Quý Somsen: Khó nhất của việc chữa lành là học cách chấp nhận cả những khiếm khuyết của bản thân

Diệp Nguyễn, Theo Thể thao và Văn hóa 19:46 15/01/2023

Được biết đến như một tác giả sách, host của talkshow Naked Love đình đám, Quý Somsen luôn mang đến cho người khác một nguồn năng lượng tích cực và nhẹ bẫng mỗi khi trò chuyện. Và để có được tâm thế đó, Quý cũng đã trải qua những khúc cua thăm thẳm của cuộc đời, để rồi tự tìm cách chữa lành, cân bằng.

Hạnh phúc nằm trong tầm tay, nhưng không có nghĩa là nó sẽ tự tìm đến. Quý hiểu rõ điều đó và lên một “chiến lược” chi tiết để tự thay đổi cuộc sống của mình. Từ một chàng trai đi du học để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và tìm kiếm tình yêu định mệnh, chỉ trong 5 năm, Nguyễn Hoàng Kim Quý đã thực hiện được hết checklist đó. Vừa là diễn giả, vừa là tác giả, vừa là… thầy giáo của những khóa học chữa lành và hiểu về bản thân, cũng có một người bạn đời tuyệt vời luôn thấu hiểu và là chỗ dựa. Có lẽ, câu chuyện của Quý sẽ giúp các bạn có thêm sức mạnh để tin vào lựa chọn của mình và nỗ lực hết sức vì nó.

Để trở nên “an yên” như hiện tại, hẳn Quý đã trải qua rất nhiều thăng trầm cuộc đời. Những bước ngoặt nào đã đưa bạn đến với phiên bản hiện tại của chính mình?

Nếu nhắc đến những bước ngoặt đáng nhớ trong đời, chắc có lẽ tôi sẽ bắt đầu từ bước ngoặt năm 2017. Khi đó, tôi đang làm việc cho một công ty và đóng vai trò quản lý đào tạo. Công việc rất ổn, vị trí rất tốt, mọi thứ đều giống với ước mơ khi nhỏ, cuộc sống năm 30 đúng với những gì tôi từng đặt ra mục tiêu cho mình, lẽ ra phải được gọi là thành công nhưng tôi lại chẳng hề thấy hạnh phúc. Đó là lúc, tôi nhận ra rằng công việc này không dành cho mình. Dẫu nhiều người cản, nhưng tôi nhận ra rằng nếu bây giờ tôi không làm, tôi sẽ hối hận suốt cuộc đời mình. Và thế là tôi lao vào tìm kiếm một cơ hội đi du học, may mắn trúng được học bổng đi Ý, vậy là… đi thôi!

Khi qua đến Ý, trong đầu tôi chỉ có 2 mục đích: Tôi muốn khám phá thế giới và muốn đi tìm… tình yêu của đời mình. Trước đây, tôi vốn không đi du lịch nhiều vậy nên tôi muốn coi đây là cơ hội để mình đi thật nhiều nơi. Và khi nghe chuyện một chị đồng nghiệp tìm được người yêu ở Ý, tôi càng quyết tâm chọn đất nước này. Và tôi cũng thật sự gặp được một người mà tôi tin là định mệnh.

Và câu chuyện sau đó là….

Tôi đã tìm được một người trẻ hơn mình và có một tình yêu cực kỳ dữ dội và hạnh phúc. Những lời hứa hẹn, những… bài đăng Facebook, những cuộc hẹn ra biển té nước, ném đá, khắc tên… như một thước phim. Nhưng sau đó thì chúng tôi chia tay, lý do bởi gia đình của bạn ấy ở Trung Quốc phá sản và bạn phải về nước để gây dựng lại cùng gia đình. Vì không cam tâm, tôi tìm mọi lý do để thuyết phục người ấy quay trở lại nhưng cũng không thể.

Đang có tất cả, bỗng bị tước đi mọi thứ, kể cả người mình rất yêu, tôi rơi vào trầm cảm. Tôi vẫn nhớ khi cùng bạn của mình qua Pháp chơi, đó là một giai đoạn mà mọi suy nghĩ của tôi đều vô cùng tiêu cực. Tôi thậm chí đã nghĩ đến những cách giải quyết đen tối nhất bởi không còn tìm được ý nghĩa để sống. Trong chuyến đi ấy, có một tối tôi bị lên cơn hoảng sợ, cảm giác khó thở và như chuẩn bị qua đời. Đó là lúc tôi chợt phát hiện ra rằng: Mình còn muốn sống, mình khao khát được sống biết bao!

