Trong thực tế, nhiều sinh viên sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học lại phải đối diện với tình trạng không xin được việc đúng ngành học. Không ít bạn hoài nghi về quyết định của bản thân khi cầm tấm bằng đi xin việc trái ngành, lo sợ làm mất đi sự danh giá.
Khi mới bước chân vào cánh cửa trường đại học, Nguyễn Thu Hương (quê Thái Bình) đã mong muốn học thật nhanh, có được tấm bằng để ở lại thành phố, vùng vẫy và kiếm tiền như nhiều người khác.
“Em học ngành kế toán, khi em chọn ngành này chỉ với suy nghĩ rất đơn giản là do em thấy một người họ hàng của mình làm kế toán có thể làm cho nhiều công ty và thu nhập rất tốt.
Sau khi dành 4 năm học đại học, em những tưởng tương lai sáng sủa vì tốt nghiệp ngành hot, dễ xin việc làm lại còn có thể làm cùng lúc nhiều công ty… Ấy vậy mà tốt nghiệp xong, em mang hồ sơ đi xin việc thì nơi nào cũng chê em là chưa có kinh nghiệm.
Snh viên mới ra trường, công ty phải cho cơ hội thì mới có kinh nghiệm được chứ? Sau gần nửa năm không xin được việc đúng ngành, em cũng chưa biết làm gì nên quyết định rẽ hướng, chọn việc trái ngành là trực fanpage và đóng hàng cho một fanpage bán hàng online.
Những ngày stress vì cuộc sống tự lập bắt đầu. Em chỉ có hai lựa chọn, một là làm trái ngành, hai là về quê với bố mẹ”, Hương nói.
Cô gái chọn làm trái ngành miễn là có thể kiếm tiền chính đáng
Trước mắt Hương chấp nhận tạm làm việc trái ngành để tìm kiếm cơ hội khác. Sau 4 năm học ở thành phố Hương cảm thấy bản thân đã quen với nhịp sống nơi đây. Hương mong muốn phát triển bản thân và tiếp tục gắn bó lâu dài ở đây, miễn là có công việc kiếm ra tiền chứ không quan trọng đúng ngành hay trái ngành.
Khác với Hương, nhiều bạn trẻ xác định rõ mục tiêu của mình từ khi còn học phổ thông và không ngừng phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, đến khi vào đại học, được đi sâu, trải nghiệm lĩnh vực ngành nghề mình chọn thì lại nhận ra mình không hề thích nó. Nhiều bạn cảm thấy áp lực, thậm chí sợ hãi khi phải đối mặt với công việc của mình lúc ra trường.
Nguyễn Hà Mi (quê Nam Định) kể: “Em chọn ngành du lịch là bởi nghĩ rằng ngành này sẽ được đi nhiều nơi, thỏa mãn được đam mê khám phá những vùng đất mới của mình. Thế nhưng, khi học đến năm thứ 3 em mới phát hiện ra rằng mọi thứ không đơn giản như vậy.
Học ngành du lịch em phải học kỹ năng giao tiếp, phải học cách làm hài lòng khách hàng, chăm sóc cho họ từng chút một vì mình làm dịch vụ phải như thế mới mong có những đánh giá tốt từ khách hàng và có nhiều khách hàng tìm đến mình.
Vậy nhưng em nhận ra việc giao tiếp, nhất là khả năng thuyết phục người khác của mình rất hạn chế. Mỗi lần phải nói cười, làm hài lòng khách hàng trong những chuyến thực tập thôi em đã rất áp lực rồi”.
2 năm trước Mi ra trường đúng đợt dịch Covid-19 khởi phát. Tự biết khó mà cạnh tranh xin việc với các anh chị "cứng" nghề lúc đó nên Mi tìm việc trái ngành.
Với mức lương 6 triệu/ tháng, sau khi chi tiêu các khoản cơ bản ở Hà Nội thì cũng có dư chút ít, Mi dành thời gian đi học thêm lớp chăm sóc da vì tự nhiên thấy hứng thú với lĩnh vực này.
Chăm sóc sắc đẹp cũng là nghề được nhiều người chọn |
“Sau khi học hơn nửa năm, hiện nay em đã mở được một spa nhỏ tại Hà Nội, mỗi tháng trừ hết các chi phí em cũng lãi khoảng 20 triệu đồng/ tháng. Số tiền không lớn so với những người khác nhưng em thấy vui vì bản thân mình đã thực sự tìm được đam mê với công việc”, Mi chia sẻ.
Về vấn đề sinh viên tốt nghiệp nên làm gì, chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh - ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng các bạn hãy khám phá chính bản thân mình, tìm hiểu xem bản thân mình muốn gì và có thể làm gì để đạt được điều đó.
“Kể cả khi còn là sinh viên hay sau khi ra trường bạn cũng phải tìm được đam mê của mình, khi xác định được đam mê với công việc mình chọn thì bạn mới có ham muốn học hỏi và hoàn thiện bản thân.
Khi bắt đầu chắc chắn ai cũng có những thất bại, tôi khuyên các bạn đừng sợ thất bại vì đôi khi từ những thất bại đó các bạn mới hoàn thiện hơn được bản thân và có những kinh nghiệm để tránh những thất bại tiếp theo.
Khi bạn vẫn còn đủ quyết tâm và niềm tin thì thành công nhất định sẽ chờ đợi bạn. Làm được đúng ngành mình học là tốt nhất còn nếu không thì cũng không sao cả, miễn là chúng ta kiếm tiền bằng sức lao động của mình và đó là những đồng tiền chính đáng”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh nói.