Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một loạt bài viết của tài khoản Q.D., thu hút hàng trăm lượt yêu thích và bình luận. Người dùng này khẳng định bản thân tự "tạo trend" chanh: Nghĩa là khiến nhiều người yêu thích và tin tưởng việc sử dụng chanh để chữa bệnh.
Q.D viết rằng chỉ cần uống nước cốt chanh nguyên chất vào mỗi sáng, xịt chanh vào mũi, thậm chí cho trẻ nhỏ sử dụng chanh thay thuốc tây, là có thể "trị bách bệnh" - từ sổ mũi, viêm tai giữa đến mất ngủ, viêm phế quản, giảm mỡ, trị viêm xoang…
Tài khoản Q.D khẳng định bản thân tự "tạo trend" chanh: Nghĩa là khiến nhiều người yêu thích và tin tưởng sử dụng chanh để chữa bệnh.
Thực tế, không chỉ riêng Q.D, mạng xã hội gần đây cũng xuất hiện không ít bài đăng chia sẻ về lợi ích của việc uống nước cốt chanh vào buổi sáng.
Một cư dân mạng tên H chia sẻ, mỗi sáng chị uống từ 300-500ml nước cốt chanh nguyên chất để đẹp da, sáng mắt, thải độc gan, giảm mỡ máu, thậm chí chữa cả viêm khớp, viêm dạ dày, ung thư.
Một tài khoản khác, tên N.M.T, cho biết anh đã uống 300-400ml nước cốt chanh vào mỗi buổi sáng trong nhiều tháng. Điều đáng nói, anh còn tuyên bố đã ngưng dùng thuốc tây, chỉ uống nước chanh để "kích hoạt cơ chế tự chữa lành".
Uống nước cốt chanh là 1 trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội.
Lợi ích của trào lưu này đến đâu thì chưa ai kiểm nghiệm, tuy nhiên một người phụ nữ thực hiện uống nước cốt chanh sau 10 ngày đã lên mạng bày tỏ bản thân: Đau bụng dưới ức, đau quặn, nôn ra nước như mật...
Không thể phủ nhận, chanh là loại trái cây có lợi cho sức khỏe. Theo ThS.BS Đoàn Thu Hồng (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), mỗi quả chanh cung cấp khoảng 18,6mg vitamin C - chất chống oxy hóa mạnh giúp tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ tim mạch và đột quỵ. Axit citric trong chanh cũng góp phần ngăn ngừa sỏi thận và hỗ trợ tiêu hóa nhẹ nhàng.
Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra flavonoid trong chanh có thể giúp cải thiện tuần hoàn, giảm cholesterol và chống viêm nhẹ.
Tuy nhiên, đây chỉ là những lợi ích khi sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Việc uống nước cốt chanh nguyên chất hàng ngày, đặc biệt là khi bụng đói, không những không chữa được bệnh mà còn có thể gây ra không ít tác dụng phụ.
Axit citric trong chanh làm tăng tiết dịch vị. Uống chanh khi bụng rỗng có thể gây cào ruột, đau rát vùng thượng vị và làm trầm trọng thêm các bệnh lý như viêm loét dạ dày hoặc trào ngược thực quản. Đặc biệt, người có cơ địa nhạy cảm sẽ càng dễ bị tổn thương niêm mạc.
Chanh có độ pH rất thấp (2-3), tương đương axit mạnh. Uống chanh nguyên chất thường xuyên có thể làm mòn men răng, dẫn đến ê buốt, sâu răng và rối loạn cảm giác ăn uống.
Uống quá nhiều nước chanh có thể gây tiêu chảy, mất nước, rối loạn điện giải, ảnh hưởng xấu tới huyết áp và chức năng thận.
Chanh chứa tyramine - một axit amin có thể gây giãn mạch và dẫn đến đau nửa đầu. Việc lạm dụng nước chanh với mục đích "thải độc" có thể khiến người nhạy cảm bị đau đầu dai dẳng, mất ngủ và mất tập trung.
Tài khoản Q.D bên trên cũng gây bức xúc khi liên tục chia sẻ việc nhỏ nước chanh vào mắt để trị đau mắt đỏ, vào mũi để trị bệnh đường hô hấp...
Theo chuyên gia nhãn khoa, quả chanh giàu nước, chứa nhiều vitamin C, vitamin nhóm B cùng các khoáng chất. Đặc biệt, trong chanh có axit citric - một loại axit hữu cơ có độ pH thấp (nghĩa là tính axit cao). Đây chính là yếu tố gây nguy hiểm nếu chanh tiếp xúc trực tiếp với mắt.
Việc nhỏ nước chanh vào mắt hoàn toàn phản khoa học. Ở mức độ nhẹ, axit citric có thể gây kích ứng mắt, dẫn đến đỏ mắt, đau rát, chảy nước mắt. Trong trường hợp nặng hơn, nó có thể gây bỏng giác mạc, làm tổn thương lớp biểu mô mắt và thậm chí để lại biến chứng lâu dài như giảm thị lực hoặc viêm giác mạc.
Bên cạnh đó, việc nhỏ nước chanh vào mũi được các chuyên gia đánh giá là việc làm nguy hiểm và không được khuyến khích, thậm chí có thể gây tổn thương niêm mạc mũi và làm bệnh nặng thêm.
Dùng chanh sao cho an toàn và có lợi?
Luôn pha loãng: 1-2 thìa nước cốt chanh với 250–500ml nước. Có thể thêm chút mật ong hoặc vài lát gừng để tăng hiệu quả.
Không dùng khi bụng đói: Uống sau bữa ăn giúp giảm ảnh hưởng đến dạ dày.
Uống bằng ống hút, súc miệng sau khi uống để bảo vệ men răng.
Chỉ nên dùng 1-2 ly mỗi ngày, không dùng thay nước lọc, không thay thế thuốc điều trị.
Tuyệt đối không nhỏ vào mắt, xịt vào mũi hay cho trẻ dùng bừa bãi.