Ngày 1/8/2014, trên sân khấu âm nhạc Music Bank, đã có 4 cô gái trẻ đầy nhiệt huyết xuất hiện với 4 màu tóc khác nhau hồn nhiên thể hiện những điệu nhảy cùng giai điệu vui tươi của "Happiness". Và chính màu tóc cũng là cách duy nhất để người hâm mộ có thể phân biệt được họ bởi màn debut đầy chóng vánh của Red Velvet.
Những ngày đầu ra mắt, Red Velvet tưởng chừng như có tất cả: một công ty lớn bậc nhất, sự mong chờ của người hâm mộ, giọng hát cùng visual cực ổn. Thế nhưng, sau 5 năm hoạt động miệt mài, Red Velvet lại chưa thể chạm đến đỉnh cao như các girlgroup chủ lực cùng thời của Big 3. Điều gì đã ngăn cản 5 cô gái Nhung Đỏ trở thành girlgroup số 1 của Kpop thế hệ 3?
Red Velvet chính thức debut trên sân khấu âm nhạc với "Happiness" chỉ sau 5 ngày kể từ khi SM tung teaser đầu tiên
Sở dĩ, nói Red Velvet thiếu may mắn là bởi vì thời điểm debut không mấy thuận lợi và quá gấp rút. Nhóm Nhung Đỏ ra mắt trong thời điểm mà các đàn chị SNSD và f(x) đang trải qua khoảng thời gian sóng gió. Đầu tiên là sự ra đi đầy chấn động của thành viên SNSD - Jessica. Tiếp đó là thành viên Sulli của f(x) gặp vấn đề, liên tục vắng mặt trong các hoạt động của nhóm. Khi dư luận đang hướng về SM, đặc biệt là các girlgroup với cái nhìn không mấy tích cực thì Red Velvet lại ra đời. Điều này tuy giúp nhóm được công chúng chú ý nhiều hơn nhưng cũng chính vì lẽ đó mà dù có tài năng và visual nhưng nhóm vẫn bị netizen "soi" kĩ, thậm chí chê bai về nhan sắc "4 cô như 1".
Red Velvet debut ở thời điểm không mấy thuận lợi
Một yếu tố nữa khiến độ nhận diện công chúng của Red Velvet chưa cao là bởi thời điểm debut quá gấp gáp. Chỉ 5 ngày sau khi SM tung thông tin giới thiệu đầu tiên, Red Velvet đã có sân khấu debut đầu tiên trên Music Bank. Nhiều người quan tâm đến nhóm cũng chưa thể nhớ nổi tên hay phân biệt gương mặt của 4 thành viên.
4 mảnh ghép Red Velvet ra mắt với thời gian được cho là "thần tốc" nhất lịch sử Kpop
Sóng gió ập đến khi MV "Happiness" của Red Velvet bị phát hiện sử dụng một số hình ảnh liên quan tới vụ đánh bom nguyên tử tại Nhật Bản và sự kiện khủng bố 11/9. Lỗi lần này hoàn toàn thuộc về đội ngũ sản xuất MV của SM. Nhưng chỉ trích thì không dừng lại ở công ty. Ở thời điểm đó, Red Velvet phải hứng chịu nhiều "gạch đá" từ cộng đồng mạng.
MV "Happiness" của Red Velvet từng bị gỡ xuống sau khi đạt hơn 2 triệu views vì dính hình ảnh nhạy cảm
Mới chỉ ổn định hoạt động một thời gian, Red Velvet lại gây tranh cãi khi bổ sung vào đội hình thành viên mới từ SM Rookies - Yeri. Người hâm mộ dường như không chấp nhận và xem cô như người thừa trong nhóm. Nhiều thành phần antifan đã "thừa nước đục thả câu", liên tục có những lời lẽ chê bai cô em út nhà Red Velvet. Nhưng thay vì bỏ cuộc, Yeri đã không ngừng nỗ lực để chứng minh mình xứng đáng với vị trí mà mình đang có. Nhóm cũng dần dần lấy lại được phong độ nhờ "Dumb Dumb" hay "Russian Roulette".
Năm 2015, Yeri được bổ sung vào đội hình Red Velvet qua sản phẩm "Ice Cream Cake"
Phải công nhận rằng Red Velvet là một nhóm nhạc đa màu sắc khi trải qua 5 năm hoạt động, nhiều concept đã được girlgroup này thử sức. Đa dạng trong màu sắc âm nhạc là tốt, xong việc thử nghiệm những chất nhạc quá mới lạ, quá "dị" cũng phần nào khiến độ tiếp cận công chúng của nhóm bị sụt giảm. Giai điệu tuy độc đáo, không đụng hàng, thậm chí đi trước thời đại nhưng lại không "được lòng" số đông khán giả thì kết quả chung cuộc vẫn là người yếu thế.
Nhạc của Red Velvet dạo này hay bị đánh giá là quá mới lạ, thường không "được lòng" số đông người nghe
Từng có một "RBB (Really Bad Boy)" bị người nghe thẳng thừng chê là đã quá hỗn tạp, ồn ào, không có điểm nhấn, thậm chí còn có thể khiến người nghe bị đau đầu khi replay nhiều lần. Hay một "Zimzalabim" không khác gì một bài hát "thần chú" với giai điệu và lời bài hát cực "dị". Bài hát còn bị đánh giá là ngoài câu hát "Zimzalabim zim-zimzalabim" viral vì quá "kì" thì toàn bộ bài hát đều nhàm chán, không ngấm nổi.