Quý Somsen: Khó nhất của việc chữa lành là học cách chấp nhận cả những khiếm khuyết của bản thân - Ảnh 1.

Khoảng thời gian sau đó là lúc tôi tự đấu tranh với bản thân mình trong việc tìm lại ý nghĩa cuộc sống. Tôi nghĩ tới mẹ và hiểu rằng mình còn phải cố gắng để lo cho bà. Ba mẹ tôi ly dị khi mẹ tôi đang mang thai, tôi lại sống với mẹ và bà ngoại, lớn lên tôi rất thèm được yêu thương. Vậy là tôi nhận ra: Đau chỗ nào thì chữa chỗ đó! Nếu mình mất đi niềm tin vào cuộc sống, trầm cảm do thất tình, vậy chỉ có tình yêu mới giúp mình vượt qua được! Mình cần một tình yêu mới!

Vậy là 1 năm còn lại ở Ý, tôi dành nhiều thời gian để đi tìm kiếm lại tình yêu của đời mình. Tôi cũng nhân cơ hội đó sàng lọc lại bản thân, coi xem phải cải thiện chỗ nào. Suốt thời gian trầm cảm, tôi vừa ốm lại vừa xấu, chẳng có tí năng lượng tích cực nào hết. Vậy là tôi bắt đầu tập thể dục lại, lên một chiến lược xây dựng ngoại hình và cả nội tâm để có thể tìm được người định mệnh. Vào năm 2019, tôi gặp chồng mình hiện tại khi anh đang qua Ý du lịch. Khi đó, tôi cũng đang có một lựa chọn khác và chỉ coi anh là bạn. Cho đến khi một mối quan hệ của tôi gặp trục trặc và tôi thấy mình sai dữ lắm vậy nên yêu ai người ta cũng chia tay. Anh mới nói với tôi rằng: “Em đâu có gì sai nên chẳng cần sửa chữa một điều gì hết”.

Nghe vậy tôi cảm động lắm. Lần đầu tiên trong đời, có người nói với tôi rằng tôi chẳng làm gì sai hết, và rằng tôi đủ tốt rồi. Tôi bắt đầu có niềm tin vào cuộc sống, tự tin vào chính mình. Tôi quyết định sang Hà Lan với anh, và cuộc sống của tôi đã thay đổi kể từ khoảnh khắc đó.

Ở trong một giai đoạn rối bời và chạm đáy, việc để có một cái nhìn tỉnh táo và rõ ràng về mọi thứ đang xảy ra lẫn cả bản thân mình - là một việc khó vô cùng. Bạn làm thế nào để tạm lùi lại phía sau, bình tĩnh và nhìn nhận một cách tỉnh táo?

Tôi ngồi xuống và viết. Bạn biết không, ta có thể đi tâm sự với bạn bè, điều đó rất tuyệt. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng dù bạn bè có quan tâm đến mình, nhưng cách họ quan tâm cũng không giúp ta vượt qua được những cảm xúc tiêu cực đâu. Hơn nữa, đâu đó tôi cũng cảm thấy mình đang làm phiền người khác. Họ cũng có cuộc sống của mình riêng mình mà, đâu phải lúc nào cũng ở đó để lắng nghe?

Thấy mình phiền rồi, thế là tôi bắt đầu ngồi xuống viết. Tôi đứng bên ngoài cuộc đời của mình và viết lại hết những cảm xúc mình trải qua. Mỗi lần viết là một lần tôi tự soi chiếu. Có lúc, tôi thấy mình thật ích kỷ. Tôi tự trách bản thân mình vì những cảm xúc tiêu cực khi sự ích kỷ xuất hiện. Rồi tôi lại thấy đôi lúc sự ích kỷ đấy không có xấu như mình nghĩ. Tôi đã phát triển và tạo ra những những điều tốt đẹp cho mình và cả người khác nữa. Vậy là tôi chấp nhận bản thân mình như những gì nó chính là. Tôi cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Tôi thấy càng ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm đến chuyện chữa lành cho tâm hồn. Là một người đã từng chạm đáy và chữa lành được cho bản thân, theo Quý, bước đầu tiên của việc tự chữa lành khỏi những tổn thương là…?

