Quyết định đi du học Israel, nữ sinh Nghệ An vượt qua loạt khó khăn để đạt thành tích tốt ngay từ năm nhất

Ứng Hà Chi, Theo Tổ quốc 19:09 02/01/2023

Mai Phương phải đối mặt với vô vàn thách thức nhưng nữ sinh luôn nỗ lực chinh phục những mục tiêu đã đặt ra.

Vừa qua, em Dương Thị Mai Phương, 17 tuổi, học sinh chuyên Anh trường chuyên THPT Vinh - Nghệ An là một trong số ít học sinh dành học bổng Tú tài quốc tế tại trường Givat Haviva International School (GHIS) ở Israel, với trị giá $40,000 (khoảng 950 triệu đồng).

GHIS là ngôi trường đặc biệt được thành lập dành riêng cho học sinh Israel và học sinh Do Thái trong độ tuổi từ 15 - 17 tuổi. Tuy nhiên sau này, nhà trường đã tạo điều kiện cho học sinh quốc tế được học tập nhằm tạo ra các giá trị công bằng xã hội, quảng bá văn hóa, hợp tác giáo dục. Học sinh được học cách giải quyết các vấn đề, hình thành quan điểm chính trị khác nhau, hiểu được sự khác biệt bằng cách lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau.

Chương trình học tập độc đáo cùng môi trường văn hóa mới lạ đã khiến Mai Phương vô cùng thích thú, tò mò. Vì thế, nữ sinh quyết định "apply" học bổng và đi du học ngay sau khi kết thúc chương trình học lớp 11. Bên cạnh đó, nữ sinh muốn cho mình một cơ hội khám phá bản thân, dũng cảm bước ra vùng an toàn để chinh phục những giấc mộng lớn lao. Quyết định táo bạo của Phương từng bị bố mẹ kịch liệt phản đối.

Mai Phương chia sẻ: "Khi trao đổi vấn đề đi du học ngay từ khi còn học THPT, bố mẹ em nhất quyết không đồng tình bởi còn nhiều định kiến dành cho Israel như: Văn hóa, môi trường sống, chính trị, phong tục,... Em đã mất rất nhiều thời gian để có thể thuyết phục và nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ".

Quyết định đi du học Israel, nữ sinh Nghệ An vượt qua loạt khó khăn để đạt thành tích tốt ngay từ năm nhất - Ảnh 1.

Mai Phương đi du học khi còn đang là học sinh cấp 3

CÁCH XÉT HỌC BỔNG CỰC LẠ CỦA GHIS - MỞ RA CƠ HỘI CHO NHIỀU HỌC SINH VIỆT

Mai Phương cùng những học sinh quốc tế khác phải trải qua 4 vòng chính khi "apply" học bổng tại GHIS:

1. Vòng 1 (vòng đơn)

Ở vòng này, GHIS yêu cầu học sinh cung cấp những thông tin cá nhân như: Họ tên, quốc tịch, trình độ học vấn,... Bên cạnh đó, trường sẽ yêu cầu học sinh nộp bảng điểm của năm học trước, viết một đoạn tiểu sử giới thiệu bản thân và cũng như lý do vì sao chọn GHIS để gắn bó trong 2 năm tới.

Mai Phương cho biết, em rất thích tìm hiểu về các nền văn hoá khác nhau và Tiếng Anh là ngôn ngữ mà em đã theo đuổi từ lâu. Vậy nên GHIS là nơi hội tụ 2 yếu tố mà nữ sinh cần. Hơn thế, GHIS là một ngôi trường còn rất mới, cộng đồng học sinh không quá đông nên đây là môi trường giúp Phương cải thiện được sự tự ti, rụt rè để sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân mà không bị choáng ngợp.

2. Vòng 2 (vòng phỏng vấn qua app Zoom với đại diện của ban tuyển sinh nhà trường)

Buổi phỏng vấn giúp ban tuyển sinh của trường có cái nhìn khách quan, cụ thể nhất về tính cách, quan điểm của học sinh đang có nguyện vọng học tại GHIS. Những câu hỏi trong buổi phỏng vấn xoay quanh những nội dung như: Điểm yếu và điểm mạnh của bản thân, cách giải quyết vấn đề, những điều học sinh sẽ cống hiến cho trường,...

Nữ sinh Nghệ An tiết lộ: "Một điểm khiến em ấn tượng đến tận bây giờ là việc cô Yardena (đại diện cho ban tuyển sinh) đã cho em thấy góc nhìn thực tế về việc đi du học, thay vì chỉ hướng đến việc quảng bá cho trường. Cô thẳng thắn chia sẻ du học sinh ở độ tuổi thanh thiếu niên sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cô chia sẻ rất chân thành rằng chúng em phải tập làm quen với việc tự chăm sóc bản thân, sống trong một cộng đồng có nhiều điểm khác biệt và phải xa gia đình trong thời gian dài".

Quyết định đi du học Israel, nữ sinh Nghệ An vượt qua loạt khó khăn để đạt thành tích tốt ngay từ năm nhất - Ảnh 2.

3. Vòng 3 (vòng viết luận)

Bước vào vòng viết luận, Phương khá căng thẳng và hồi hộp. Nhà trường yêu cầu nữ sinh viết 2 bài luận với chủ đề khác nhau. Bài đầu tiên là nêu suy nghĩ của bản thân về một kỹ năng nhất định. Bài thứ hai là phân tích quan điểm của một nhà triết học mà trường đã đưa ra sẵn.

Ngoài ra, nữ sinh còn phải chuẩn bị 2 lá thư giới thiệu (từ giáo viên trực tiếp giảng dạy và từ một người làm việc cùng em trong hoạt động ngoại khoá). Thời hạn cho việc chuẩn bị thư giới thiệu là 1 tuần.

4. Vòng 4 (vòng ứng viên được kết hợp với học sinh quốc tế khác để làm việc nhóm qua app Zoom)

Ở vòng này, học sinh sẽ chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm gồm 4 thành viên đến từ các quốc gia khác nhau. Sau đó, trường GHIS sẽ đưa ra một vấn đề mang tính toàn cầu như: Giáo dục, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,... Nhiệm vụ của các nhóm là đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Dù mọi người đến từ những quốc gia khác nhau trên thế giới như Nga, Đức, Thuỵ Sỹ, Liberia,... nhưng nhờ việc lắng nghe ý kiến cũng như giúp đỡ nhau trong khâu hình thành ý tưởng nên vòng thi của Phương diễn ra suôn sẻ.

"Vì chương trình IB dành cho học sinh cấp 3 nên nhà trường không đặt nặng vào việc xét học bổng dựa vào bảng thành tích học tập, hoạt động ngoại khoá. Thay vào đó, trường đánh giá học sinh ở cách nhìn nhận vấn đề, kỹ năng lãnh đạo, cách làm việc nhóm qua các vòng. GHIS luôn tin rằng, mỗi học sinh sẽ có những điểm mạnh riêng trong từng lĩnh vực khác nhau như: Nghệ thuật, giao tiếp, lãnh đạo,...", nữ sinh Nghệ An nhấn mạnh.

Quyết định đi du học Israel, nữ sinh Nghệ An vượt qua loạt khó khăn để đạt thành tích tốt ngay từ năm nhất - Ảnh 3.

TỪNG KHÓC NỨC NỞ VÌ MỌI CHUYỆN... KHÔNG NHƯ MƠ

Mai Phương chia sẻ dù đã chuẩn bị tâm lý vững vàng nhưng bản thân không tránh khỏi những phút giây yếu lòng. Ngay khi lên cấp 3, Phương đã có quãng thời gian dài sống xa gia đình, trường học cách nhà em hơn 60km. Em sẽ về thăm bố mẹ khoảng 2 lần/tháng, bất kể khi nào nhớ nhà. Còn giờ, dù có những lúc nhớ nhà đến bật khóc, em cũng không thể dễ dàng bắt 1 chuyến xe về như trước.

"Thậm chí, Tết năm nay, em cũng không thể về thăm gia đình vì việc học bận rộn và chi phí di chuyển vô cùng đắt đỏ. Nghĩ đến điều đó, em thấy khá buồn và tủi thân. Nhưng em nghĩ trước mắt, bản thân cần ưu tiên cho việc học", nữ sinh Nghệ An trải lòng.

Khó khăn thứ hai mà Mai Phương gặp phải là em chọn lựa đi du học quá sớm nên chưa có vốn sống sâu, trải nghiệm nhiều. Vì thế, khi bước ra môi trường quốc tế, nữ sinh khá sốc khi phải học cách tự chăm sóc bản thân. Việc phải sống trong 1 cộng đồng 100% học sinh đến từ các quốc gia khác nhau dẫn đến việc Phương phải làm quen với nhiều thói quen sinh hoạt khác nhau, nhiều phong tục tập quán khác biệt. Tuy nhiên, đây cũng là trải nghiệm có 1-0-2 giúp em thêm trưởng thành, vững bước đối mặt với thách thức.

Mai Phương tâm sự, trong 1 phòng ở ký túc xá, nhà trường sẽ sắp xếp học sinh đến từ các quốc gia khá nhau. Nhà trường quyết định như vậy nhằm giúp học sinh thích nghi nhanh chóng, dễ dàng trao đổi văn hóa. Nữ sinh ở chung phòng với 1 bạn Ả Rập và 1 bạn Do Thái. Lúc đầu không quen, Phương cùng các bạn có nhiều bất đồng trong vấn đề sinh hoạt.