"RBB (Really Bad Boy)"...
... hay "Zimzalabim" sở hữu giai điệu lạ đến "dị", thậm chí còn được đánh giá là đi trước thời đại
Không chỉ bị đem đi làm "chuột bạch" ở mảng âm nhạc như chiến lược mà SM luôn thi hành với các gà nhà, mà ngay cả sự xinh đẹp của Red Velvet cũng không làm các stylist thêm "yêu thương" mà cho họ ăn mặc đẹp hơn.
Mỗi lần come back là một lần stylist của SM khiến fan Red Velvet giận "sôi máu". Họ có 5 cô gái xinh đẹp nổi bật, mỗi người một vẻ và visual thuộc top Kpop hiện nay. Ấy vậy mà cách phối đồ, make-up lại phô hết khuyết điểm, đi ngược trend và dìm chính chủ tới bến. 5 năm rồi mà vẫn thử nghiệm, thử miết thế bao giờ mới chịu cho họ xinh đẹp thật sự đây?
Vì visual quá đỉnh nên stylist nhà SM cố tình dìm cho Red Velvet bớt đẹp đi bởi những bộ cánh "đi trước thời đại"?
Có lẽ, chính vì việc SM liên tục cho Red Velvet thử nghiệm những thể loại âm nhạc mới đã khiến cho phong độ của nhóm không mấy ổn định. Nhiều người thắc mắc rằng tại sao SM không duy trì và có định hướng phát triển một Red Velvet của "Power Up" hay "Bad Boy" mà cứ để nhóm thử nghiệm những bài hát quá lạ, khó tiếp cận số đông người nghe.
Sự lên xuống thất thường thể hiện rõ khi Red Velvet từng có một "Peek-A-Boo" gây nghiện, một "Bad Boy" đầy cuốn hút, giúp tên tuổi Red Velvet được chú ý nhiều hơn; hay một "Power Up" từng làm nên thành công vang dội cho Red Velvet mùa hè năm ấy, đem về danh hiệu Perfect Allkill đầu tiên trong lịch sử của cả SM. Nhưng không duy trì được phong độ đỉnh cao quá lâu, sang đến "RBB (Really Bad Boy)", "Zimzalabim", Red Velvet lại đi tìm một chân trời âm nhạc mới và điều tất yếu là không có được những thành tích như mong đợi.
Từng có một "Bad Boy" giúp tên Red Velvet phất lên...
... hay một "Power Up" đem về danh hiệu Perfect Allkill quý giá cho nhóm.
Đang trên đà đi lên, Red Velvet lại tụt xuống với "RBB (Really Bad Boy)"...
... và Zimzalabim.
Nếu so với các girlgroup chủ chốt của 2 ông lớn còn lại là YG và JYP, Red Velvet có phần thất thế. Những thành tích về nhạc số, doanh số album hay lượt xem MV trên YouTube phần nào thể hiện độ mạnh của từng fandom. Xét về lượt xem MV, chưa ai có thể qua mặt BLACKPINK với những con số kỷ lục khủng liên tiếp được xác lập. Bàn về doanh số album, Red Velvet khó lòng vượt qua TWICE - girlgroup cực mạnh và ổn định dù ở thị trường Hàn hay Nhật. Nhận xét một cách công tâm thì Red Velvet có một lượng fan ổn định, nhưng chưa quá mạnh.
Fandom của Red Velvet chưa thực sự hùng hậu như các girlgroup cùng lứa
Mỗi thành viên của Red Velvet đều tiềm tàng những khả năng riêng mà dường như SM chưa phát huy triệt để. Ít ai biết, Seulgi là một trong những "cỗ máy nhảy" hàng đầu trong các girlgroup thế hệ 3 với những bước nhảy điêu luyện, đầy tự tin trên sân khấu. Hay một Wendy với giọng ca đầy nội lực và vô cùng khoẻ khoắn, biết chơi nhiều loại nhạc cụ. Dễ nhận thấy, SM chưa thực sự "push" mạnh tài năng của các thành viên qua các chương trình truyền hình hay những sân khấu lớn.
Tài năng có thừa nhưng Red Velvet lại chưa được SM khai thác triệt để
Tuy chưa thành công nhất nhưng Red Velvet vẫn là một nhóm nhạc thuộc top đầu của Kpop hiện tại. Nhìn lại quá trình từ việc debut chóng vánh, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn cho đến vị trí ổn định như bây giờ, đủ thấy Red Velvet phải đánh đổi nhiều nỗ lực, sự cố gắng và tâm huyết như thế nào.
Nhiều người thắc mắc rằng, tại sao đã 5 năm trôi qua, với bệ phóng vững chắc từ SM nhưng Red Velvet lại chưa thể đạt đỉnh cao danh vọng như đàn chị gen 2 SNSD đã làm, thậm chí còn có vẻ lép vế hơn các girlgroup cùng thời. Câu trả lời là mỗi nhóm nhạc đều có một hướng đi cho riêng mình. Sự liều lĩnh, không ngại thử cái mới và đa dạng trong màu sắc âm nhạc của Red Velvet nhiều khi lại làm nên chất riêng, hiếm có khó tìm, là nền tảng vững chắc cho bước đi đường dài sắp tới trong hành trình chinh phục trái tim người hâm mộ của nhóm nhạc này.
Red Velvet không chỉ đơn thuần hai màu nhung đỏ, mà đó là một nhóm nhạc muôn màu muôn vẻ, không ngừng làm mới mình với những thứ âm nhạc độc lạ chưa chắc ai cũng dám thử!