Bước đầu tiên đó là phải nhận ra rằng mình đang tổn thương, và tìm được tổn thương ấy nằm ở đâu. Tôi vẫn nhớ thời điểm tôi bị tổn thương sau chia tay, tôi đâu dành thời gian để ngồi tìm xem nguồn cơn của tổn thương ấy là vì điều gì? Tôi chỉ tâm niệm phải giải quyết nó bằng được, và tìm đủ mọi cách. Không biết mình bị thương ở đâu mà cứ đâm đầu, vậy nên giải quyết một hồi nó… lung tung hết. Đôi khi, việc chữa lành đòi hỏi bạn phải dừng lại chút xíu để nhận biết được nỗi đau của mình.

Quý Somsen: Khó nhất của việc chữa lành là học cách chấp nhận cả những khiếm khuyết của bản thân - Ảnh 2.

Tôi may mắn có những người bạn thông thái, tôi có thể kể họ nghe và họ hiểu, để rồi cho tôi thấy góc nhìn từ một người thứ 3. Nếu góc nhìn của họ có thể giúp mình nhận ra được nỗi đau thì quá tốt rồi. Còn nếu trong trường hợp chỉ có mỗi chính mình, hãy viết. Kinh nghiệm của tôi là hãy viết bằng giấy và bút, bởi chỉ khi viết bằng tay, ta mới chạm được vào suy nghĩ của mình.

Tùy vào mỗi người mà giai đoạn khó khăn nhất của chữa lành lại khác nhau. Nhận ra, chấp nhận nó, rồi tìm cách để sống chung với nó, và rồi lại chuyển hóa nó thành một dòng suy nghĩ khác. Khó nhất trong trải nghiệm tôi đó là khi nhận ra được những tổn thương của mình đến từ đâu và chấp nhận nó. Khi biết mình là một người ích kỷ và chỉ muốn những thứ không dành cho mình, tôi ngồi xuống và chấp nhận bản thân mình là một người ích kỷ, chấp nhận ích kỷ là một phần của con người mình. Chính mỗi người chúng ta đều có những định kiến về các tính xấu, tôi cũng vậy, tôi có đầy những thành kiến về tích cách này và tôi luôn giữ khư khư trong lòng những giá trị đạo đức của một người được gọi là tốt. Giai đoạn trầm cảm, tôi thấy mình… chẳng có tính cách tốt nào hết trơn, toàn tính xấu không à. Tôi tham lam, lại còn vô duyên… Trời ơi, bây giờ hiểu được nỗi đau của mình xuất phát từ đâu nhưng kêu chấp nhận nó thì sao mà chấp nhận nổi!

Cho đến một giai đoạn, tôi hiểu rằng có những thứ mình không thể giải quyết được. Trong con người sẽ luôn có điểm tốt và cả điểm xấu, nó giúp ta trở nên cân bằng. Đôi khi cái xấu sẽ trồi lên, và khi đó ta phải sử dụng nó thế nào? Vậy là tôi bắt đầu học cách chấp nhận nó.

Tôi cũng đang trong một hành trình mà nhìn đâu cũng thấy vấn đề của bản thân. Đôi khi còn cực kỳ ghét chính mình. Làm sao để học yêu được bản thân khi nhìn đi nhìn lại, ta thấy đâu cũng là khuyết điểm?

Có một khoảng thời gian tôi hay viết câu trả lời cho câu hỏi: “Hôm nay, mình tự hào về bản thân của mình ở điều gì?”. Ban đầu khó lắm, tại tôi tự thấy mình đâu có làm gì tự hào đâu? Thế rồi tôi nhận ra rằng mình đang không trân trọng cuộc sống của mình. Tôi bèn đem câu hỏi này cho chồng, anh kể vanh vách quá trời thứ mà anh thấy tự hào về tôi. Tôi nghe cũng thấy… bình thường thôi à. Hóa ra, bản thân mình có những kỳ vọng lớn hơn những thứ mình đã làm được, vậy nên nhìn lại ta sẽ thấy mình chẳng làm được gì lớn lao hết. Nhận ra rồi tôi mới ngồi lại và thấy có biết bao điều có thể tự hào về bản thân. Trước đây tôi nấu ăn dở vô cùng, bây giờ tay nghề của tôi đã nâng cao đáng kể, nấu ăn ngon và còn biết nướng cả bánh.

