Rộ trào lưu “chữa lành”, bác sĩ nói thẳng: Phải đúng người

Ngọc Minh, Theo Đời sống pháp luật 11:24 16/04/2024
Chia sẻ

Chữa lành là nhu cầu chính đáng khi chúng ta đối mặt với tổn thương tâm lý và muốn cải thiện sức khỏe tinh thần. Thế nhưng, chữa lành không đúng lại có thể gây hại.

Chữa lành hiện đang là trào lưu

Khi lướt mạng xã hội, chúng ta rất dễ bắt gặp những quảng cáo giới thiệu về các khóa chữa lành hay các hội nhóm về chữa lành hoặc các bài đăng với nội dung: "Lương 5 triệu/6 triệu chữa lành ở đâu?"

Chữa lành hiện nay như là một trào lưu sống được các bạn trẻ, người đi làm tìm tới để thanh lọc tâm hồn, xoa dịu cơ thể. ThS.BS Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Viện Tâm lý học và Truyền thông (Hội tâm lý học Việt Nam) cho biết, chữa lành hiện đang là trào lưu, "hot trend". Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của chữa lành và cũng không phải tất cả mọi người đều nhất thiết phải đi chữa lành.

"Tôi đã từng gặp một người phụ nữ sinh năm 1976 có cuộc sống hôn nhân 20 năm, nhưng sau đó tan vỡ. Cả hai đứa con đều theo bố và chị chỉ sống một mình. Sau cú sốc đó, chị u uất, mất ngủ triền miên. Chị uống thuốc trầm cảm nhưng không hiệu quả.

Sau đó, chị có nghe theo bạn đi chữa lành. Chị được nghe thuyết pháp buông bỏ và cảm thấy tinh thần thư giãn. Tuy nhiên, sau 2 tuần chữa lành, quay trở lại cuộc sống chị lại u uất", bác sĩ Bách chia sẻ.

Với trường hợp của chị bệnh nhân trên, đi chữa lành thời điểm đó có thể xoa dịu. Nhưng quay về cuộc sống, họ không nhận ra được vấn đề họ đang vướng phải để chấp nhận.

"Việc chữa lành không đúng sẽ tạo ra thói quen không thể tự thức tỉnh bằng khả năng nội sinh của bản thân", bác sĩ Bách nói.

Rộ trào lưu “chữa lành”, bác sĩ nói thẳng: Phải đúng người - Ảnh 1.

Một bài đăng chia sẻ về chữa lành trên mạng xã hội

Người trẻ có cần chữa lành?

Bác sĩ Bách cho biết mỗi bản thân con người sinh ra đã có cơ chế tự chống đỡ với những áp lực trong cuộc sống. Do vậy, việc "đu trend" chữa lành là không cần thiết.

Để chứng minh cho điều này, bác sĩ Bách lấy ví dụ về trường hợp Tr (18 tuổi). Tr ít nói, ít giao tiếp, được bố mẹ nhận xét là hiền lành và nhút nhát. Để giúp con chủ động giao tiếp, bố mẹ đã nhờ bác sĩ Bách tư vấn tâm lý cho con.

Sau đó, bác sĩ Bách có khuyên Tr nên đi chạy xe ôm công nghệ vì chủ động thời gian và tiện cho việc học hành. Sau 3 tháng, khi gặp lại Tr, bác sĩ Bách đã khá ngạc nhiên vì cậu hoạt ngôn, sành sỏi hơn. Bác sĩ hỏi, Tr cũng tâm sự: "Khi đi chạy xe ôm con không thể hiền được".

"Với trường hợp của Tr, từ một đứa trẻ hiền lành đã trở lên sành sỏi hơn thì Tr có phải đi chữa lành không? Chắc chắn là không!", bác sĩ Bách nói.

Bác sĩ Bách cho rằng bản thân tâm hồn con người chưa từng lành mà sẽ có những lỗ rách. Rách ở đây chính là những trải nghiệm trong cuộc sống để chúng ta trưởng thành. Do vậy, việc "đu trend" chữa lành là không cần thiết.

Chữa lành phải đúng người

Rộ trào lưu “chữa lành”, bác sĩ nói thẳng: Phải đúng người - Ảnh 2.

ThS.BS Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Viện Tâm lý học và Truyền thông (Hội tâm lý học Việt Nam)

Bác sĩ Bách cho rằng, chữa lành rất tốt nhưng phải đúng người. Có 4 trường hợp bắt buộc phải đi chữa lành như:

- Người gặp sang chấn tâm lý. Ví như trải qua mất mát lớn, người thân yêu từ giã cõi trần, mất con hoặc bị sốc trong muối quan hệ công việc, bạn bè, người yêu…

- Người gặp tai nạn, họ bị rơi vào trạng thái sống trong ám ảnh hoặc gặp những chuyện khủng kiếp trong cuộc sống như bị xâm hại tình dục, bị lừa dối, đánh nhau để lại di chứng.

- Người gặp vấn đề rắc rối về tài chính như phá sản.

- Trường hợp bản thân nội sinh như phổ tự kỷ chức năng gây ảnh hưởng trong giao tiếp, cuộc sống thường nhật.

"Tôi không hề đả phá chuyện chữa lành nhưng phải dùng cho đúng đối tượng", bác sĩ Bách nói.

Bác sĩ Bách nhắn nhủ, các bạn trẻ hiện nay thay vì "đu trend" chữa lành thì nên biết chấp nhận cuộc sống, tìm con người của chính mình. Đừng quá ham mê chạy theo chữa lành để có những thiệt hại không đáng có.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày