Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017

Quân Du, Theo Trí Thức Trẻ 09:29 20/12/2017

Nhìn lại dấu ấn của phong cách Retro trong phim Việt năm 2017.

Phim Việt năm 2017 gây ấn tượng bởi những bộ phim mới mẻ, mang lại doanh thu cao kỷ lục. Đáng chú ý nhất chính là Em chưa 18 với thành tích phòng vé 171 tỷ có bối cảnh học đường hiện đại và tân tiến. Tuy nhiên, dấu ấn của phong cách retro mới là dòng chảy nhẹ nhàng nhưng xuyên suốt bối cảnh phim Việt năm nay, ở cả điện ảnh lẫn truyền hình.

Retro từ bối cảnh

Retro được hiểu là một trào lưu hoài cổ, mặc lại các trang phục theo xu hướng thời trang những thập niên trước, bao gồm đồ vintage và cả đồ không phải vintage nhưng được lấy cảm hứng từ phong cách thời trang thập niên trước. Ở đây, ta thấy 2 phim điện ảnh Việt có phong cách retro trong trang phục lớn nhất là Cô gái đến từ hôm quaCô Ba Sài Gòn.

Cô gái đến từ hôm qua lấy cột mốc cho bối cảnh là năm 1997. Phong cách quần áo của nhân vật trong phim thời kì này khá đặc trưng. Đồng phục vẫn theo dạng truyền thống với nam là áo sơ mi dáng thụng, quần tây xanh còn nữ thì áo dài trắng.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 1.

Áo dài nữ sinh trong Cô gái đến từ hôm qua

Bên cạnh trang phục của diễn viên, bối cảnh đường phố khá cổ kính của Hội An cũng đem lại cảm giác hoài cổ cho khán giả, tạo nên không khí phảng phất hơi thở cũ kĩ của những năm 90 thế kỷ trước, thời kỳ mà các thế hệ 8x hiện nay đã giành cả tuổi học trò của mình để gắn bó với các tập truyện 7 viên ngọc rồng hay ngóng chờ bảng xếp hạng âm nhạc Làn Sóng Xanh trên radio.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 2.

Với Cô Ba Sài Gòn, đây là một bộ phim xuyên không lấy bối cảnh ở Sài Gòn năm 1969 kết hợp với bối cảnh Sài Gòn hiện đại. Phim lấy đề tài thời trang nên phục trang, quần áo của các diễn viên cũng được chăm chút rất kỹ càng. Nhân vật chính Như Ý khi ở Sài Gòn thế kỷ trước thì diện những bộ áo dài chấm bi ôm dáng hết sức thanh mảnh và bắt mắt.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 3.

Poster đậm chất retro của Cô Ba Sài Gòn

Khi xuyên không đến thời hiện đại thì cô diện những bộ áo trẻ trung và năng động hơn nhưng về cuối phim, sự xuất hiện của bộ sưu tập áo dài của Như Ý đã kéo lại không khí hoài cổ của bộ phim, tôn vinh thông điệp những gì thuộc về truyền thống sẽ không mất đi mà còn tiếp tục sống mãi theo thời gian.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 4.

Ngoài ra, phim Mẹ chồng với bối cảnh giả tưởng là vùng Đại Điền nhưng mốc thời gian vào khoảng những năm 1950 ở Nam Bộ. Thời điểm này, những người phụ nữ Nam Bộ vận áo bà ba đơn giản. Bộ phim tuy không hoàn toàn retro nhưng việc tận dụng chi tiết áo bà ba rồi cách tân thành những bộ trang phục ấn tượng với tay bèo, tay dún, kết hợp với đủ loại chất liệu lụa, nhung, gấm khiến cho bộ phim có một không gian thời trang khá ấn tượng và đặc thù, dù nó chưa mang lại nhiều tính ứng dụng và thực tế như Cô Ba Sài Gòn.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 5.

Retro trong kịch bản

Retro trong kịch bản của phim Việt năm 2017 thì có thể nhắc đến 2 cái tên là Chí Phèo ngoại truyện và phim truyền hình Thương nhớ ở ai. Chí Phèo ngoại truyện là phim điện ảnh được nhà làm phim xin phép gia đình cố nhà văn Nam Cao để sử dụng các nhân vật trong truyện ngắn của ông nhưng đặt lại vào bối cảnh hiện đại và mang hơi thở hài hước hoàn toàn mới so với nguyên tác.

Ngay cảnh đầu tiên của Chí Phèo cũng là cảnh chiếu lại một đoạn của bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy năm 1982 của đạo diễn Phạm Văn Khoa xen lẫn với giọng dẫn của nhân vật chính rằng đây sẽ là một phiên bản hoàn toàn khác của Chí Phèo. Đây có thể xem như đường dẫn liên kết tác phẩm với yếu tố retro trong kịch bản.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 6.

Thu Trang và Tuấn Luật trong Chí Phèo ngoại truyện

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 7.

Tuy không đặt nặng yếu tố hoài cổ, nhưng Chí Phèo ngoại truyện lại gây ấn tượng với ý tưởng biến tấu một kịch bản văn học cũ. Bộ phim không thành công về nội dung nhưng lại đặt một dấu ấn trong việc tìm tòi và khai thác những giá trị văn hóa xưa của Việt Nam lên màn ảnh. Văn học Việt Nam chính là một kho tàng ý tưởng đồ sộ để tạo ra những kịch bản hấp dẫn.

Còn với Thương nhớ ở ai, bộ phim có bối cảnh là miền bắc Việt Nam những năm 50 thế kỷ trước. Bộ phim mang không khí nặng nề tư tưởng phong kiến của thời kỳ sau Pháp thuộc, khi đất nước mới giành được độc lập, đập tan ách cai trị thực dân nhưng những hủ tục, lề thói lỗi thời thì vẫn tồn tại và đè nặng lên thân phận của đàn ông và phụ nữ làng Đông, ngăn cản họ đến với hạnh phúc chính đáng, đến với tự do cá nhân.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 8.

Ngoài nội dung kịch bản nặng về bối cảnh retro, phim cũng có bối cảnh trang phục được đầu tư kỹ lưỡng. Hơn 2000 cảnh kỹ xảo được sử dụng để tái hiện bối cảnh của thời kỳ trước với những nhà thờ cổ, mái đình, bến nước. Phục trang của diễn viên thì tuân thủ chặt chẽ cách ăn mặc ngoài đời thực thời kỳ đó.

Trong đó nổi bật nhất phải kể đến việc các diễn viên nữ không mặc nội y mà chỉ mặc áo yếm. Điều này đã làm nổ ra rất nhiều tranh cãi xung quanh cách ăn mặc của các nhân vật trong phim. Nhà thiết kế phục trang chính cho phim đã có những cuộc trao đổi với báo đài về việc đạo diễn muốn tôn trọng lịch sử thời ấy đến từng chiếc áo, thời chưa có nội y.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 9.

Bối cảnh miền Bắc Việt Nam thời xưa trong Thương nhớ ở ai

2017 vẫn chưa phải là điểm dừng

Sau năm 2017, có vẻ như trào lưu retro vẫn chưa dừng lại mà sẽ tiếp tục phát triển. Điển hình như với dự án Người bất tử của Victor Vũ và Tháng năm rực rỡ của Nguyễn Quang Dũng.

Người bất tử thuộc thể loại siêu nhiên, ly kỳ xoay quanh cuộc hành trình đưa An (Đinh Ngọc Diệp) đến với hang động cất giấu bí mật của Hùng (Quách Ngọc Ngoan) – một người đàn ông sống ba thế kỷ với cuộc đời đầy rẫy những tham vọng và sự thù hận làm thay đổi số mệnh con người.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 10.

Jun Vũ hóa thân thành cô gái hát ả đào xưa

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 11.

Tác phẩm được Victor Vũ tiết lộ rằng phải mất 2 tháng để ghi hình tại nhiều địa điểm trải dài khắp ba miền Bắc – Trung – Nam như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Bình, Tiền Giang, Đồng Nai. Trong đó, bối cảnh Quảng Bình chiếm tới gần 70%. Qua các hình ảnh nhá hàng, có vẻ như bối cảnh thời Pháp thuộc được sử dụng khá nhiều và chiếm một phần quan trọng trong nội dung phim.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 12.

Bối cảnh thời Pháp thuộc trong Người bất tử

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 13.

Tháng năm rực rỡ được chuyển thể từ bộ phim Sunny rất ăn khách của Hàn Quốc, phát hành vào năm 2011. Tháng năm rực rỡ mang đến hai câu chuyện song song về những cô nữ sinh trẻ tuổi tràn đầy hoài bão và những người phụ nữ trung niên đã nếm trải qua cay ngọt cuộc đời.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 14.

Câu chuyện thời tuổi trẻ được đặt trong những năm 1970, còn câu chuyện hiện tại diễn ra vào năm 2000, khi Việt Nam chuẩn bị bước sang thế kỷ 21. Với những hình ảnh đã công bố, có vẻ khán giả sẽ được chiêu đãi một bữa tiệc hình ảnh đặc sắc, rực rỡ đúng như tinh thần phim của một Đà Lạt trước giải phóng đầy năng lượng và biến động.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 15.

Retro: Dấu ấn của phim Việt trong năm 2017 - Ảnh 16.

Người bất tử hiện tại chưa có lịch chiếu còn Tháng năm rực rỡ dự kiến khởi chiếu ngày 9/3/2018.