‘Sát thủ thầm lặng’ gây ra 80% ca tử vong tại Việt Nam

Hà Minh, Theo tienphong.vn 07:33 27/07/2025
Chia sẻ

Mỗi năm, hàng trăm nghìn người Việt tử vong vì những bệnh lí “không truyền nhiễm”.

Việt Nam là một quốc gia đông dân với đa phần dân số trong độ tuổi lao động (trung bình là 32,9 tuổi), mang đến tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, xu hướng trẻ hóa bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm (BKLA) đang đặt ra thách thức lớn, kìm hãm sự phát triển và mang đến nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội cho đất nước.

Việt Nam đối mặt với mô hình bệnh tật kép, bên cạnh phải ứng phó với bệnh truyền nhiễm, mới nổi tăng, các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, COPD, rối loạn sức khỏe tâm thần... cũng ngày càng gia tăng.
Cứ 10 người Việt thì có tới 7 người mắc các BKLN như tim mạch, ung thư, đái tháo đường hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Nhóm bệnh này đang trở thành “cơn sóng ngầm” đáng báo động trong cộng đồng – thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học “Cập nhật những bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm” tổ chức ngày 26/7 tại Hà Nội.

‘Sát thủ thầm lặng’ gây ra 80% ca tử vong tại Việt Nam- Ảnh 1.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cảnh báo: Gánh nặng bệnh tật từ các bệnh không lây nhiễm không chỉ gia tăng nhanh mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng về tử vong và tàn phế.

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, BKLN là nguyên nhân của khoảng 80% số ca tử vong, chiếm 74% gánh nặng bệnh tật và gây ra hơn 70% chi phí điều trị trong hệ thống y tế. Đặc biệt, tỉ lệ tử vong do bệnh mạch vành, đột quỵ, hai “thủ phạm” hàng đầu trong nhóm BKLN vẫn tiếp tục gia tăng.

Gánh nặng lan rộng

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế ví nhóm BKLN như những “cơn sóng ngầm”, không gây ra dịch lớn nhưng đang len lỏi và tấn công âm thầm vào mọi lứa tuổi. “Các bệnh tim mạch, ung thư, hô hấp mạn tính, đái tháo đường… đều có điểm chung là tiến triển âm thầm, nhưng gây hậu quả nặng nề. Nhiều người vẫn chủ quan vì bệnh khởi phát từ từ, nhưng khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn, điều trị tốn kém và kém hiệu quả”, ông nói.

Hiện nay, ước tính 25% người trưởng thành Việt Nam bị tăng huyết áp, yếu tố nguy cơ cao của đột quỵ và suy tim, dẫn đến khoảng 200.000 ca tử vong mỗi năm. Với ung thư, mỗi năm có gần 183.000 ca mắc mới, hơn 122.000 ca tử vong. Bệnh hô hấp mạn tính ảnh hưởng tới 4,2% người trên 40 tuổi, còn đái tháo đường tuýp 2 hiện chiếm 5,4% dân số trưởng thành.

Đáng chú ý, các bệnh này không loại trừ ai, từ trẻ nhỏ, phụ nữ, người trưởng thành đến người cao tuổi. Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, hút thuốc, uống rượu bia, ít vận động và căng thẳng kéo dài là những yếu tố nguy cơ góp phần làm bùng phát nhóm bệnh này.

Chẩn đoán muộn bỏ lỡ “thời điểm vàng”

Một thực tế đáng buồn là đa số bệnh nhân chỉ được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chẳng hạn, 65% bệnh nhân ung thư phổi ở nước ta được phát hiện khi đã ở giai đoạn III – IV, gần như không còn cơ hội chữa khỏi.

“Chẩn đoán sớm không chỉ kéo dài sự sống mà còn cho phép can thiệp kịp thời bằng điều chỉnh lối sống, dinh dưỡng, tập luyện và điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng nặng” – các chuyên gia nhấn mạnh.

Tuy vậy, GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chỉ ra một bất cập lớn trong điều trị hiện nay là phác đồ điều trị đồng loạt, chưa cá thể hóa. Ông khuyến nghị cần chuyển đổi sang cách tiếp cận “y học cá thể hóa” – điều trị theo đặc điểm di truyền, môi trường sống và phản ứng thuốc của từng người.

Giải pháp từ y học hiện đại

Theo Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm 2015–2025, mục tiêu trọng tâm là phòng bệnh hơn chữa bệnh, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và phát hiện sớm.

Trong đó, các xét nghiệm y khoa giá trị cao – công cụ quan trọng trong chẩn đoán sớm, cá thể hóa điều trị – được xem là “chìa khóa” trong chuyển đổi mô hình chăm sóc sức khỏe.

GS.TS. Nguyễn Văn Kính khẳng định: “Xét nghiệm y khoa hiện đại giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân, thay vì dùng một phương pháp cho tất cả. Đây là cách hiệu quả để tối ưu hoá kết quả, tiết kiệm chi phí và giảm tác dụng phụ”.

Ông Ricky He – Tổng Giám đốc Roche Việt Nam cho rằng: “Chẩn đoán chính là kim chỉ nam cho mọi quyết định điều trị. Nó giúp mở ra cánh cửa y học chính xác và chăm sóc sức khỏe chủ động, nơi người bệnh được điều trị tốt hơn, sống khoẻ hơn”.

Trong bối cảnh “dịch bệnh âm thầm” đang hoành hành, việc thay đổi nhận thức từ “đợi bệnh đến mới chữa” sang “phòng bệnh và tầm soát chủ động” cần được đẩy mạnh từ cộng đồng tới hệ thống y tế. Bệnh không lây nhiễm tuy âm thầm nhưng lại sát thương lớn – điều đó đòi hỏi từng người dân phải là bác sĩ của chính mình, bắt đầu từ thói quen sống khỏe mỗi ngày.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày