Scan xác tàu Titanic, công ty thám hiểm tìm thấy vòng cổ có răng “thủy quái” megalodon

Minh Hằng, Theo Phụ nữ Việt Nam 21:27 28/05/2023

Trong quá trình scan xác tàu Titanic, công ty Magellan đã bất ngờ phát hiện ra một chiếc vòng cổ đặc biệt có chứa răng của siêu cá mập megalodon.

Trên thực tế, đây là lần đầu tiên các chuyên gia phát hiện ra chiếc vòng cổ này kể từ vụ đắm tàu Titanic vào năm 1912. Đây là con tàu chở khách hạng sang được cho là tân tiến nhất cách đây 111 năm.

Chiếc vòng cổ này được công ty Magellan ở Guernsey, nằm gần vùng ven biển Pháp, phát hiện ra. Đây là công ty chuyên thực hiện thám hiểm dưới nước và lập bản đồ đáy biển. Là một phần trong dự án scan dưới nước, công ty Magellan đã tiến hành chụp 700.000 bức ảnh về xác tàu Titanic bằng hai chiếc tàu ngầm.

Theo đó, công ty sẽ sử dụng những hình ảnh này để tạo ra bản scan kỹ thuật số với kích thước thật đầu tiên của con tàu nổi tiếng mang tên Titanic. Bản scan này sẽ cung cấp một cái nhìn mới đáng chú ý về xác tàu Titanic. Trong số hàng trăm nghìn hình ảnh chụp dược, nhóm nghiên cứu của công ty Magellan đã phát hiện ra một chiếc vòng cổ có chứa vàng và răng của megalodon, một loài cá mập khổng lồ được cho là có kích cỡ lớn gấp 4 lần so với cá mập trắng ngày nay.

Scan xác tàu Titanic, công ty thám hiểm tìm thấy vòng cổ có răng “thủy quái” megalodon - Ảnh 1.

Megalodon là loài cá mập khổng lồ được coi là "sát thủ" thống trị đại dương cổ đại. Ảnh: iStock

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 1/6/2022, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, khi cùng tồn tại, megalodon và cá mập trắng nhiều khả năng săn cùng một loại con mồi. Điều này tạo nên sự cạnh tranh và đây có thể là nguyên nhân khiến những con cá mập megalodon dài khoảng 20 m trở nên bị tuyệt chủng.

Ông Richard Parkinson, giám đốc điều hành của Magellan cho biết, phát hiện chiếc vòng cổ ở xác tàu Titanic thật đáng kinh ngạc và hấp dẫn.

Megalodon đã tuyệt chủng cách đây khoảng 3,6 triệu năm trước. Đây là loài cá mập lớn nhất từng sinh sống. Bộ xương của megalodon cổ nhất có niên đại lên tới hơn 20 triệu năm. Theo Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London, con cá mập megalodon lớn nhất có thể dài từ 15 - 18 m.

Trong khi đó, theo Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Florida, răng của cá mập megalodon có thể dài tới gần 18 cm, mặc dù hóa thạch được tìm thấy thường có kích thước từ 8 - 13 cm.

Sau khi phát hiện ra chiếc vòng cổ có chứa răng của cá mập megalodon, công ty Magellan đã không lấy ra khỏi xác tác Titanic, bởi thỏa thuận giữa Mỹ và Anh.

Scan xác tàu Titanic, công ty thám hiểm tìm thấy vòng cổ có răng “thủy quái” megalodon - Ảnh 2.

Chiếc vòng này được tìm thấy trên xác tàu Titanic sau 111 năm. Ảnh: Magellan

Thay vào đó, công ty Magellan hiện đang cố gắng xác định ai là chủ nhân của chiếc vòng cổ đặc biệt này, với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI). Trên thực tế, công ty Magellan cũng đang sử dụng AI nhằm phân tích thước phim quay hành khách lên tàu vào năm 1912. Trong đó, có kiểm tra quần áo đang mặc của các hành khách và triển khai các kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng sử dụng AI để liên lạc với các thành viên gia đình của 2.200 hành khách trên chuyến đi định mệnh của con tàu Titanic.