Quý Somsen: Khó nhất của việc chữa lành là học cách chấp nhận cả những khiếm khuyết của bản thân - Ảnh 3.

Trả lời được những câu hỏi như vậy thôi, tôi thấy mình đã làm được thật nhiều. Tự hào vì kiên trì tập thể dục 1 tuần, tự hào vì học được 1 điều gì đó mới, tự hào vì hình thành được một thói quen tốt. Và có những lần tính xấu trồi lên, tôi thấy mình là một kẻ thật tham vọng, muốn đạt được nhiều thứ trong đời. Nhưng chẳng phải nhờ điều đó mà mới có những bước ngoặt đưa tôi đến cuộc sống như bây giờ đó sao? Đấy chính là lúc tôi thoải mái chấp nhận cả những khuyết điểm của mình.

Qúy có nghĩ rằng: Yêu bản thân cũng cần rất nhiều sự bao dung?

Tôi đồng ý. Tôi đã từng vầy nè: Dễ tha thứ cho người khác nhưng lại cực kỳ khắt khe với bản thân. Vậy nên tôi thử làm một bài tập, mỗi ngày tự viết ra những điều mình không cảm thấy hài lòng về mình. Sau đó, tôi ngồi xuống và tự nói rằng: Mình cũng là con người mà! Những sai lầm này sẽ cho mình một bài học, vậy nên hãy tự tha thứ cho mình đi.

Và sống tích cực cũng cần siêu nhiều sự can đảm?

Đúng vậy. Với một số người thì sống tích cực dễ lắm, nhưng với một số người khác, sống tích cực giống như phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Thử hỏi khi đang ở dưới điểm thấp nhất của cuộc đời, nhìn đâu cũng thấy chuyện không ưng ý với mình hết trơn, người yêu bỏ, công việc không tới đâu, ngoại hình xấu xí, tích cực cỡ nào cho được?

Vậy nên, để có thể sống tích cực được khi đang ở trong tình trạng đen tối đó, là ta phải nhìn được những điều còn sót lại của bản thân, tận dụng chúng và vươn lên để sống tiếp. Đó là một hành động cực kỳ dũng cảm, và tôi cũng không có ủng hộ trào lưu lúc nào cũng phải sống tích cực hơn. Như vậy khác nào chối bỏ những cảm xúc thật mình đang có? Hôm nay mình buồn thì sao ép được mình không được buồn? Ép bản thân phải tích cực sẽ mang đến những tác động ngược.

Quý Somsen: Khó nhất của việc chữa lành là học cách chấp nhận cả những khiếm khuyết của bản thân - Ảnh 4.

Sự tiêu cực giúp ta hiểu được bản thân mình. Trong giai đoạn tự chữa lành, tôi nhận ra mỗi suy nghĩ tiêu cực là một dấu hiệu để ta sửa đổi. Ví dụ tôi tức giận vì ai đó, tôi hay lờ cảm giác tức giận đấy đi. Nhưng sau này tôi cố gắng mổ xẻ nó, tìm hiểu vì sao mình lại tức giận như vậy? Cùng là một cơn tức giận vì tin nhắn gửi đi người ta seen không rep, tôi tìm thấy nguyên nhân sâu xa là vì tôi cảm thấy không được tôn trọng, tôi luôn muốn mình là cái rốn của vũ trụ. Hiểu được rồi, tôi hành xử thoải mái hơn, không còn khó chịu về chuyện người ta không hồi đáp tin nhắn của mình nữa. Tôi bớt nghĩ xấu về người khác và cũng bớt cả những suy nghĩ tiêu cực về bản thân mình.

Trong cuốn sách mới nhất, bạn có đặt câu hỏi: “Hôm nay bạn mỉm cười vì điều gì?”. Vậy trong trường hợp có những ngày ta chẳng cười nổi thì sao?

Vậy thì… đừng có cười. Đó là một trong những cách mà tôi tự áp dụng cho mình. Có những giai đoạn trong đời ta đâu cười được đâu. Lý do tôi đặt tên đó cho cuốn sách của mình, bởi đó như một câu hỏi để mỗi người tự nhận thức về niềm vui mỗi ngày của bản thân. Không có nghĩa là ta phải ép mình kiếm được chuyện có thể cười nổi. Chỉ đơn giản là ta ngồi lại, hiểu rằng ngày hôm nay có gì vui không? Nếu không có gì vui thì ta phải làm gì để cải thiện nó, để vài ngày sau, vài tuần sau ta trả lời được câu hỏi này.

