Vào năm đầu thập niên 2010, một phóng viên tới đưa tin về Metz, đội bóng hạng 2 Pháp. Ở đó, có một cầu thủ gây sự chú ý đặc biệt bởi hành động cúi đầu chào kiểu Nhật trước bất kỳ ai. Và khi nhìn thấy chiếc máy ảnh, anh ta hỏi người phóng viên rằng có thể chụp hộ một tấm ảnh để gửi về quê nhà cho mẹ hay không?
Dĩ nhiên là được. Đó là bức ảnh đầu tiên của anh ở châu Âu. Rồi người phóng viên hỏi email để gửi ảnh, phải mất một lúc để anh ta hiểu "email" là gì, sau đó nói không có và đưa địa chỉ email của CLB. Trong lúc người phóng viên lúi húi ghi lại, anh rụt rè hỏi: "Tôi không phải trả tiền cho nó, phải không?".
Thời điểm ấy Sadio Mane vừa đến châu Âu từ vùng quê nghèo Senegal. Tất cả đều xa lạ, và anh thì không có một xu dính túi.
Bức ảnh đầu tiên tại châu Âu của Sadio Mane.
… Một thời gian ngắn trước đó, Mane vẫn đang sống tại Bambali, ngôi làng nhỏ nằm sâu ở phía nam của Senegal. Nơi này không ai chơi bóng đá. Hoặc vì không có TV để xem, hoặc vì cuộc sống khó khăn khiến họ phải dành phần lớn thời gian để kiếm miếng ăn.
Khá dễ hiểu khi bố mẹ Mane muốn anh học hành tử tế để sau này nối nghiệp cha, trở thành một Imam, người làm lễ trong nhà thờ Hồi giáo của làng. Trong mỗi bữa ăn, họ luôn kể về những kẻ ngu ngốc theo đuổi nghiệp bóng banh và rồi không có nổi cuộc sống đàng hoàng.
Mane lại chỉ thích bóng đá. Như anh nói, "không hiểu vì sao, nhưng từ lúc 3 hay 4 tuổi tôi đã biết mình sẽ trở thành cầu thủ". Và thứ duy nhất khiến anh hứng thú với việc đi học là trường có tổ chức một giải bóng đá. Nhưng ngồi trên ghế nhà trường, Mane luôn bồn chồn như thể kiến cắn dưới mông, chỉ đợi tiếng chuông hết giờ để chạy như bay ra bãi đất trống của làng để chơi bóng.
Sadio Mane là một người sùng đạo, và sẽ trở thành Imam nếu không theo nghiệp cầu thủ.
Niềm say mê của Mane lớn đến nỗi, nếu không phải đi học, trừ một ít thời gian để ngủ, cậu dành toàn bộ cho bóng đá. Thậm chí còn không có kẽ hở nào cho việc tắm. Khi ai đó kêu ca rằng sao lúc nào cũng hôi rình? Mane đáp: "Ôi dào, đợi đến lúc nổi tiếng rồi thì tha hồ tắm".
Đến một ngày, Mane nói với bố mẹ về ý định bỏ học để tập trung cho bóng đá. Họ nói rằng anh bị điên. Sau đó mặc kệ, bởi cho rằng đó chỉ là phút giây bồng bột của cậu con trai. Để theo đuổi bóng đá, cách duy nhất là tới thủ đô Dakar. Mà Dakar thì quá xa.
Nhưng Mane không nói đùa. Một hôm, anh bí mật ném vào túi một vài bộ quần áo và đợi đến chiều tối, trốn trong đám cỏ lác trước nhà. Sáng sớm hôm sau, khoảng 6 giờ sáng, thậm chí không đánh răng hay tắm rửa, bắt đầu xách túi ra đi.
Mane là biểu tượng vươn tới thành công nhờ sự kiên định theo đuổi giấc mơ.
