Đài truyền hình NHK dẫn lời các quan chức đảng Dân chủ Tự do (LDP) cho biết, cựu Thủ tướng Abe Shinzo, người bị bắn trong khi đang có bài phát biểu tại tỉnh Nara ngày 8/7, đã qua đời tại một bệnh viện.
Trước đó, ông Abe được đưa vào viện trong tình trạng bất tỉnh, không còn biểu hiện sự sống và đã xảy ra tình trạng tim ngừng đập.
NHK dẫn lời cảnh sát cho biết, nghi phạm đã sử dụng một khẩu súng tự chế và không cố gắng bỏ chạy sau khi nổ súng.
Nhật Bản có chính sách gần mức không khoan nhượng về sở hữu súng và là một trong những quốc gia có tỷ lệ bạo lực súng thấp nhất trên thế giới. Điều này khiến vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe Shinzo vừa qua trở thành vụ bạo lực đặc biệt đáng chú ý.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa hòa bình nổi lên như một trong những triết lý thống trị tại Nhật bản. Năm 1946, cảnh sát bắt đầu được trang bị súng theo yêu cầu của quân đội Mỹ vì mục đích an ninh.
Luật Kiểm soát Súng và Kiếm của Nhật Bản từ năm 1958 quy định “không ai được sở hữu các loại súng và dao kiếm”. Số ít trường hợp ngoại lệ là súng ngắn để săn bắn và phục vụ thể thao.
Theo The Guardian, quy trình để sở hữu súng ở Nhật Bản gồm 13 bước. Đầu tiên, người muốn sở hữu súng cần tham gia một khóa học về săn bắn hoặc bắn súng.
Tiếp theo, họ phải tham gia một lớp học về súng và vượt qua bài thi viết và đạt độ chính xác ít nhất 95% trong bài thi thực hành. Sau đó, người thi cần có kết quả chứng nhận từ bác sĩ là có đủ sức khỏe và không có tiền sử sử dụng ma túy.
Những người này phải tham gia một khóa học về cách sử dụng và cất giữ súng an toàn.
Trong quá trình này, cảnh sát sẽ phỏng vấn những người có nhu cầu về lý do họ muốn sở hữu súng và tiến hành kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng, bao gồm việc phỏng vấn các thành viên trong gia đình, mối quan hệ với hàng xóm, lịch sử việc làm và tình trạng tài chính của họ.
Nếu vượt qua những vòng trên, họ có thể xin giấy phép bán thuốc súng và lấy giấy chứng nhận từ một đại lý về loại súng mà họ muốn. Người sở hữu súng cần mua một tủ đựng đạn và két an toàn để đựng súng, được cảnh sát kiểm tra, sau đó họ sẽ có một cuộc kiểm tra lý lịch khác.
Số ít trường hợp ngoại lệ được sử dụng súng tại Nhật Bản là súng bắn đạn ghém để săn bắn và chơi thể thao. Khi đó, chủ sở hữu vẫn phải tham gia các lớp học và vượt qua các kỳ thi viết và thực hành. Sau đó, họ phải trải qua các cuộc đánh giá tâm lý để xác định có phù hợp để sở hữu súng hay không.
Người có nhu cầu sử dụng súng chỉ có thể mua súng bắn đạn ghém hay súng hơi. Cứ 3 năm một lần, họ phải tham gia lại khóa học và kiểm tra lại nếu muốn tiếp tục sở hữu súng. Quyền sở hữu dân sự đối với súng ngắn bị cấm tại Nhật Bản.
Nếu chủ sở hữu qua đời, người thân sẽ phải giao nộp súng cho chính phủ.
Đất nước có tỷ lệ bạo lực súng đạn thấp nhất thế giới
Một số vi phạm sử dụng súng được báo cáo trên các phương tiện truyền thông thường liên quan đến các thành viên của tổ chức tội phạm yakuza tại Nhật Bản. Nikkei Asia đưa tin, theo thống kê của cảnh sát, Nhật Bản ghi nhận 21 vụ bắt giữ vì sử dụng súng vào năm 2020, trong đó có 12 vụ liên quan đến băng đảng này.
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, có 6 trường hợp tử vong do súng tại đất được báo cáo trong năm 2014. Con số này hiếm khi vượt quá 10 ở quốc gia 126 triệu dân. Năm 2006, chỉ có 2 người thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng súng.
Một báo cáo vào năm 2022 từ Đại học Washington chỉ ra rằng, trong khi Mỹ có hơn 4 vụ giết người bằng súng trên 100.000 người vào năm 2019, thì con số này ở Nhật Bản gần như bằng 0. Theo báo cáo, tỷ lệ giết người bằng súng trên 100.000 người ở Mỹ là 4,2, Australia là 0,18 và Nhật Bản là 0.02.
Năm 2013, Nhật Bản ghi nhận mức cao kỷ lục về tội phạm sử dụng súng, với 40 vụ tội phạm dùng súng, nhưng con số đã giảm dần kể từ đó. Đến năm 2020, có 21 vụ tội phạm sử dụng súng, với 12 vụ liên quan tới băng đảng yakuza.
Các quan chức Nhật Bản cho rằng càng ít súng được lưu hành thì tỷ lệ tử vong do loại vũ khí này sẽ càng thấp. Nhật Bản còn có luật nghiêm ngặt về số lượng cửa hàng súng được phép hoạt động. Mỗi tỉnh tại nước này chỉ được phép mở tối đa 3 cửa hàng súng.