Quay lại chuyện tình yêu thì, vẫn có nhiều bài học dạy rằng yêu là phải bỏ bớt đi kỳ vọng của bản thân và gạt hết những phán xét. Nhưng để làm được điều đấy thì thật là khó, ta phải chuẩn bị cho mình một tâm thế ra sao?

Tôi tin rằng khi yêu một ai đó, đa phần ta đều có những kỳ vọng nhất định, chỉ là nhiều hay ít mà thôi. Ai cũng sẽ có kỳ vọng hết, chỉ một vài người khác đi chút xíu khi họ nhận ra kỳ vọng của mình không được đáp ứng, thay vì trách cứ, họ bắt đầu nghĩ rằng liệu mình có đang kỳ vọng phi lý không ta?

Trong cuốn sách của tôi, có một bài viết là: “Cho đi mà không kỳ vọng nhận lại”. Khi yêu một ai đó, cho đi tất cả với họ, hãy nhớ cái cảm giác khi làm vì họ, bạn có vui không? Khi mua quà cho người ấy, lúc mua quà bạn thấy thế nào? Tặng một món quà, nhìn thấy người ấy vui vì món quà của bạn - đó là điều khiến bạn hạnh phúc? Đó chính là lợi ích từ hành động của bạn làm cho người khác. Nghĩ về cảm xúc ấy sẽ giúp bạn xử lý được sự khó chịu của bản thân, cũng là một cách thực hành chánh niệm. Ai cũng có kỳ vọng, nhưng thay vì giữ nó lại và khiến bản thân mình và những người xung quanh khó chịu, thì ta tìm được cách để nó trôi qua và tiếp tục tận hưởng cuộc sống trong hiện tại.

Tôi thấy có một câu mọi người hay nói với nhau rất nhiều, đó là phải tự chữa lành cho bản thân thì tình yêu mới đến. Phải biết cách tự yêu thương rồi mới có người yêu thương lại mình. Vậy chẳng lẽ những người đang tổn thương không xứng đáng có được tình yêu hay sao?

Đây nè, tôi chính là người không nằm trong câu nói đó của mọi người nè. Khi đi tìm tình yêu, tôi chưa hoàn toàn chữa lành được cho mình đâu, nhưng tôi vẫn sẵn sàng hẹn hò. Tôi hiểu rằng trong quá trình chữa lành của mình, tôi phải có niềm tin vào cuộc sống. Mà niềm tin thì đâu chỉ tìm ở trong bản thân mình? Nó còn ở những người xung quanh nữa mà. Vậy nên khi đi hẹn hò, tôi rất cởi mở chia sẻ về những cảm xúc của bản thân. Tôi muốn họ hiểu rằng tôi không hoàn hảo và sẽ có những lúc cực kỳ khó chịu do vẫn đầy những tổn thương, vậy nên nếu anh muốn tiến tới với tôi, anh cũng cần phải xoa dịu tôi nữa.

Quý Somsen: Khó nhất của việc chữa lành là học cách chấp nhận cả những khiếm khuyết của bản thân - Ảnh 5.

Tôi tin rằng việc ta cắt bỏ hết những mối quan hệ để thu mình về tự chữa lành cũng là một cách, nhưng không phải là cách duy nhất để ta có thể yêu hay được yêu. Với tôi, tôi cần sự tương tác về mặt xã hội, tôi cần được kết nối với mọi người để chữa lành. Khi gặp chồng mình, một thời gian sau tôi nhận ra mình đã tự lành lặn những tổn thương rồi. Còn khi mới yêu, tôi vẫn đang đầy những nỗi đau mà, nhưng tôi không vì thế mà chối bỏ những thứ có thể đến với mình.

Trải nghiệm tuyệt vời nhất mà tình yêu mang đến cho bạn là?

Câu hỏi này khó ta. Tôi nghĩ, tình yêu mang đến cho mình hy vọng và khiến tôi muốn được sống tiếp mỗi ngày. Tôi không biết tương lai sẽ thế nào, hiện tại đang ra sao, nhưng tôi biết mình đang yêu và được yêu, tình yêu sẽ luôn bên cạnh tôi. Dẫu ở trong vực sâu đáy thẳm nhất của cuộc đời, tôi vẫn có một hy vọng rằng: Đến một ngày, tôi sẽ lại được nhìn thấy tình yêu.