Scan xác tàu Titanic, công ty thám hiểm tìm thấy vòng cổ có răng “thủy quái” megalodon - Ảnh 3.

Scan tàu Titanic có thể giúp tạo ra mô hình 3D chân thực về con tàu nổi tiếng này. Ảnh: Newsweek

Theo các chuyên gia, việc scan tàu Titanic của Magellan về cơ bản có thể giúp tạo ra một mô hình 3D chân thực hoặc bản song sinh kỹ thuật số của xác tàu với độ phân giải lớn chưa từng thấy.

Tuy nhiên, vì vị trí xa xôi của xác tàu nằm ở độ sâu khoảng 3.810 m, nên việc có được một bức tranh đầy đủ về khu vực này rất khó khăn.

Những cảnh quay trước đây chỉ cho phép mọi người nhìn thấy một khu vực nhỏ của xác tàu tại một thời điểm nhất định. Nhưng mô hình mới này sẽ cho phép mọi người phóng to và xem toàn bộ về xác tàu Titanic lần đầu tiên.

Titanic - con tàu được ca ngợi là "không thể chìm"

Scan xác tàu Titanic, công ty thám hiểm tìm thấy vòng cổ có răng “thủy quái” megalodon - Ảnh 4.

Titanic được coi là con tàu hiện đại và sang trọng bậc nhất vào những năm đầu của thế kỷ 20. Ảnh: Dailymail

Tàu Titanic (tên đầy đủ là Royal Mail Ship Titanic) được chế tạo bởi Nhà máy đóng tàu Harland & Wolff ở Belfast, Ireland. Titanic từng được coi là đỉnh cao của kiến trúc hàng hải và được ca ngợi là "không thể chìm".

Được xây dựng cách đây hơn 100 năm, kết cấu thép của Titanic được cố định nhờ 3 triệu đinh tán nặng 1.200 tấn. Con tàu được ca ngợi là hiện đại và sang trọng nhất vào những năm đầu của thế kỷ 20, lại không may đâm vào một núi băng trôi vào đêm ngày 14/4/1912 và chìm xuống Đại Tây Dương, ngay trong chuyến hành trình đầu tiên từ Southampton (Anh) tới New York (Mỹ).

Kết quả, vụ đắm tàu này đã khiến hơn 1.500 người thiệt mạng (chiếm hơn 2/3 thủy thủ đoàn và số hành khách trên tàu vào thời điểm đó) và làm dấy lên nhiều phẫn nộ về tình trạng thiếu thuyền cứu sinh khi con tàu gặp nạn.

Scan xác tàu Titanic, công ty thám hiểm tìm thấy vòng cổ có răng “thủy quái” megalodon - Ảnh 5.

Sau khi đâm vào một núi băng trôi, tàu Titanic chìm xuống biển trong vòng 2 tiếng 40 phút. Ảnh: Getty Images

Sau 111 năm, vụ tàu Titanic bị chìm vẫn luôn được coi là một trong những thảm họa bi thảm nhất trong lịch sử hàng hải. Thảm họa liên quan đến con tàu khổng lồ này còn trở thành đề tài cho nhiều cuộc điều tra, giả thuyết, kiện tụng.

Scan xác tàu Titanic, công ty thám hiểm tìm thấy vòng cổ có răng “thủy quái” megalodon - Ảnh 6.

Phim Titanic (năm 1997) lấy ý tưởng từ vụ đắm tàu Titanic nổi tiếng trong lịch sử năm 1912. Ảnh: Vox

Đồng thời Titanic còn là chủ đề hấp dẫn của nhiều tác phẩm văn học, hội họa, phim tài liệu và phim điện ảnh. Trong đó, có Titanic, bộ phim bom tấn của đạo diễn James Cameron. Bộ phim này đã tạo ra cơn sốt phòng vé toàn cầu vào năm 1997, lập vô số kỷ lục và chiến thắng nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có 11 giải Oscar.

Nguồn: Newsweek, CNN