Mai Phương tâm sự: "Có những ngày, các bạn trong phòng mệt mỏi, khủng hoảng tâm lý. Chỉ cần 1 hành động nhỏ nhất của em phát ra tiếng động cũng khiến các bạn khó chịu. Thời gian đầu, bọn em cãi nhau triền miên. Sau đó, bọn em thống nhất đi đến 1 giải pháp là cứ buổi tối cuối tuần sẽ đặt đồ ăn bên ngoài về rồi ngồi xuống cùng nhau thảo luận. Cuối cùng, bọn em đã thấu hiểu, đồng cảm và gắn bó với nhau hơn".

Quyết định đi du học Israel, nữ sinh Nghệ An vượt qua loạt khó khăn để đạt thành tích tốt ngay từ năm nhất - Ảnh 4.

Mai Phương (ngồi đầu) đã sớm hòa nhập được với các bạn đến từ quốc gia khác

Một thách thức lớn mà nữ sinh Nghệ An gặp phải là vấn đề học tập. Mai Phương phải học 6 nhóm môn gồm: Văn học ngôn ngữ, Đọc hiểu, Phát triển bản thân và các lĩnh vực liên quan đến xã hội, liên quan đến khoa học, Toán học, Nghệ thuật. Mỗi nhóm môn gồm 2-3 môn nhỏ khác nhau, học sinh sẽ chọn lựa 3 môn trình độ nâng cao, còn lại là trình độ tiêu chuẩn.

Môn học mà Mai Phương thấy khó nhất là Chính trị toàn cầu. Trước đây lên Đại học, nữ sinh nghĩ sẽ học Truyền thông nhưng sau này thấy hứng thú với Chính trị nên quyết định chuyển hướng. Vì thế, Phương phải học rất nhiều định nghĩa, cụm từ chuyên ngành liên quan đến lịch sử, sự kiện của các nước. Phương phải dày công nghiên cứu, trao đổi với những người có kiến thức để có thể theo kịp các bạn. May mắn, dù khó khăn nhưng Phương luôn được thầy cô và các bạn hỗ trợ.

"Một tuần trước, vì áp lực học tập khiến em rơi vào khủng hoảng tinh thần. Em luôn cảm thấy bản thân cố gắng bao nhiêu cũng chưa đủ. Phần nữa, em stress (áp lực) bởi nhớ nhà. Em đã khóc rất nhiều trên lớp. Thấy em như vậy, thầy giáo dạy Toán đã đến bên an ủi.

Thầy bảo em đừng tự tạo áp lực cho bản thân bởi em đang làm rất tốt. Nếu tâm trạng em không ổn định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học và nhiều việc khác. Nếu em muốn thầy giúp thì em có thể mở lòng với thầy. Hoặc nếu em không tiện thì hãy tìm những người bạn thân để trò chuyện, đừng giữ mãi trong lòng", Phương kể lại.

Nhờ sự tâm lý, luôn lắng nghe để thấu hiểu học sinh của thầy cô giáo đã giúp Mai Phương lấy lại tinh thần. Em nỗ lực nhiều hơn, không còn cảm thấy tự ti về bản thân. Bởi vậy, ngay trong những kỳ học đầu, em đã có một số thành tích nổi bật như:

- Nằm trong BTC cho sự kiện Mô phỏng bầu cử Tổng Thống Israel dành cho học sinh GHIS;

- Nằm trong đoàn đón tiếp Ban giám hiệu của trường IB ở Mỹ đến GHIS;

- Tham gia thử thách Ideas4theFuture - SDG 2030 Challenge được tổ chức bởi trường Đại học Escade-Tây Ban Nha (Cuộc thi nhằm đề xuất giải pháp đặt được 1 hoặc nhiều các SDGs - Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Esade là trường kinh doanh #4 hàng đầu về Giáo dục Điều hành trên thế giới, theo Financial Times);

- Tham gia dạy học cho học sinh của trường Mevoot Eron - một trường THPT ở trong vùng. (Công việc cụ thể là làm trợ giảng cho các bạn chuyển đến từ Nga và Ukraine).

Tham gia các hoạt động ngoại khóa là cách Mai Phương nhìn nhận lại những thiếu sót của bản thân. Nhờ điều đó, em đã cải thiện được hội chứng căng thẳng trước đám đông. Thời gian tới, nữ sinh cho biết sẽ cố gắng tham gia thêm nhiều hoạt động để trau dồi kỹ năng và hoàn thành chương trình học tập thật tốt.

Ảnh: NVCC