Không có tiền, Mane phải đi bộ rất lâu. Cho đến khi gặp một người bạn thân, anh mới xin được ít tiền để bắt xe khách tới Dakar. Đến nơi, Mane trọ nhờ nhà một người xa lạ và tới một trung tâm đào tạo, cạnh tranh với 300 cậu bé khác.
Chào đón Mane là những tiếng cười nhạo. Cũng phải thôi bởi Mane không giống như một người sẵn sàng để chơi bóng đá, với chiếc quần nhàu nát không ra quần dài cũng chẳng phải quần soóc cùng đôi giày rách tươm, đế và mũi được cố định với nhau bằng dây nilon.
Những tiếng cười im bặt khi Mane chơi. Các HLV bị thuyết phục ngay lập tức. Cuộc phiêu lưu của Mane chính thức bắt đầu.
Trong khi đó ở quê nhà, bố mẹ tìm Mane khắp nơi. Sau khi lật tung cả Bambali vẫn không thấy, họ nhớ ra cậu bạn thân của anh, gây áp lực và truy hỏi. Cuối cùng cũng có câu trả lời. Bố mẹ anh bắt xe đến Dakar với ý định lôi cổ đứa con bướng bỉnh trở về.
Giờ đây Mane có thể cười lớn về quyết định liều lĩnh bỏ nhà ra đi của mình.
Cảm thấy vô cùng xấu hổ nếu quay về Bambali như một kẻ thất bại, Mane xin cho anh nán lại đến khi khóa đào tạo kết thúc. Cực chẳng đã, bố mẹ miễn cưỡng đồng ý. Và họ đã sai lầm, bởi trong thời gian ấy, Metz (Pháp) đã phát hiện và đưa Mane tới châu Âu.
Một thập kỷ nhìn lại, Mane có lẽ cũng ngạc nhiên khi mình đi xa đến thế. Sau Metz, anh đến Red Bull Salzburg (Áo), Southampton (Anh) và bây giờ là Liverpool (Anh). Năm 2019 là một năm đáng nhớ, khi Mane trở thành nhà vô địch châu Âu và đoạt Chiếc giày Vàng Premier League 2018/19. Cũng trong năm dương lịch 2019, Mane đã ghi dấu ấn ở 39 bàn thắng (30 pha lập công và 9 kiến tạo), nhiều hơn cả Mohamed Salah cùng những đồng đội khác tại Liverpool.
Trong bóng đá, thành công luôn đi kèm tiền bạc. Và khi có tiền, không ít các cầu thủ bị cám dỗ bởi cuộc sống xa hoa, hưởng lạc. Mane thì khác. Anh chỉ cần một ngôi nhà để ở, một chiếc xe để đi.
Sau 10 năm, Mane đã biến túp lều rách nát của gia đình anh thành một ngôi nhà to lớn.
"Tại sao tôi phải có 10 chiếc Ferrari, 20 chiếc đồng hồ nạm kim cương hoặc vài chiếc máy bay? Nó đâu có làm tôi vui vẻ hơn. Tôi học dốt, thiếu thốn đủ bề, đã phải làm việc trên cánh đồng và chơi bóng đá bằng chân trần.
Hôm nay, với đôi chân ấy, tôi đã có mọi thứ. Nhưng tôi không cần những chiếc xe sang trọng, những ngôi nhà to lớn và các vật dụng hào nhoáng khác. Giờ là lúc để giúp đỡ mọi người. Tôi thích chia sẻ cuộc sống tốt đẹp của tôi tới các đồng bào còn đang khó khăn.
Vì vậy tôi đã xây trường học, sân vận động, mang đến quần áo, giày dép, thức ăn, thậm chí chu cấp 70 euro (khoảng 1,8 triệu VND) mỗi tháng cho những người đói khổ", Mane tâm sự.
Một suy nghĩ thật đáng ngưỡng mộ. Và 10 năm tới, Mane chắc chắn sẽ là một huyền thoại, đồng thời sẽ có nhiều Mane khác xuất hiện nhờ sự chắp cánh của chính anh.
Chúng ta hãy cùng chờ xem.