 được báo cáo tại Mỹ đều có triệu chứng bệnh ở mức trung bình hoặc nhẹ, ít ghi nhận trường hợp có triệu chứng nặng cần nhập viện. Tuy nhiên, trong 208 trẻ được nhập viện (tại Việt Nam tất cả các trường hợp ghi nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 đều nhập viện theo dõi và điều trị nhưng tại Mỹ, không phải trường hợp dương tính nao cũng được nhập viện) thì có đến 69 trẻ (33,2%) rất nặng cần điều trị trong khoa Hồi sức tích cực, 12 trẻ (5,8%) cần thở máy xâm nhập và 1 trường hợp tử vong. Những con số và xu hướng này là đáng để chúng ta suy nghĩ.
Mặc dù virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở trẻ em đa phần là nhẹ, nhưng khi số lượng mắc bệnh nhiều, cũng đã xảy ra những trường hợp nặng, thậm chí là tử vong, Điều này, phần nào lý giải được cho việc không phải trẻ nào cũng có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh như nhau. Vậy nên, virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở trẻ em là nặng hay nhẹ cũng phụ thuộc vào độ tuổi, bệnh nền, tình trạng sức khỏe.
Nhóm trẻ dưới 2 tuổi mắc bệnh nhiều nhất (trong tổng số trẻ <18 tuổi mắc bệnh) có lẽ do hệ thống miễn dịch ở nhóm tuổi này là yếu nhất. Đặc biệt, nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, nếu nhiễm virus SARS-CoV-2 thì hậu quả sẽ như thế nào? Một vấn đề cần quan tâm nữa là tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em vẫn đều đặn tăng lên hàng tuần trong bối cảnh các trường học và nhà trẻ ở nhiều bang tại Mỹ vẫn đang đóng cửa. Nếu các trường học và nhà trẻ ở Mỹ mở cửa trở lại thì sao? Sẽ là một thảm họa nếu virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh ở trẻ em. Tình trạng Mỹ như vậy, nếu dịch lây lan mạnh ở Việt Nam, có lẽ các con số thống kê cũng sẽ thay đổi rất nhiều.
Để trả lời được câu hỏi này, lại phải trả lời một câu hỏi khác: Con đường lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở trẻ em như thế nào? Liệu có khác gì so với người trưởng thành hay không?
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ liệu trẻ em có dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn so với người lớn hay không? Và liệu virus này có lây truyền nhanh và mạnh như ở người lớn hay không?
Các bằng chứng gần đây cho thấy, trẻ em có thể có tải lượng virus SARS-CoV-2 trong mũi hầu ngang bằng hoặc cao hơn so với người lớn và việc lan truyền virus này có thể rất nhanh và mạnh khi trẻ em tiếp xúc gần với nhau trong các hộ gia đình hay trường học.
Về cơ bản, con đường lây bệnh giữa trẻ em và người lớn là như nhau, thậm chí ở trẻ em còn có thể lây lan mạnh hơn. Vậy, vì sao tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ em hiện tại trên thế giới và tại Việt Nam vẫn thấp?
Con đường lây bệnh giữa trẻ em và người lớn là như nhau, thậm chí ở trẻ em còn có thể lây lan mạnh hơn.
Một giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra để lý giải cho tỷ lệ mắc bệnh thấp ở trẻ em là khi đại dịch COVID 19 bùng phát, nhiều quốc gia trong đó có Mỹ và Việt Nam đã tiến hành cách ly xã hội, đóng cửa các trường học và nhà trẻ. Trẻ em không tới trường mà ở nhà, sự tiếp xúc gần giữa các trẻ với nhau được hạn chế tối đa. Trẻ em ở nhà chỉ tiếp xúc với ông - bà, bố - mẹ hoặc những người chăm sóc trực tiếp. Ý thức bảo vệ bản thân và bảo vệ trẻ cũng vì đó mà được nâng cao. Từ đó góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm và lan truyền bệnh một cách hiệu quả.
Tại Việt Nam, khi dịch bệnh bùng lên lần đầu vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay, có một làn sóng "cho trẻ về quê" với ông, bà – nơi chưa ghi nhận virus SARS-CoV-2 xuất hiện. Việc này cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ em xuống mức thấp nhất.
Nhưng trường học rồi sẽ phải mở cửa trở lại, không thể đóng cửa mãi. Xã hội rồi cũng phải làm quen và thiết lập với một trạng thái mới. Tại Việt Nam, đợt dịch lần này chúng ta không cách ly toàn xã hội như hồi tháng 4 vừa rồi mà Chính phủ quyết định xử lý và khoanh vùng theo từng mức độ, tại mỗi địa phương. Thực tế, các trường học vẫn đang mở cửa, các nhà trẻ vẫn đang nhận trẻ tới trường và có lẽ chúng ta phải làm quen với cuộc sống có thể có virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng trong thời gian dài nữa.
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh có thể "nhẹ nhàng" hơn ở trẻ em nhưng thực tế trên thế giới đã ghi nhận có thể có trường hợp nặng, thậm chí xấu hơn.
Vậy, chúng ta là bậc cha mẹ, làm sao để bảo vệ con?
Nguồn: Lotus